"Ai thừa thì cho đi, ai thiếu thì đến lấy" là thông điệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đà Loan - nơi khởi xướng mô hình tủ quần áo từ thiện "Chiếc tủ yêu thương" muốn chuyển tải đến tất cả mọi người.
“Ai thừa thì cho đi, ai thiếu thì đến lấy” là thông điệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đà Loan - nơi khởi xướng mô hình tủ quần áo từ thiện “Chiếc tủ yêu thương” muốn chuyển tải đến tất cả mọi người. 2 năm qua, đây là địa chỉ quen thuộc không chỉ đối với người dân khó khăn trên địa bàn xã Đà Loan, mà còn của người dân 5 xã Vùng Loan, huyện Đức Trọng.
|
Người dân đang lựa đồ tại tủ quần áo “Chiếc tủ yêu thương” |
Ngày nào cũng như ngày nào, tủ quần áo từ thiện được đặt tại nhà của chị Phan Thị Tố Oanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Đà Loan, luôn “đông khách”. Đó có thể là cô hàng xóm rảnh rỗi tạt ngang qua để lựa vài bộ đồ để đi làm; là người dân từ các thôn khác trong xã, đi chợ về, tiện đường ghé vào xem có bộ đồ nào hợp với mình; hay đó là mấy chị phụ nữ từ xã Tà Năng, có việc đi ngang qua Đà Loan, cũng tranh thủ ghé vào lựa vài bộ đồ “hợp nhãn” cho mình và những thành viên trong nhà. Vừa lúi húi lựa rồi thử đồ, hết bộ này đến bộ khác, chị Ma Ngoan (thôn Phú Ao) vừa cho biết: “Hầu như ngày nào đi chợ về ngang qua đây, tôi và con gái và 2 đứa cháu ngoại cũng ghé vào xem có đồ mới không để lựa vài bộ cho mình, mà ngày nào cũng có đồ để mang về nên vui lắm. Lúc đầu còn thấy hơi ngại, nhưng giờ thì thấy bình thường rồi, mỗi lần như vậy còn được chị Chủ tịch Hội Phụ nữ mời nhiệt tình, đưa hết bộ này, bộ kia cho thử. Mà không chỉ mình gia đình tôi, mà bà con trong thôn Phú Ao, người này rỉ tai người kia, giờ mọi người ai cũng biết tới tủ quần áo này nên nếu đi ngang qua đây, đều tranh thủ ghé lại”.
Nói về ý tưởng thành lập tủ quần áo từ thiện này, chị Phan Thị Tố Oanh cho biết: “Đà Loan là vùng nông thôn, đa số người dân trong xã đều làm nông, kinh tế còn nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, tôi đã quyết định thành lập chiếc tủ yêu thương này, để tiếp nhận quần áo không dùng tới, san sẻ cho những người khó khăn. Mô hình cũng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các chị em trong Ban Chấp hành”. Chị Vương Thị Kim Lan (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đà Thọ) nói: “Mô hình này thật sự rất ý nghĩa nên khi Ban Chấp hành Hội triển khai, chúng tôi đều nhiệt tình hưởng ứng. Và mỗi lần tổ chức họp chi hội, chúng tôi đều gửi đến chị em thông điệp “Ai thừa thì cho đi, ai thiếu thì đến lấy” và cũng nhận được sự nhiệt tình ủng hộ của chị em trong chi hội”. Chị Nguyễn Thị Kim Loan (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đà Am), cũng vui vẻ tiếp lời: “Từ lúc mô hình được triển khai, bất cứ thứ gì còn dùng được, từ sách vở, quần áo, các chị em trong chi hội đều gom mang đến góp vào chiếc tủ yêu thương để những người có hoàn cảnh khó khăn thì đến lấy. Còn nếu chị nào có đồ cũ mà không mang tới đây được, chúng tôi đều sẵn sàng đến tận nhà để chở. Chúng tôi thật sự rất vui vì mô hình này đã thật sự có ích đối với rất nhiều chị em, nhất là người dân ở vùng sâu, còn nhiều khó khăn”.
Từ lúc mô hình được triển khai, đã vận động được trên 20 ngàn chiếc quần áo, 20 bộ sách cũ, 700 cuốn vở, trên 200 đôi giày, dép cho các hộ khó khăn. “Không chỉ nhận được sự ủng hộ của cán bộ, hội viên trong xã, mô hình còn nhận được sự giúp đỡ của nhiều người ở Sài Gòn, Đà Lạt, hay nhiều vùng lân cận. Và chúng tôi cũng rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ này, nếu mọi người có đồ cũ còn dùng được thì đừng vứt đi mà hãy gửi cho chúng tôi, chúng tôi sẽ giặt giũ lại và trao tận tay những người còn khó khăn, thật sự cần”- chị Phan Thị Tố Oanh nói thêm.
Đánh giá về mô hình này, bà Đặng Thị Hiệp - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Trọng, nói: “Đây thực sự là việc làm sáng tạo và đầy ý nghĩa của cán bộ, hội viên phụ nữ xã Đà Loan. Mô hình đã tạo điều kiện giúp đỡ không chỉ các hộ khó khăn trên địa bàn xã Đà Loan, mà còn của 5 xã Vùng Loan. Trước hiệu quả mà mô hình mang lại, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng trên địa bàn huyện”.
THY VŨ