Để y tế học đường phát huy vai trò trong trường học

06:06, 02/06/2020

Phòng dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, theo dõi sức khỏe học sinh...; rất nhiều việc trong trường phải trông cậy vào nhân viên y tế trường học.

Phòng dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, theo dõi sức khỏe học sinh...; rất nhiều việc trong trường phải trông cậy vào nhân viên y tế trường học.
 
Kiểm tra răng cho học sinh tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Đà Lạt
Kiểm tra răng cho học sinh tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Đà Lạt
 
Bận rộn cả ngày 
 
Với bà Thái Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1967, nhân viên y tế trường học của Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Đà Lạt, ngày nào lên trường cũng đã có việc “chờ” sẵn.
 
Là nữ hộ sinh trung cấp, bà công tác tại trường từ năm 1997 đến nay, trường có hằng nghìn học sinh học tập hằng ngày, công việc của bà là phải trực ở trường cả ngày trong tuần khi trường hoạt động. “Mọi năm, thời gian này đã sắp bước vào nghỉ hè nhưng năm nay do dịch bệnh đầu năm nên giờ học sinh vẫn phải học. Mùa hè, buổi sáng thường nắng nóng, nhiều em ra sân vận động bị say nắng, phải lên phòng y tế sơ cứu, ngày nào cũng có một vài em” - bà Hạnh cho biết. 
 
Với một người công tác lâu năm trong học đường, bà thao tác một cách thành thục với những trường hợp say nắng như thế này, cho các em nằm nghỉ, uống cốc nước hay sữa một lát là các em đỡ mệt, nhưng nếu không ổn thì nhà trường sẽ gọi cho phụ huynh đến đón đưa các cháu đi khám ở bệnh viện ngay.
 
Nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều việc hằng ngày của bà. Trường có 620 học sinh bán trú trong tổng số hơn cả ngàn học sinh của trường, các em ở lại trường trong ngày với bữa ăn trưa. Nhiệm vụ của bà hằng ngày là phải kiểm tra nguồn thực phẩm đầu vào, coi có tươi, có đạt chuẩn không, rồi lưu mẫu thức ăn theo quy định, kiểm tra khâu chuẩn bị bữa ăn cho các em có đảm bảo vệ sinh không. “Trường có hợp đồng với đơn vị nấu ăn cho học sinh nhưng mình phải đi kiểm tra” - bà Hạnh cho biết.
 
Là nhân viên y tế, bà còn đảm nhiệm công việc kiểm tra vệ sinh lớp học, sân trường, nhà vệ sinh hằng ngày; phối hợp với các cô giáo chủ nhiệm trong các lớp nhắc nhở các em đánh răng đúng cách, vệ sinh răng miệng; giáo dục các em cách phòng ngừa bệnh tật, rửa tay. 
 
Trường học ở Đà Lạt với đặc thù mưa nhiều, thiếu ánh sáng, bà phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm lớp nhắc học sinh mở cửa, mở rèm cho ánh sáng chiếu vào, ngồi học đúng cách để chống cận thị. Hằng năm, người nhân viên y tế trường học này phối hợp với Trung tâm Y tế Đà Lạt kiểm tra sức khỏe cho toàn bộ học sinh trong trường, lập sổ theo dõi chiều cao, cân nặng, dinh dưỡng, thị lực. 
 
Điều đáng tiếc nhất với bà Hạnh trong 3 năm gần đây với tư cách là nhân viên y tế trường học, chính là chương trình nha học đường không được tiếp tục duy trì. “Học sinh tiểu học trong giai đoạn thay răng, việc chăm sóc răng rất quan trọng nên rất cần chương trình này” - bà Hạnh suy nghĩ. Cũng may theo bà, để thay thế cho chương trình nha học đường, Phòng Giáo dục Đà Lạt đã phối hợp với một đơn vị nha khoa tư nhân đến kiểm tra răng các em mỗi năm 2 lần cho các trường học trên địa bàn. 
 
Để y tế học đường phát huy vai trò 
 
Theo Sở Giáo dục - Đào tạo (GD ĐT) Lâm Đồng, đến nay tất cả 704 trường học trong tỉnh từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông đều có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công tác y tế học đường. Trong số này có 476 người có chuyên môn y tế (chiếm tỷ lệ 67,6%), hầu hết là y sỹ trung cấp, trong đó có 328 người trong biên chế.
 
Về cơ sở vật chất phục vụ y tế trường học, 507/704 trường có phòng y tế, trong đó mầm non là 143/231 trường có phòng y tế; tiểu học là 199/257 trường có phòng y tế; trung học cơ sở với 108/159 trường có phòng y tế; còn cấp trung học phổ thông, tất cả 57 trường đều có phòng y tế. Về trang bị, 618/704 trường có trang bị thiết yếu cho y tế và toàn bộ 704 trường hiện đều có tủ thuốc thiết yếu. 
 
Theo đánh giá của Sở GD ĐT, từ năm 2016 đến nay, công tác y tế trường học của tỉnh đã đi vào nề nếp. Y tế học đường đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học theo hướng dẫn của ngành chức năng. Sở luôn yêu cầu các nhân viên y tế trường học theo dõi tình hình sức khỏe học sinh, tình hình dịch bệnh xảy ra ở cơ sở, chú ý vào thời điểm giao mùa, thời điểm có dịch (như đại dịch COVID-19 vừa qua) để có biện pháp phối hợp với cơ quan chuyên môn y tế trên địa bàn cách ly, xử lý ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, không để tình trạng bệnh truyền nhiễm có nguy cơ phát triển thành dịch bệnh trong trường học. 
 
Cùng đó, y tế học đường lâu nay cũng thực hiện tốt hoạt động tư vấn, truyền thông giáo dục sức khỏe trong trường học, giáo dục học sinh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; giáo dục giới tính, giáo dục dân số, phòng chống bạo lực gia đình... 
 
Sở GD ĐT Lâm Đồng cũng cho biết định kỳ hằng năm phối hợp với Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức kiểm tra việc hướng dẫn thực hiện công tác y tế học đường của các phòng GD ĐT và các trường học trực thuộc. Tương tự, phòng GD các huyện, thành cũng phối hợp với trung tâm y tế của địa phương mình để kiểm tra tại các trường học trên địa bàn. Ngành cũng phối hợp để mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên y tế định kỳ hằng năm. 
 
Một cuộc kiểm tra gần đây của ngành chức năng cho biết đã có 642/704 trường đạt chuẩn về phòng học; 672/704 trường đạt chuẩn về bàn ghế; 638/660 trường đạt chuẩn về bảng phòng học; 671/704 trường đạt điều kiện về chiếu sáng, 394/401 trường đạt điều kiện về thiết bị, đồ chơi trẻ em; 635/652 trường đạt điều kiện về nước ăn uống; 683/704 trường đạt điều kiện về nước sinh hoạt; 680/704 trường đạt điều kiện về công trình vệ sinh; 678/704 trường đạt điều kiện về thu gom, xử lý chất thải và 431/437 trường đạt điều kiện về an toàn thực phẩm.
 
Tuy nhiên, như ngành chức năng đánh giá, vẫn còn gần 28% số trường học trong tỉnh hiện nay chưa có phòng y tế, thiếu trang thiết bị thiết yếu và thuốc thiết yếu; nhiều trường xem nhẹ công tác y tế học đường, chưa thực hiện sổ sách theo dõi, chưa thực hiện việc tự đánh giá công tác y tế trường học theo qui định.
 
Nhưng một điều đáng nói khác, như ông Nguyễn Quang Huy, cán bộ phụ trách y tế học đường - Sở GD ĐT Lâm Đồng nhận xét rằng nhân viên y tế không chỉ có mức lương khá khiêm tốn mà còn là một trong những người bị tinh giản biên chế rất nhiều trong những năm vừa qua. Hiện có rất nhiều trường học phải hợp đồng với giáo viên kiêm nhiệm hoặc với nhân viên trạm y tế địa phương, cụ thể có 182 trường hợp hợp đồng với trạm y tế để thực hiện nhiệm vụ y tế trường học. 
 
Chính vì vậy, trong một báo cáo gần đây, Sở GD ĐT Lâm Đồng đã đề xuất với tỉnh có phương án tuyển dụng nhân viên y tế trường học, nhằm đảm bảo yên tâm công tác cho đội ngũ này, đồng thời kiến nghị với Bộ GD ĐT tham mưu với Chính phủ có chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý cho nhân viên đảm trách công tác y tế học đường.
 
VIẾT TRỌNG