Cho những lối về

04:06, 29/06/2020

Người dân ở những vùng quê của Đức Trọng đã cho đi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mét vuông đất, ở giữa thời điểm tấc đất còn hơn cả tấc vàng chỉ với mong muốn duy nhất để đường làng, ngõ xóm nơi mình cư ngụ thêm sạch sẽ, khang trang.

Người dân ở những vùng quê của Đức Trọng đã cho đi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mét vuông đất, ở giữa thời điểm tấc đất còn hơn cả tấc vàng chỉ với mong muốn duy nhất để đường làng, ngõ xóm nơi mình cư ngụ thêm sạch sẽ, khang trang.
 
Những con đường hoa khoe sắc nhờ bàn tay chăm sóc của mỗi người dân. Ảnh: H.Thắm
Những con đường hoa khoe sắc nhờ bàn tay chăm sóc của mỗi người dân. Ảnh: H.Thắm
 
“100% đường xã và đường từ trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo chiều rộng đường tối thiểu 6,5 m, chiều rộng mặt đường tối thiểu 3,5 m. Riêng đối với đường trục chính từ trung tâm hành chính xã và đường trục xã làm mới yêu cầu nền đường tối thiểu 9 m, mặt đường tối thiểu 5 m. Đường trục thôn, liên thôn tối thiểu trên 70% được cứng hóa, đảm bảo chiều rộng nền đường tối thiểu 5 m, mặt đường tối thiểu 3,5 m. Đường ngõ xóm 100% không lầy lội, tối thiểu 50% được cứng hóa phần còn lại được đổ cấp phối hoặc đá dăm, gạch vỡ, cuội sỏi được lu lèn cẩn thận. Đường trục chính nội đồng cũng 50% được cứng hóa đảm bảo chiều rộng nền đường tối thiểu 5m”.
 
Phía sau những con số tưởng như khô khan, những % khiến người đọc dễ mỏi mắt ấy lại chất chứa nhiều những điều tốt đẹp chẳng dễ để so sánh, cân đo. Đó là tình làng nghĩa xóm với nhau, là sự hồn hậu, thảo thơm “cho đi, nhận lại” của người quê, hơn tất cả đó là sự đồng lòng của những người nông dân vốn quen với “một nắng hai sương” để cùng nhau thay đổi cuộc sống của mình.
 
Sự khởi điểm cho phong trào người dân hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu, ngày công lao động và kinh phí để xây dựng các tuyến đường trục xã, thôn, ngõ xóm ở Đức Trọng thực sự bắt đầu từ Tân Hội, một trong 11 xã điểm của toàn quốc được Trung ương chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới.
 
Qua hơn 10 năm xây dựng, xã đã được đầu tư xây dựng đường trục xã dài 4,2 km/11 tỷ đồng đi qua 03 thôn Tân Trung - Tân An - Tân Phú. Hiện nay xây dựng gần hoàn thành tuyến ĐH1 đi xã Bình Thạnh - Lâm Hà (3,7 km); tuyến ĐH2 đi xã N’Thol Hạ (0,8 km). 
 
Tổng số km đường đã được cứng hóa 16,2 km, đạt 100%, tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%. Điều đặc biệt, đối với các tuyến đường này, người dân đều tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, đồng thời góp ngày công lao động, tiền để thi công các con đường, với chủ trương Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ một phần vật liệu chính với tổng kinh phí Nhân dân đối ứng là hơn 20 tỷ đồng.
 
Không những thế, người dân Tân Hội còn đóng góp nhiều tỷ đồng cùng công lao động để thực hiện chương trình Thắp sáng đường quê, hiện nay trên 80% các con đường đều có điện chiếu sáng do Nhân dân tự huy động đóng góp và duy trì thường xuyên.
 
Ông Huỳnh Quốc Bảo Huy - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Bài học sau thành công của Tân Hội, chính là để người nông dân biết, nông dân bàn, nông dân chọn, nông dân làm, nông dân kiểm tra, giám sát và nông dân thụ hưởng. Đây thực chất là việc vận dụng Quy chế dân chủ ở nông thôn một cách cụ thể, sâu sát hơn để từ đó huy động đông đảo Nhân dân cùng tham gia vào xây dựng nông thôn mới”.
 
Là xã thứ 2 của huyện Đức Trọng về đích nông thôn mới chỉ sau xã điểm Tân Hội, sự thành công của Bình Thạnh cũng không ngoại lệ khi có sự đồng lòng, ủng hộ tích cực của người dân.
 
Bình Thạnh với lợi thế về khí hậu ôn hòa, đất đai thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi phát triển, thêm vào đó thời vụ canh tác có thể sản xuất quanh năm. Đặc biệt, xã lại có vị trí “đắc địa” khi nằm dọc hai bên Quốc lộ 27, thuận lợi cho thông thương. Bình Thạnh cũng là một trong những xã (không chỉ của huyện Đức Trọng) có quy mô trang trại chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm lớn nhất tỉnh, đồng thời cũng là vùng trồng dâu nuôi tằm có diện tích gần như phủ kín đất sản xuất nông nghiệp. Vì thế, không khó hiểu khi đất ở đây cũng được giới kinh doanh bất động sản định giá vào loại có giá trị cao so với mặt bằng chung, dao động từ 250 đến 500 triệu đồng/1 sào.
 
“Mình hiến tặng, nhưng đâu có nghĩa là mất đi, ngược lại con cháu mình, bà con lối xóm được nhận rất nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống. Lũ trẻ đến trường không còn lấm lem bùn đất, tôi và người dân trong xóm cũng không còn vất vả ra đồng trong mỗi mùa mưa”, ông Nguyễn Công Khanh - Thôn Thanh Bình 1 (xã Bình Thạnh) nhẹ nhàng khi được hỏi về hơn 1.000 m 2 đất mà mình hiến tặng cho xã để làm đường bê tông.
 
Không chỉ ở Bình Thạnh, Tân Hội... Đức Trọng còn có hàng ngàn người dân ở những xã khác đều có suy nghĩ chung, cùng đồng lòng tự nguyện cho đi để đổi lấy những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống của chính mình và cộng đồng.
 
Liên Hiệp cũng là xã có phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn nổi bật, điều này có thể thấy rõ bằng những minh chứng cụ thể. Không tính những ngày công, tiền mặt đóng góp trực tiếp, thì đã có trên 300 hộ hiến đất mở rộng đường với diện tích trên 16.000 m 2 đất, hoa màu và vật kiến trúc trên đất có tổng trị giá gần 10 tỷ đồng.
 
Ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng chia sẻ: “Để Đức Trọng trở thành huyện Nông thôn mới như hôm nay, không đơn thuần chỉ nằm ở phần cứng đó là hoàn thành các tiêu chí. Xa hơn, đặc biệt nhất đó chính là “tiêu chí lòng dân”, đồng thời Huyện ủy, UBND các cấp và các tầng lớp nhân dân trong huyện đã tìm được tiếng nói chung để hoàn thành các mục tiêu trong thời gian ngắn nhất và đưa Đức Trọng trở thành huyện Nông thôn mới thứ 2 của tỉnh. Mà việc đông đảo người dân hiến đất làm đường là một ví thử sinh động nhất”.
 
Đức Trọng hiện tại và tương lai sẽ luôn là một vùng kinh tế năng động và hứa hẹn nhiều tiềm năng cũng như cơ hội để phát triển, đồng thời sẽ là vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trọng điểm của tỉnh. Để chuẩn bị trước cho lộ trình phát triển đầy kỳ vọng ấy, trong thời gian tới, cùng với tỉnh, huyện sẽ phối hợp để phát triển đồng bộ và từng bước xây dựng hệ thống giao thông theo quy hoạch, trọng tâm là mạng lưới giao thông đối ngoại. Như: đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 27, 28B, đường tỉnh ĐT 725, ĐT 724, ĐT 728, ĐT 729, đoạn qua địa bàn huyện và tuyến tránh Sân bay Liên Khương; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư đường vành đai thị trấn Liên Nghĩa, nâng cấp đường Thống Nhất, đường Tân Hội - Tân Thành, đường Hồ Xuân Hương - Tân Phú - Tân Thành - Pongour - Quốc lộ 20, đường Phú Hội - Đạ Quyn... tiếp tục phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới ngày càng nâng cao, kiểu mẫu hơn nữa... Bên cạnh những nguồn kinh phí lớn để đầu tư, có lẽ hơn lúc nào, huyện Đức Trọng và rộng hơn là tỉnh Lâm Đồng rất cần sự đồng lòng, ủng hộ cao của người dân trong mọi kế hoạch triển khai. Điều đó, không đơn thuần chỉ nằm ở những m2 đất cụ thể, mà hơn hết là ở tinh thần của người dân.
 
Giữa cái thời “tấc đất, tấc vàng”, mọi người nháo nhào lên vì đất, luân thường đạo lý đôi khi bị đảo lộn cũng chỉ vì từng mét đất thì những người dân quê ở Đức Trọng sẵn sàng cho đi để đổi lại cái lẽ rất thường tình, cho cuộc sống của mình ngày một chất lượng và tốt đẹp hơn.
 
TUẤN LINH