Trường Sa không xa

05:06, 18/06/2020

Là xứ cao nguyên, không giáp biển nhưng anh chị em phóng viên công tác ở các cơ quan báo chí tại Lâm Đồng vẫn đầy nhiệt huyết khi đến với quần đảo Trường Sa, mong mỏi được đặt chân đến những hòn đảo đã ghi dấu công sức, tình cảm của quân dân cả nước...

Là xứ cao nguyên, không giáp biển nhưng anh chị em phóng viên công tác ở các cơ quan báo chí tại Lâm Đồng vẫn đầy nhiệt huyết khi đến với quần đảo Trường Sa, mong mỏi được đặt chân đến những hòn đảo đã ghi dấu công sức, tình cảm của quân dân cả nước. Phóng viên Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Lâm Đồng, các cơ quan báo chí thường t rú tại Lâm Đồng đều chung tình cảm yêu thương và gắn bó với mảnh đất nơi đầu sóng. Và, với mỗi cá nhân người cầm bút, được đến với Trường Sa luôn là một kỷ niệm không bao giờ quên. 
 
Phóng viên Báo Lâm Đồng với những cậu bé trên đảo Sinh Tồn
Phóng viên Báo Lâm Đồng với những cậu bé trên đảo Sinh Tồn
 
“Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh”, câu hát vời vợi mà chứa chan tâm tình người đất liền, người đầu sóng. Trường Sa chào đón những người lính - cầm bút với những con sóng lừng lững. Đến với Trường Sa không phải là một chuyến đi dễ dàng. Hàng trăm hải lý xa ngái với những cơn áp thấp, bão biển. Dù đã được cán bộ, chiến sỹ Vùng 4 Hải quân hết sức quan tâm nhưng cảm giác say sóng giữa biển khơi không hề dễ chịu. Hàng chục ngày lênh đênh trên biển, nhìn xung quanh chỉ thấy những cánh hải âu chao nghiêng. Những chuyến lên, xuống xuồng chuyền tải bập bềnh đầy nguy hiểm. Nằm yên lặng trên chiếc giường cá nhân nhỏ xíu, cảm nhận được thân tàu lắc lư trên những con sóng cấp 6, cấp 7. Tất cả đã tạo nên những ấn tượng khó phai trong cảm nhận của các phóng viên đã đến Trường Sa. Nhưng dù vất vả, dù mệt mỏi tới đâu cũng không thể làm những người cầm bút, cầm máy chùn lòng. Bởi tình cảm của những người lính, của cán bộ, chiến sỹ, của quân dân trên quần đảo Trường Sa đã tiếp thêm sức mạnh to lớn cho đội ngũ người làm báo.
 
Những ánh mắt thơ ngây, sự hồn nhiên của những cô bé, cậu bé trên đảo Trường Sa lớn, Sinh Tồn... thu hút mọi sự quan tâm của những người làm báo. Các bé cười vui vẻ trong tiếng sóng biển rì rào ngày đêm. Buổi chào cờ đầu năm mới của những người lính trẻ. Tiếng chuông chùa trầm mặc trên sóng biếc. Nén nhang thơm tưởng nhớ những anh linh còn nằm lại trên đất, trên biển quê hương. Nồi bánh chưng thơm nức hương tết, hương tình đất liền gửi người ở đảo. Và trên hết là tình yêu, sự hy sinh của cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo chìm, đảo nổi. Những gương mặt lính trẻ vương nét ngượng ngùng, hỗ trợ hết mình “các anh chị nhà báo” thực hiện nhiệm vụ, quay phim, chụp hình, phỏng vấn. Tất cả đều vội vàng vì chuyến đi quý giá lắm. Mỗi phút giây đều được trân trọng, được yêu quý.
 
Lâm Đồng không có biển, trong đội ngũ người lính Trường Sa cũng không nhiều chiến sỹ quê Lâm Đồng. Nhưng trên nhà giàn, trên đảo nổi, đảo chìm đầy dấu ấn của phố núi. Là những cành lan tím, lan hồng, là hệ thống tưới nhỏ giọt, túi giá thể trồng rau xanh trên đảo... được Nhân dân Lâm Đồng trao tặng. Là những bồn cảnh “học theo Đà Lạt” được chiến sỹ chăm chút mỗi ngày. Là niềm mơ ước về những buổi chiều bảng lảng sương khói chân đồi mà nhiều người lính tâm sự, về đất liền nhất định phải lên tham quan Đà Lạt. Niềm vui nhỏ ấy giúp những nhà báo phố núi được tiếp thêm sức mạnh, vượt qua những cơn “say đất liền” lảo đảo để thấm, để hiểu, để thêm tâm huyết trên ngòi bút, khung hình. 
 
Hải trình dài tới đâu cũng tới lúc chia xa. Về lại đất liền, ngoài những tấm hình, những thước phim, những tư liệu trong sổ tay, các phóng viên còn mang trong lòng tài sản quý nhất. Đó là tình cảm của cán bộ, chiến sỹ, quân dân trên quần đảo Trường Sa. Là những kỷ niệm còn sống động, vẹn nguyên về những ngày không thể quên, là tình đồng đội, đồng nghiệp trong những ngày lênh đênh trên sóng. Với những người làm Báo Lâm Đồng đã đến Trường Sa, những anh Xuân Trung, Ngọc Tuấn, Tuấn Linh, Tấn Sỹ, Đình Đông, Đặng Tuấn..., các chị Nguyễn Nghĩa, Bích Hảo, Phương Thảo, Ngọc Ngà, Việt Quỳnh... và những người khác, những phóng viên Báo Lâm Đồng, quay phim, biên tập viên của Đài PT-TH Lâm Đồng, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân Việt Nam tại Lâm Đồng, những người đã đến Trường Sa được kết nối bởi niềm tự hào của những người đồng đội. Và trên hết là lòng tự hào về mảnh đất xa xôi của Tổ quốc mà mình đã được tới, được sẻ chia, được tác nghiệp. Những ký ức đó, kỷ niệm đó giúp người làm báo càng thêm vững tay bút, tay máy trong hành trình nghề nghiệp.
 
 “Không xa đâu Trường Sa ơi”, câu hát ấy sẽ còn đọng lại mãi trong trái tim và khối óc những người đã từng đến Trường Sa, trong đó có chúng tôi, những người cầm bút. Để nhắc về mảnh đất xa xôi mà đầy máu thịt, nơi quân và dân đang ngày đêm canh giữ cho sự toàn vẹn của đất Mẹ thiêng liêng.
 
DIỆP QUỲNH