Khẳng định vai trò nữ công nhân, viên chức, lao động

05:06, 08/06/2020

Phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) do Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động đã và đang được LĐLĐ tỉnh thực hiện với nhiều hình thức phong phú, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các công đoàn cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) do Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động đã và đang được LĐLĐ tỉnh thực hiện với nhiều hình thức phong phú, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các công đoàn cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Nữ công nhân Công ty TNHH Trình Nhi, Khu Công nghiệp Phú Hội, tham gia sản xuất
Nữ công nhân Công ty TNHH Trình Nhi, Khu Công nghiệp Phú Hội, tham gia sản xuất
 
Theo LĐLĐ tỉnh, thời gian qua, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực, học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” luôn được các cấp công đoàn quan tâm triển khai thực hiện và các phong trào này luôn được duy trì và phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu trong nữ CNVCLĐ. Hằng năm, ngay từ đầu năm, trên cơ sở thực hiện 13 chỉ tiêu kế hoạch do Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh giao, trong đó có chỉ tiêu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, các cấp công đoàn trong tỉnh đã hướng dẫn và tổ chức cho nữ CNVCLĐ đăng ký thực hiện danh hiệu thi đua “Hai giỏi”.
 
Nữ CNVCLĐ ở tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, ở các địa phương trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, trong quá trình chỉ đạo thực hiện phong trào, một số đơn vị nghiên cứu vận dụng, cụ thể hóa các nội dung tiêu chuẩn cho phù hợp với đặc điểm ngành nghề, địa phương. Cụ thể: Trong lĩnh vực giáo dục, với lực lượng lao động đông đảo, chiếm tỷ lệ trên 77,5%, đội ngũ nữ cán bộ nhà giáo, người lao động phát huy vai trò và đã xác định rõ trọng tâm phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chú trọng tự học, tự bồi dưỡng, tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học, tham gia các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong dạy và học”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, và Cuộc vận động “Hai không” (nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục) gắn với các phong trào thi đua yêu nước khác “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” vào các hoạt động của công đoàn và hoạt động nữ công,... các nữ nhà giáo đã tiên phong trong các hoạt động thi đua tại các đơn vị trường học, nhiều chị đạt chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi bằng tài năng đức độ và tinh thần trách nhiệm cao, đã trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chiếm 67,1% tập thể nữ CBCCVC ngành Y tế ngày càng khẳng định vai trò của mình trong lĩnh vực chuyên môn, luôn phấn đấu học tập nâng cao trình độ, nâng cao y đức, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. 
 
Trong vòng 10 năm qua đã có 2 đề tài cấp tỉnh, 43 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, cơ sở của các chị em và 2 chị được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 9 chị nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 chị được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”. 
 
Trong lĩnh vực quản lý, khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và đào tạo, với tấm lòng nhân ái, trách nhiệm, tình thương “Thầy thuốc như mẹ hiền” các chị hết lòng phục vụ người bệnh và tích cực tiếp thu thành tựu trong lĩnh vực y học hiện đại để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe ban đầu...
 
Hay ở các lĩnh vực khác thì có phong trào thi đua thực hiện Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” trong nữ CNVCLĐ, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong nữ công nhân lao động tại các công ty, doanh nghiệp... Qua đó, có hàng nghìn công trình, sản phẩm, phần việc và đề tài sáng kiến trong cải cách hành chính, quản lý, điều hành; sáng kiến, giải pháp khoa học thiết thực... làm lợi cho Nhà nước hàng tỷ đồng.
 
Ngoài xã hội, nhiều nữ CNVCLĐ không chỉ là quản lý giỏi, thủ trưởng gương mẫu, cán bộ, công chức nhiệt tình, năng nổ, khi về nhà các chị còn làm tròn bổn phận của người phụ nữ trong gia đình. Do nhận thức về bình đẳng giới đã có những chuyển biến tích cực nên trong gia đình, người chồng đã ngày càng sẻ chia với các chị trong việc nội trợ, chăm sóc con cái, bố mẹ hai bên, động viên cho các chị đi học, tham gia các hoạt động xã hội. Nhiều gia đình nữ CNVCLĐ giữ được nét đẹp truyền thống có nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Nhiều chị có hoàn cảnh éo le như chồng ốm đau, bệnh tật hoặc không may qua đời... nhưng các chị đã vượt lên số phận, với nghị lực và niềm tin, bằng trí óc và sức lao động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là điểm tựa vững chắc để nuôi dạy chăm sóc những đứa con chăm ngoan, học giỏi thành đạt tiêu biểu như: gia đình các chị Phạm Thị Thúy - Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng, chị Trần Thị Hồng Hà - Công ty TNHH Chè Vina Suzuki... 
 
Qua phong trào đã có hàng chục ngàn chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và nhiều chị vinh dự được Tổng LĐLĐ Việt Nam khen thưởng, biểu dương. Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là động lực giúp chị em phấn đấu vươn lên trong hoạt động xã hội và xây dựng hạnh phúc gia đình; tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ phát huy phẩm chất, năng lực của phụ nữ Việt Nam, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới của đất nước.
 
NHẬT MINH