Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới

05:06, 12/06/2020

15 năm thực hiện Chỉ thị 54, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư về "Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới",...

15 năm thực hiện Chỉ thị 54, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư về “Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, Lâm Đồng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả cho bệnh nhân, phòng chống lây nhiễm, đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng. 
 
Kỹ thuật viên đang thực hiện các test tại Phòng xét nghiệm khẳng định HIV thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Kỹ thuật viên đang thực hiện các test tại Phòng xét nghiệm khẳng định HIV thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
 
Mở rộng mạng lưới chăm sóc, điều trị, dự phòng lây nhiễm HIV
 
Từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1993, đến 30/4/2020, toàn tỉnh có 1.630 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 286 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 290 bệnh nhân tử vong do liên quan đến HIV. Số tích lũy ca nhiễm HIV cao nhất tại thành phố Đà Lạt 519 người và thấp nhất tại huyện Lạc Dương 10 người. 
 
Sở Y tế ghi nhận 12 huyện, thành phố và 122/142 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã có ca nhiễm HIV. Trong 15 năm qua, mỗi năm phát hiện khoảng 100 - 200 ca nhiễm HIV mới, cao nhất vào năm 2011 là 199 ca, từ năm 2015 đến 2020 số ca phát hiện mới có xu hướng tăng giảm không ổn định.
 
Hoạt động chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS từ năm 2005 -2014 được thực hiện tại các cơ sở y tế (hàng năm dao động từ 29 - 330 bệnh nhân), tại các xã, phường, thị trấn (hàng năm có từ 82 - 324 bệnh nhân) và số bệnh nhân được điều trị ARV (hàng năm từ 12-363 bệnh nhân).
 
Bước ngoặt làm thay đổi số phận của nhiều bệnh nhân nhiễm HIV là ngành Y tế đầu tư mở rộng mạng lưới chăm sóc điều trị ARV từ năm 2015, các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được điều trị và chăm sóc tại 3 phòng khám chuyên khoa HIV. Kể từ đây tất cả số bệnh nhân được chăm sóc tại xã, phường, thị trấn đã chuyển sang tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các phòng khám chuyên khoa HIV.
 
Ngành Y tế đã triển khai mạng lưới phòng khám và tư vấn HIV/AIDS tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng và Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc; tiếp tục triển khai 3 phòng khám chuyên khoa HIV tại Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng. Đến ngày 30/4, các phòng khám chuyên khoa HIV trong tỉnh đang điều trị cho 655 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, trong đó 16 bệnh nhân là trẻ em. 
 
Hàng năm, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh, Sở Y tế đã tổ chức triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên toàn tỉnh. Số phụ nữ mang thai tham gia xét nghiệm HIV ngày càng tăng, tất cả các phụ nữ nhiễm HIV trong diện quản lý, phụ nữ phát hiện nhiễm HIV lúc chuyển dạ đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Điều này có ý nghĩa to lớn trong phòng, chống lây nhiễm HIV, số mẫu xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tăng từ 2.945 mẫu (năm 2005) lên 35.042 mẫu (năm 2019), phát hiện số mẫu xét nghiệm khẳng định HIV dương tính mỗi năm dao động từ 2-35 trường hợp; số trẻ được điều trị dự phòng lây truyền HIV mỗi năm dao động từ 2-25 trẻ.
 
Hoạt động thông tin, truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS được triển khai trên địa bàn tỉnh với sự phối hợp của các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương, người tình nguyện, tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp; đồng thời, đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng về loại hình và nội dung hướng tới nhiều nhóm đối tượng cụ thể. Các phong trào được tiếp tục thực hiện như phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được triển khai từ năm 2008 đến nay có kết quả hết sức khả quan. Hàng năm, tổ chức Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên quy mô rộng, thu hút được sự quan tâm của người dân tại cộng đồng.
 
Việc đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng góp phần nâng cao nhận thức về HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV của các tầng lớp nhân dân, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với bệnh nhân. Hàng năm, tổ chức tập huấn kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, kỹ năng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho mạng lưới cán bộ y tế tuyến huyện, xã, phường, thị trấn; cán bộ của các ban, ngành, đoàn thể; công nhân của các công ty và Trại giam Đại Bình. Thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS của phụ nữ ở các huyện Lâm Hà, Đơn Dương và thành phố Bảo Lộc được tiếp tục phát huy hiệu quả và đang được nhân rộng ra các huyện khác, hướng tới giáo dục chống kỳ thị phân biệt đối xử, thay đổi hành vi phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.
 
Hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao (ma túy, mại dâm), cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm vẫn duy trì từ năm 2005 đến nay với các hoạt động như: Thành lập nhóm đồng đẳng, chương trình khuyến khích sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch. Chương trình khuyến khích sử dụng bao cao su và bơm kim tiêm được triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Công tác can thiệp giảm tác hại được đẩy mạnh, từ thực hiện thí điểm tại 3 địa phương là Đạt Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, đến nay đã mở rộng ra 5 địa phương trọng điểm về HIV/AIDS với 21 nhân viên tiếp cận cộng đồng được Sở Y tế phê duyệt thực hiện các nhiệm vụ tiếp cận tuyên truyền, phân phát bao cao su, bơm kim tiêm cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, thu gom bơm kim tiêm bẩn đã qua sử dụng...
 
Kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-90: Hiện nay toàn tỉnh có 78,3% người biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 76,1% người nhiễm HIV diện quản lý được điều trị ARV và 92,5% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng HIV thấp dưới ngưỡng ức chế.
 
Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng ở mức thấp
 
Theo Sở Y tế tỉnh, mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,1% vào năm 2025, giảm số người nhiễm HIV mới, số người chuyển sang AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm.
 
Cụ thể, nhóm chỉ tiêu về dự phòng: 100% cán bộ y tế chương trình xã, phường và thôn bản được tập huấn về phòng, chống HIV/AIDS; 100% cơ quan thông tin đại chúng tổ chức truyền thông PC HIV/AIDS; 80% xã, phường, thị trấn triển khai phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư; 95% doanh nghiệp, cơ sở vui chơi giải trí triển khai PC HIV/AIDS; 90% phụ nữ bán dâm được tiếp cận chương trình bao cao su; 90% người nghiện chích ma túy được tiếp cận chương trình bơm kim tiêm.
 
Nhóm chỉ tiêu về xét nghiệm: 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% phụ nữ có thai được xét nghiệm HIV miễn phí; 100% bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV; thực hiện 45.000 mẫu xét nghiệm HIV mỗi năm; 1.500 người được tư vấn xét nghiệm tự nguyện mỗi năm.
 
Nhóm chỉ tiêu về điều trị: 90% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị ARV vào năm 2025; 90% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế; 100% người bệnh đồng nhiễm HIV/lao được điều trị đồng thời thuốc ARV và điều trị lao; 100% cán bộ y tế bị phơi nhiễm HIV được chữa trị; đảm bảo 100% người nhiễm HIV được quản lý tham gia bảo hiểm y tế; 1.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc Methadone.
 
AN NHIÊN