(LĐ online) - Ngày 16/7, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm sơ kết lĩnh vực lao động - người có công và xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm với sự tham gia của 63 điểm cầu trên cả nước.
(LĐ online) - Ngày 16/7, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm sơ kết lĩnh vực lao động - người có công và xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm với sự tham gia của 63 điểm cầu trên cả nước.
|
Đồng chí Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì tại điểm cầu Lâm Đồng |
Đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đồng chủ trì hội nghị, cùng dự còn có lãnh đạo các bộ, ngành. Đồng chí Phan Văn Đa -Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì tại điểm cầu Lâm Đồng cùng với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan.
Theo báo cáo đánh giá tại hội nghị, những tháng đầu năm, trước tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, ngành lao động thương binh và xã hội cũng chịu nhiều ảnh hưởng; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục; tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao do nhu cầu lao động sụt giảm. Dịch Covid-19 có giai đoạn đã diễn biến rất nhanh, gây khó khăn cho dự báo thời điểm đỉnh dịch và thời điểm kết thúc, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 và đầu tháng 5/2020.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tới tháng 6/2020, Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm. Trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%; thu nhập bình quân quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525 nghìn đồng so với quý I và 279 nghìn đồng so với cùng kỳ). Trong số lao động bị ảnh hưởng, có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động.
Trong bối cảnh khó khăn chung, toàn ngành đã tập trung, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch; đồng thời, có các giải pháp để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp hỗ trợ người lao động, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội. Trong thời gian qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung triển khai gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP bảo đảm công khai, minh bạch. Các địa phương trong cả nước đã khẩn trương rà soát, lên danh sách và chi trả trực tiếp đến các nhóm đối tượng thụ hưởng. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ đối với nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đối với việc hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng (chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách đóng bảo hiểm xã hội, chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc...), về cơ bản đảm bảo đối tượng, đúng mục đích yêu cầu.
Do thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện mục tiêu kép về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn cho Nhân dân trước đại dịch, tình hình kinh tế - xã hội nói chung dần ổn định trở lại; sản xuất kinh doanh được khôi phục, nhiều doanh nghiệp đăng ký mới hoặc trở lại hoạt động sau thời gian dài tạm ngưng do giãn cách xã hội đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động (theo ước tính, từ tháng 5/2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 - 80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động).
6 tháng cuối năm, do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xác định tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thành chương trình công tác năm 2020 của Bộ; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương cần tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt lao động hoặc ngừng hoạt động, phá sản.
Mặt khác, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành phù hợp với thực tiễn, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu năm 2020; đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư công của ngành; cắt giảm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho các nhiệm vụ cấp bách...
THY VŨ