Xây dựng Bảo Lộc trở thành đô thị loại II - đô thị sinh thái được xem là "mục tiêu kép" mà thành phố Bảo Lộc hướng đến vào năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2040.
Xây dựng Bảo Lộc trở thành đô thị loại II - đô thị sinh thái được xem là “mục tiêu kép” mà thành phố Bảo Lộc hướng đến vào năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2040.
|
Trung tâm thành phố Bảo Lộc trang hoàng chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 |
Đạt 41/51 tiêu chuẩn
Để trở thành đô thị loại II, thành phố Bảo Lộc cần phải hoàn thiện 51 tiêu chuẩn trong hệ thống 5 tiêu chí chính gồm: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; quy mô dân số; mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Xác định tầm quan trọng của việc hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II, ngày 19/4/2017, Ban Thường vụ Thành ủy Bảo Lộc đã ban hành Nghị quyết 06 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2020. Tại thời điểm này, thành phố đã đạt 22 tiêu chí đô thị loại II; trong đó, có nhiều tiêu chuẩn quan trọng như: Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm, cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, quy mô thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở vật chất y tế, giáo dục... đã đạt và vượt khá cao so với tiêu chuẩn chung. Tuy nhiên, nếu so với định hướng mở rộng địa giới hành chính và nâng quy mô trung tâm nội thị thì các tiêu chuẩn trên chỉ đạt ở mức trung bình. Mặt khác, một số tiêu chuẩn đạt thấp như: Cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, quy mô giáo dục - đào tạo và các thiết chế văn hóa, thể thao. Nếu đối chiếu với quy định, thành phố mới đạt từ 65 - 75% mức độ chuẩn của các tiêu chuẩn nói trên.
Từ những cơ sở đó, Nghị quyết 06 đã đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Bảo Lộc đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2020 với tỷ lệ cao về các tiêu chuẩn cơ bản trong hệ thống 51 tiêu chuẩn, để phù hợp với yêu cầu quy hoạch mở rộng địa giới hành chính và trung tâm nội thị; đầu tư và phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố Bảo Lộc tiếp cận tiêu chí đô thị môi trường theo định hướng phát triển toàn diện, bền vững. Ngoài ra, Nghị quyết cũng đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm về đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội hướng vào các trọng tâm thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo đảm quá trình tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đạt chuẩn đô thị loại II, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa với cơ sở phúc lợi xã hội ngày càng được hoàn thiện.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, đến hiện tại, thành phố Bảo Lộc chỉ đạt 41/51 tiêu chuẩn trong hệ thống 5 tiêu chí của đô thị loại II. Trong những tiêu chuẩn còn lại, có 5 tiêu chuẩn chưa thật sự cần thiết phải đầu tư, hoàn thiện ngay hoặc chưa thể hoàn thiện là dân số toàn đô thị, mật độ dân số toàn đô thị, nhà tang lễ, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, tỷ lệ phục vụ vận tải hành khách công cộng và 5 tiêu chuẩn phải tiếp tục thực hiện là công trình văn hóa cấp đô thị, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng, công trình kiến trúc tiêu biểu, thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước. Do đó, mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ tới của Bảo Lộc là trở thành đô thị loại II vào năm 2025.
Phát triển đô thị tăng trưởng xanh
Theo Phòng Quản lý Đô thị thành phố Bảo Lộc, trong các tiêu chuẩn chưa đạt tiêu chí đô thị loại II, có một số tiêu chuẩn trong tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng kiến trúc và cảnh quan đô thị, thành phố cần phải có kế hoạch đầu tư để phấn đấu đạt trong thời gian tới. Về tiêu chuẩn công trình văn hóa cấp đô thị như nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, nhà văn hóa, hiện tại, Bảo Lộc có 3 công trình trung tâm văn hóa (trong khi tiêu chuẩn là 4). Do đó, thời gian tới, để hoàn thành tiêu chuẩn này, dự kiến sẽ thực hiện bằng nguồn xã hội hóa, tiến hành thu hút đầu tư trên các lĩnh vực giải trí như nhà hát, rạp chiếu phim… Hiện tại, thành phố Bảo Lộc chưa có công trình kiến trúc tiêu biểu. Để đạt được tiêu chuẩn này, UBND thành phố xem xét, đưa tiêu chuẩn này vào điều kiện xét tuyển khi triển khai một số công trình trọng điểm như: Trụ sở UBND và Trung tâm hành chính thành phố, Khu thương mại dịch vụ trung tâm, Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm Lộc Sơn; Dự án nghỉ dưỡng, dịch vụ hồ Nam Phương I, Nam Phương II.
Riêng đối với tiêu chuẩn về tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, hiện tại, thành phố đang xúc tiến đầu tư dự án thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt bằng nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, công suất 10.000 m3/ngày đêm, lộ trình đầu tư dự kiến trong giai đoạn 2018-2021.
Như vậy, sau khi được đầu tư xây dựng thì nước thải sinh hoạt của đô thị Bảo Lộc sẽ được xử lý bằng công nghệ tiên tiến với tỷ lệ khoảng 35%.
Song song với việc phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II, hiện tại, thành phố Bảo Lộc đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành lập đồ án quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040. Vào đầu năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố và trao giải thưởng cho ý tưởng quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040. Theo định hướng phát triển và nhiệm vụ thiết kế được UBND tỉnh phê duyệt thì thành phố Bảo Lộc hướng đến là đô thị hiện đại tổng hợp, trung tâm chính trị hành chính cấp tỉnh trong tương lai, là đô thị hạt nhân phía Nam của tỉnh Lâm Đồng. Bảo Lộc sẽ phát triển đô thị bền vững theo hướng tăng trưởng xanh mang đặc trưng, phù hợp với yêu cầu phát triển trong tình hình mới và yêu cầu của việc thu hút đầu tư; kiến tạo, phát huy môi trường sống theo hướng bố trí hợp lý các làng đô thị xanh và các khu đô thị mang bản sắc, bảo vệ tốt môi trường sinh thái.
ĐÔNG ANH