Với những chiến lược, kế hoạch phát triển công tác đào tạo trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, đặc biệt việc mở rộng ngành nghề các loại hình và trình độ đào tạo đã khẳng định chất lượng đào tạo, vị thế, uy tín của Trường Đại học Đà Lạt.
Với những chiến lược, kế hoạch phát triển công tác đào tạo trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, đặc biệt việc mở rộng ngành nghề các loại hình và trình độ đào tạo đã khẳng định chất lượng đào tạo, vị thế, uy tín của Trường Đại học Đà Lạt.
|
Trường Đại học Đà Lạt tổ chức vinh danh sinh viên nghiên cứu khoa học |
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Duy - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường Đại học Đà Lạt, việc mở ngành đào tạo mới phù hợp với nhu cầu xã hội, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao uy tín của nhà trường. Đồng thời, mở rộng quy mô đào tạo nhằm tăng nguồn lực tài chính cho nhà trường trong tiến trình tự chủ đại học. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, dưới sự lãnh, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy và Ban Giám hiệu, sự tích cực, chủ động của các phòng chức năng, Trường Đại học Đà Lạt thực hiện mở thêm được các ngành mới, khôi phục các ngành đã tạm dừng trước đây. Tới thời điểm hiện tại, trường có 6 ngành đào tạo tiến sĩ, 8 ngành đào tạo thạc sĩ, 33 ngành đào tạo đại học. Trường đã xây dựng đề án đăng ký tự chủ và được tự chủ tổ chức, đào tạo nội dung giáo dục quốc phòng - an ninh.
Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, trường đã triển khai hiệu quả công tác quảng bá hình ảnh và tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận qua chương trình “Một ngày làm sinh viên Trường Đại học Đà Lạt”. Về tuyển sinh và đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, sau 2 năm tạm dừng, từ năm 2019 đến nay đã từng bước khôi phục lại theo hình thức liên kết với trường đại học khác. Do vậy, kết quả tuyển sinh của Trường Đại học Đà Lạt trong những năm qua luôn giữ ổn định với tỷ lệ 80 - 92%, trong đó, việc tuyển sinh đại học hệ chính quy và cao học, nghiên cứu sinh luôn ở mức cao so với mặt bằng chung của các cơ sở giáo dục hiện nay.
“Phòng Quản lý Đào tạo luôn bám sát nghị quyết của Đảng ủy, Chi bộ, định kỳ hàng tháng luôn đặt ra kế hoạch cho tháng tới, quý tới và kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đến đâu để thúc đẩy các bộ phận chức năng hoàn thành mục tiêu nghị quyết BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Trên cơ sở mở rộng ngành nghề đã góp phần ổn định quy mô đào tạo, quy mô sinh viên của trường từ 10 - 12 ngàn sinh viên/năm”, Tiến sĩ Trần Hữu Duy cho biết.
Cùng với việc mở rộng quy mô đào tạo, Trường Đại học Đà Lạt đặc biệt quan tâm đến đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường chú trọng đảm bảo chất lượng đào tạo, được quyết định bởi ba yếu tố: chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Năm 2015, qua sự tham mưu của Phòng Quản lý Đào tạo, sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Trường Đại học Đà Lạt đã xây dựng lại toàn bộ chương trình đào tạo các trình độ theo chuẩn đầu ra quốc tế CDIO, chú trọng đào tạo không chỉ về kiến thức mà còn là kỹ năng và thái độ, hội nhập quốc tế. Đến năm 2017, Trường Đại học Đà Lạt chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế, khẳng định một bước thành công tiếp theo của trường trong quá trình hội nhập quốc tế.
Song song với quá trình áp dụng chương trình đào tạo mới theo chuẩn đầu ra CDIO, Trường Đại học Đà Lạt đã ban hành Quy định về đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, thay đổi cách thức tổ chức chính sách hỗ trợ cho sinh viên đi thực tập, chú trọng thực tập nghề nghiệp của sinh viên, giúp sinh viên vừa học lý thuyết trên trường vừa kết hợp với thực tiễn. Những thay đổi về chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và chính sách thực tập nghề nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, năm 2019 trường đã đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo bộ tiêu chuẩn 2.0. Đây là một bước thành công mới khẳng định uy tín, chất lượng và trách nhiệm của Trường Đại học Đà Lạt trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Việc đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện trong thời gian tới. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, xây dựng các ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của vùng, tiến tới xây dựng Trường Đại học Đà Lạt trở thành trường đại học trọng điểm của khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ”, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường Đại học Đà Lạt khẳng định.
VIỆT HÙNG