Bệnh sốt xuất huyết và cách phòng chống

05:07, 14/07/2020

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh.

[links()]
 
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
 
Bệnh SXH có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp. Bệnh SXH dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp; dạng nặng có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
 
Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
 
Nguyên nhân gây bệnh SXH: do một loại virus có thể lây lan qua muỗi cắn. Loài muỗi truyền bệnh có tên là Aedes aegypti hoặc muỗi Aedes albopictus, chúng có thể đưa virus gây bệnh vào máu của bệnh nhân bằng cách chích người bệnh. Muỗi Aedes aegypti hoạt động ban ngày, đặc biệt chỉ có muỗi cái mới có thể chích người và truyền bệnh. Virus SXH sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Khi bạn bị muỗi chích, virus sẽ tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày, trong khoảng thời gian này, nếu bạn bị muỗi Aedes hút máu thì virus được truyền cho muỗi.
 
Có ba loại bệnh SXH: sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ), SXH chảy máu và SXH Dengue (hội chứng sốc Dengue).
 
Triệu chứng SXH cổ điển (thể nhẹ): Những người lần đầu tiên mắc bệnh bị loại SXH này vì họ chưa có miễn dịch với bệnh. Đây là dạng có biểu hiện các triệu chứng điển hình và không có biến chứng. Bệnh SXH thường bắt đầu với triệu chứng sốt và sẽ kéo dài trong vòng 4 -7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như: Sốt cao, lên đến 40,5oC; nhức đầu nghiêm trọng; đau phía sau mắt; đau khớp và cơ; buồn nôn và ói mửa; phát ban. Các ban SXH có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1-2 ngày. Bạn có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.
 
Triệu chứng SXH có chảy máu: Các dấu hiệu SXH dạng này bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh SXH nhẹ kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Thể bệnh này có thể dẫn đến tử vong.
 
Triệu chứng SXH Dengue (hội chứng sốc Dengue): Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau: Dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
 
Bệnh SXH được chia làm 4 độ từ nhẹ tới nặng. Ở độ 1, người bệnh chỉ sốt, chưa có triệu chứng xuất huyết; độ 2, người bệnh sốt có triệu chứng xuất huyết; ở độ 3, người bệnh bắt đầu có dấu hiệu sốc và độ 4 thì đã bị sốc nặng. Trẻ bị SXH độ 1 sẽ được điều trị tại nhà theo đơn, có hẹn ngày tái khám. Với độ 2, tùy trường hợp, trẻ có thể điều trị tại nhà có theo dõi chặt chẽ, hoặc nhập viện nếu xét thấy cần thiết. Những trường hợp độ 3 và 4 nhất thiết phải nhập viện ngay.
 
Đối với người bệnh SXH  giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt nên đôi khi người bệnh chủ quan cho rằng bệnh đã khỏi. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn bắt đầu xuất huyết, người bệnh không nên chủ quan mà cần theo dõi sát các dấu hiệu của cơ thể để ngừa biến chứng và kịp thời đến viện khi có các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. 
 
Những dấu hiệu nguy hiểm đó là: Chảy máu biểu hiện ở các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen. Kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo; nôn liên tục; đau bụng dữ dội; lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; khó thở. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường cũng nên đến bệnh viện để được xử trí có hiệu quả hơn.
 
Nếu sốt do SXH, người bệnh nên tuân thủ các nguyên tắc sau: Nghỉ ngơi và uống đủ nước, khi cơ thể đang sốt cao, hãy nghỉ ngơi, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định, uống nhiều nước và dinh dưỡng đầy đủ. Trong đó, sữa, nước hoa quả (thận trọng với người bệnh đái tháo đường) và các dung dịch điện giải đẳng trương (oresol), nước cơm được khuyến khích dùng cho người bệnh. Nếu uống quá nhiều nước trắng đơn thuần có thể gây rối loạn điện giải, vì thế các loại nước trên được khuyên dùng, nước hoa quả, nước rau luộc, nước oresol... đều rất tốt cho người bệnh.
 
Chỉ uống thuốc hạ sốt Paracetamol: Paracetamol độc với gan, thận nhưng tính độc này chỉ xảy ra khi dùng liều rất cao (15g/ngày với người lớn) hoặc dùng lâu dài hay khi dùng cùng với nhiều rượu. Còn khi dùng với liều điều trị (thấp hơn nhiều so với liều trên) trong thời gian ngắn (2-5 ngày để hạ sốt) thì Paracetamol không gây độc cho cả người lớn lẫn trẻ em.
 
Không được dùng Aspirin: Trong SXH có hiện tượng chảy máu. Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do SXH gây ra không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh trầm trọng thêm.  Do vậy, trong SXH, không được dùng Aspirin cho cả người lớn và trẻ em. Aspirin làm tăng độ acid (vốn thấp ở dạ dày trẻ), gây bỏng rát viêm đường tiêu hóa, nặng hơn gây xuất huyết đường tiêu hóa.
 
Không dùng thuốc kháng viêm không Steroid (Ibuprofen, Diclofenac...): cũng làm cho việc chảy máu trong SXH không cầm được. Do vậy không dùng chúng khi mắc SXH.
 
Bệnh nhân không tự ý uống kháng sinh: Bởi SXH là bệnh do virus gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Kháng sinh điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Vì vậy, uống kháng sinh không mang lại tác dụng điều trị SXH.
 
Phòng ngừa sốt xuất huyết: Các loại muỗi mang virus SXH thường sống trong và xung quanh nhà. Chúng thường sống trong các vũng nước đọng, chẳng hạng như trong lu, thùng phuy hoặc gần hồ cá. Hãy làm sạch hồ cá thường xuyên cũng như dọn dẹp các vũng nước đọng để không tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Đậy kín các dụng cụ chứa nước, hạn chế hoặc vứt bỏ các vật dụng có thể chứa nước mưa (ví dụ như lốp xe cũ, chén bát, thau chậu cũ…). Có thể dùng các loại sinh vật trong nước tiêu diệt trứng của muỗi. Khi có dịch thì đôi khi bạn phải nhờ đến chính quyền địa phương để phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Mặc quần áo phủ kín. Khi bạn đi vào khu vực muỗi mang mầm bệnh, bạn nên mặc một chiếc áo sơ mi dài tay, quần dài, vớ và giày; thoa kem chống muỗi ở các vùng da không được quần áo che chắn như cánh tay, mặt, chân và cổ. Luôn luôn phải giữ gìn và vệ sinh sạch sẽ không gian sống xung quanh chúng ta. Đây là cách tốt nhất giúp bạn tránh được muỗi và các loại vi khuẩn gây bệnh. Nếu ở không gian gia đình thì bạn nên lau dọn, vệ sinh nhà cửa hàng ngày. Còn đối với môi trường công nghiệp có không gian rộng lớn thì phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh bằng những thiết bị chuyên dụng như: máy chà sàn, máy rửa xe, máy hút bụi hút nước để không gian làm việc của chúng ta luôn được sạch sẽ xua đuổi muỗi và vi khuẩn gây bệnh. SXH là bệnh nguy hiểm, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh. Bạn nên nhớ rằng không có muỗi thì không có SXH. 
 
THS-BS KA SUM