BS Nguyễn Xuân Song Hà - Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng) nhận định: Tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp...
[links()]
BS Nguyễn Xuân Song Hà - Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng) nhận định: Tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, ca bệnh SXH vẫn dai dẳng, nhất là đang vào mùa mưa có khả năng bùng dịch nếu không được quan tâm đúng mức và có các biện pháp can thiệp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, kịp thời.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh giám sát mật độ muỗi, loăng quăng tại nhà dân vùng SXH lưu hành |
Tập trung xử lý 74 ổ dịch nhỏ
Bệnh SXH ở Lâm Đồng xuất hiện hầu hết tại các địa phương trong tỉnh, tập trung chủ yếu tại các huyện, thành phố, bao gồm: Đức Trọng, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên.
Trong 6 tháng/2020 số ca mắc sốt xuất huyết toàn tỉnh ghi nhận có 210 ca, tỷ lệ 16,2 ca mắc /100.000 dân; 11/12 huyện, thành phố có ca bệnh SXH. So với cùng kỳ năm 2019 số mắc giảm 36,3%. Điểm nóng về bệnh SXH Dengue của Lâm Đồng là Bảo Lâm và Đạ Tẻh. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bảo Lâm có 64 ca mắc SXH, chiếm 29,1% số mắc toàn tỉnh, tập trung chủ yếu tại xã Lộc Nam (35 ca), thị trấn Lộc Thắng (22 ca). Đạ Tẻh ghi nhận có 75 ca mắc SXH, số mắc chiếm 35,7% số mắc toàn tỉnh, tập trung chủ yếu tại thị trấn Đạ Tẻh (70 ca), chiếm 93,3% số ca mắc của toàn huyện.
Ngành Y tế đã tập trung xử lý 74 ổ dịch nhỏ (Đạ Tẻh 31, Bảo Lâm 19, Di Linh 4, Đạ Huoai 9, Bảo Lộc 7, Đức Trọng 6). Thực hiện dập dịch diện rộng tại xã Lộc Nam (Bảo Lâm) và thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh). Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã thực hiện số mẫu phân lập virus là 49 mẫu (1 mẫu Dengue-2); số mẫu thực hiện Mac-Elisa là 25 mẫu (19 mẫu dương tính, tương ứng 76%).
Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng (gọi tắt là Trung tâm) triển khai các lớp tập huấn, đào tạo về phòng chống bệnh SXH cho cán bộ làm công tác y tế dự phòng tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Trung tâm cũng thường xuyên giám sát hỗ trợ tại các địa phương trong công tác phòng chống bệnh SXH.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020 do tình hình dịch bệnh COVID -19, việc tập trung vào công tác giám sát dịch bệnh COVID -19 và thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến hoạt động giám sát dịch tễ và xử lý ổ dịch SXH tại một số địa phương chưa kịp thời, dẫn đến bệnh SXH vẫn còn kéo dài tại Bảo Lâm và Đạ Tẻh. Các biện pháp kiểm soát loăng quăng còn chưa duy trì thường xuyên tại hộ gia đình, các chỉ số vectơ (muỗi, loăng quăng) trên mức nguy cơ, do đó hiệu quả xử lý dịch chưa cao (nhất là ở Bảo Lâm, Đạ Tẻh), dẫn đến các ca bệnh diễn biến dai dẳng. Bên cạnh đó, quy trình xử lý ổ dịch, dập dịch tuyến cơ sở chưa triệt để, các chỉ số loăng quăng còn cao sau xử lý, nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng vào những tháng cao điểm (từ tháng 7 đến tháng 11). Tại một số địa phương, công tác vận động toàn dân thực hiện diệt loăng quăng trước khi xử lý ổ dịch còn chưa có sự tham gia của chính quyền, lực lượng y tế không đủ để thực hiện công tác diệt loăng quăng tại 100% hộ gia đình, dẫn đến hiệu quả xử lý dịch còn chưa cao.
Việc sáp nhập Trung tâm Y tế tuyến huyện theo Thông tư 37/2016/TT-BYT ngày 25/10/2016 của Bộ Y tế đã ảnh hưởng nguồn nhân lực cho hoạt động y tế dự phòng, hoạt động phòng chống dịch và SXH.
Tại một số huyện, cán bộ thực hiện chương trình phòng chống SXH thường xuyên thay đổi, nên chưa nắm bắt hết được các hoạt động của chương trình.
Kinh phí phun hóa chất xử lý dịch, ổ dịch SXH Dengue còn thấp, khó thuê mướn nhân công phun nên việc cán bộ y tế phải tự thực hiện công tác phun hóa chất xử lý ổ dịch nhỏ làm tăng gánh nặng công việc cho cán bộ y tế trong khi lực lượng mỏng.
Trung tâm thực hiện các chỉ đạo của Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh SXH Dengue; xử lý, khoanh vùng dịch, dập dịch hiệu quả; hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, triển khai nhập liệu và báo cáo đầy đủ thông tin các ca bệnh lên phần mềm trực tuyến tại các cơ sở điều trị trên địa bàn 12 huyện, thành phố để phục vụ công tác xử lý dịch kịp thời, hiệu quả. Giám sát thường xuyên tình hình bệnh nhân, vi rút, véc tơ, kịp thời cảnh báo cho các địa phương có nguy cơ xảy ra dịch, nhằm giúp địa phương chủ động triển khai biện pháp phòng chống kịp thời theo quy định, không để dịch bùng phát. Đồng thời, nắm bắt tình hình diễn biến dịch tham mưu kịp thời cho Sở Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố để có biện pháp xử lý kịp thời. Duy trì giám sát côn trùng thường quy tại 2 huyện Lâm Hà và Di Linh. Tập huấn phòng chống SXH tại các huyện, thành phố, kết hợp trong các lần kiểm tra, giám sát để củng cố các kỹ năng cho cán bộ tuyến huyện trong công tác phòng chống SXH tại địa phương. Phối hợp với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh giám sát các hoạt động phòng chống SXH tại 2 huyện Đạ Tẻh và Bảo Lâm. Tham mưu kịp thời các công văn phản hồi đối với các huyện có ổ dịch SXH, giám sát hoạt động phòng chống SXH tại các điểm nóng và yêu cầu triển khai diệt loăng quăng, phun hóa chất dập dịch diện rộng tại xã Lộc Nam (Bảo Lâm) và thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh). Duy trì cập nhật báo cáo ca bệnh SXH theo phần mềm SXH và phản hồi cho các địa phương kịp thời. Chỉ đạo các huyện thực hiện tăng cường giám sát phòng chống SXH bằng các biện pháp diệt loăng quăng và phun hóa chất. Triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH tại các huyện.
Giai đoạn cao điểm của dịch SXH từ tháng 7 đến tháng 11
Theo Trung tâm, trong thời gian tới, tiếp tục triển khai các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch ASEAN phòng chống SXH tại các huyện lưu hành SXH. Tập huấn giám sát dịch tễ, côn trùng, huyết thanh cho cán bộ y tế phụ trách SXH tại các huyện lưu hành SXH. Phối hợp với các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh tổ chức tập huấn chẩn đoán, điều trị SXH cho cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tham mưu kịp thời cho Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe Nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo quyết liệt hơn nữa về các biện pháp phòng chống bệnh SXH phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh của địa phương.
Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, giám sát hoạt động diệt loăng quăng tại cộng đồng, phân công trách nhiệm cụ thể ban, ngành, đoàn thể tham gia vệ sinh môi trường. Tăng cường hoạt động điều tra giám sát dịch tễ, phát hiện sớm các trường hợp mắc SXH Dengue trong cộng đồng. Xử lý triệt để 100% ổ dịch SXH Dengue được phát hiện. Duy trì hoạt động diệt loăng quăng hàng tuần/1 lần tại các khu vực có ổ dịch đang hoạt động, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng (bọ gậy) cao và một tháng/lần tại các khu vực còn lại để loại trừ nơi sinh sản của muỗi. Giám sát ca bệnh, giám sát thường quy các ổ dịch nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh; giám sát dịch tễ, thống kê báo cáo, ứng dụng đường cong dự báo dịch cho tuyến xã; thống kê, xử lý số liệu bằng vi tính và truyền tải thông tin bằng mạng Internet về hoạt động xử lý dịch.
Duy trì giám sát, theo dõi chỉ số côn trùng tại 2 huyện điểm Lâm Hà và Di Linh (1 lần/tháng); theo dõi, giám sát chỉ số côn trùng luân phiên các huyện có ca bệnh SXH; giám sát xử lý ổ dịch nhỏ trên địa bàn. Các Trung tâm Y tế huyện, thành phố thực hiện giám sát huyết thanh và vi rút sớm theo phân bổ chỉ tiêu của Trung tâm.
Tập trung theo dõi tình hình ca bệnh SXH trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn cao điểm của dịch SXH (từ tháng 7 đến tháng 11), chỉ đạo thực hiện dập dịch sớm ngay khi có ổ dịch đầu tiên trên địa bàn, đảm bảo kết hợp diệt loăng quăng và phun hóa chất để đạt hiệu quả, không để dịch diễn biến dai dẳng kéo dài. Đối với các địa điểm có ca mắc cao, cần triển khai ngay dập dịch diện rộng sớm, để tránh lây lan ra các địa bàn khác.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cấp phát tờ rơi, áp phích, khẩu hiệu, panô, tập trung chủ yếu vào việc tuyên truyền, vận động làm thay đổi hành vi kiểm soát loăng quăng của các hộ gia đình, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng chống dịch SXH.
AN NHIÊN