Trong quá trình vận hành sản xuất, để cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất tại Nhà máy alumin Tân Rai - Lâm Đồng, các tác giả là cán bộ, công nhân viên thuộc Công ty Nhôm Lâm Đồng - LDA đã có sáng kiến cải tiến trong lưu trình công nghệ tại Khu cô đặc và hiệu chỉnh dung dịch thuộc dây chuyền sản xuất alumin...
Trong quá trình vận hành sản xuất, để cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất tại Nhà máy alumin Tân Rai - Lâm Đồng, các tác giả là cán bộ, công nhân viên thuộc Công ty Nhôm Lâm Đồng - LDA đã có sáng kiến cải tiến trong lưu trình công nghệ tại Khu cô đặc và hiệu chỉnh dung dịch thuộc dây chuyền sản xuất alumin. Sáng kiến này đã làm lợi hơn 30 tỷ đồng mỗi năm và nhiều hiệu quả khác. Sáng kiến này đã đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ 9 và rất vinh dự đoạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2018 - 2019).
|
Công ty Nhôm Lâm Đồng nhận giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 tại Hà Nội |
Giải quyết các điểm nghẽn then chốt
Nhà máy alumin Tân Rai là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam chế biến ra sản phẩm alumin tiến tới sản xuất Nhôm và được sử dụng công nghệ Bayer. Trong công nghệ Bayer này, việc tận dụng kiềm tuần hoàn lại sau khi kết tinh và lọc Al(OH)
3 được đưa đi cô đặc bay hơi, điều chỉnh dung dịch và quay trở lại dây chuyền là một trong những yếu tố rất quan trọng để tính lợi nhuận trong sản xuất. Dung dịch này được loại nước nhằm đạt được nồng độ nhất định tại Khu cô đặc và hiệu chỉnh dung dịch và cũng là công đoạn cuối cùng để cân bằng mức lỏng trong toàn dây chuyền sản xuất alumin.
Tuy nhiên, theo thiết kế thì công nghệ loại nước và cân bằng trong lưu trình gặp khó khăn, nhất là với điều kiện thời tiết Lâm Đồng lượng mưa rất nhiều. Những khó khăn đó là tiêu hao hơi nước cho công tác vận hành trạm cô đặc cao nhưng hiệu quả loại nước thấp; không tận thu tối đa lượng kiềm từ hồ bùn đỏ về lưu trình, mất mát kiềm ra ngoài do cân đối mức lỏng các khu vực làm tăng tiêu hao kiềm trong sản xuất; đóng bám thiết bị nhiều do phải tăng nồng độ sau cô đặc để cân bằng mức lỏng và khó cân đối để rút thiết bị ra vệ sinh... Ngoài ra, việc chủ động trong công tác dừng sửa chữa bảo dưỡng thiết bị rất khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất chung của nhà máy, thiết bị, bình bồn bị đóng bám nhiều. “Trước những thực trạng và bất cập trong sản xuất đó, chúng tôi nhận thấy điểm then chốt cần giải quyết là Khu cô đặc và hiệu chỉnh dung dịch vận hành loại nước ra khỏi lưu trình ít hơn lượng nước đầu vào lưu trình sản xuất, đặc biệt vào mùa mưa. Vì thế, chúng tôi đã tính toán tăng lưu lượng dung dịch nước cái vào trạm cô đặc để loại nước. Theo thiết kế, lưu lượng cấp vào trạm cô đặc 500 m
3/h, còn sáng kiến cải tạo lưu lượng tăng lên 860 m
3/h bằng cách cấp liệu (dung dịch nước cái trước cô đặc) vào thiết bị cô đặc cấp 4 và rút liệu (dung dịch sau cô đặc) ra từ thiết bị cô đặc cấp 5” - ông Nguyễn Hoài Sơn, Quản đốc Phân xưởng Hòa tách cô đoặc Công ty Nhôm Lâm Đồng cho biết.
Chủ động khống chế các chỉ tiêu công nghệ
Khi đã áp dụng sáng kiến trên, nhà máy chủ động trong việc khống chế các chỉ tiêu công nghệ, khống chế mức lỏng cân đối sản xuất tốt. Bằng cách tăng tải trạm cô đặc vượt thiết kế đã giúp các chỉ tiêu khác như lượng hơi nước cấp mới vào trạm, than dùng đốt cho nhiệt điện từ 442 kg/tấn sản phẩm năm 2017 xuống còn 414 kg/tấn sản phẩm năm 2019, thời gian vệ sinh làm sạch vật liệu đóng bám các thiết bị cô đặc đều giảm. Ngoài ra, sáng kiến còn giúp cân đối tốt mức lỏng trong lưu trình sản xuất, chủ động trong các công tác dừng bảo dưỡng sửa chữa thiết bị. Đồng thời, trong sản xuất năm 2019, lợi ích sáng kiến góp phần tăng sản lượng alumin lên 686.000 tấn, vượt 5,5% công suất thiết kế tối đa.
Với những hiệu quả đem lại trên thực tế, sáng kiến này đã đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2018 - 2019). Ông Vũ Minh Thành, Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng cho biết: Do đây là nhà máy sản xuất alumin đầu tiên tại Việt Nam nên chịu áp lực rất nhiều từ dư luận và ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội địa phương, vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần chứng minh tính hiệu quả của dự án, làm chủ công nghệ vận hành nhà máy sản xuất alumin của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong Công ty. Từ đó, góp phần phát triển ngành kinh tế alumin của địa phương, Tây Nguyên và lớn hơn là của nước Việt Nam vươn ra tầm quốc tế. Đối với sáng kiến của Công ty Nhôm Lâm Đồng như trên đã giải quyết được tồn tại của lưu trình công nghệ trong dây chuyền sản xuất alumin, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, giảm chi phí tiêu hao, nâng giá thành sản phẩm. Đây chính là nền tảng quan trọng để LDA phát triển vững mạnh toàn diện, để làm cơ sở quan trọng tham mưu cho Tập đoàn đầu tư mở rộng, nâng cao công suất sản xuất alumin lên 2 triệu tấn/năm, tiến tới sản xuất nhôm kim loại” - ông Thành chia sẻ.
Mục tiêu năm 2020, LDA dự kiến sản lượng sản xuất đạt 690.000 tấn alumin quy đổi, vượt xấp xỉ 6,2% so với công suất thiết kế tối đa.
ĐÔNG ANH