Công ty Thủy điện Đồng Nai (đóng tại TP Bảo Lộc) là 1 trong 61 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại dịch vụ được vinh danh và trao tặng Giải thưởng Năng lượng bền vững năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội...
Công ty Thủy điện Đồng Nai (đóng tại TP Bảo Lộc) là 1 trong 61 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại dịch vụ được vinh danh và trao tặng Giải thưởng Năng lượng bền vững năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội. Giải thưởng do Bộ Công thương và Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức.
Ông Phạm Văn Cúc - Giám đốc Công ty Thủy điện Đồng Nai nhận Giải thưởng Năng lượng bền vững năm 2019 |
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh nhu cầu về điện năng đang tăng cao, việc khuyến khích các doanh nghiệp và người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được xem là một trong những giải pháp trọng tâm, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây là lần đầu tiên Giải thưởng được tổ chức để tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sản xuất, chế biến, truyền tải và phân phối năng lượng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Thông qua đó tuyên truyền, phổ biến các sáng kiến, công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và truyền tải thông điệp về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, cộng đồng và toàn xã hội. Chương trình “Giải thưởng Năng lượng bền vững” năm 2019 do Bộ Công thương tổ chức là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong những năm qua, Công ty Thủy điện Đồng Nai được Tổng Công ty Phát điện 1 giao quản lý vận hành 2 nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 được xây dựng trên thượng nguồn sông Đồng Nai, với tổng sản lượng điện thiết kế của 2 nhà máy là 1,716 tỷ kWh/năm. Thực hiện chỉ thị của Tổng Công ty Phát điện 1 về giải pháp thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, hàng năm, Công ty Thủy điện Đồng Nai đã yêu cầu lực lượng vận hành, sửa chữa tập trung cao độ, kiểm tra, đánh giá các thông số vận hành của 2 nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4, nhằm đảm bảo các kế hoạch, mục tiêu đề ra. Từ đó, kịp thời phát hiện các bất thường của máy móc, thiết bị để nhanh chóng khắc phục, sửa chữa, đảm bảo các tổ máy luôn sẵn sàng đáp ứng theo điều độ hệ thống điện; đảm bảo khai thác tối đa hiệu quả nguồn nước vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Công ty Thủy điện Đồng Nai còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông lập kế hoạch điều tiết các hồ chứa phù hợp với từng vụ mùa, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của địa phương; chủ động xây dựng quy chế phối hợp phòng chống lũ quét ở các vùng hạ du.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện sản xuất của Công ty Thủy điện Đồng Nai là 853,7 triệu kWh, đạt 102,5% sản lượng điện kế hoạch giao mùa khô và 64,2% kế hoạch năm 2020. Giá bán điện bình quân 5 tháng đầu năm 2020 là 1.008,65 đ/kWh, cao hơn giá hợp đồng (919,75đ) 88,89 đồng; doanh thu bán điện tăng thêm ước thực hiện đến hết tháng 6/2020 so với kế hoạch năm là 47,9/70,2 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Văn Cúc - Giám đốc Công ty Thủy điện Đồng Nai, Giải thưởng Năng lượng bền vững năm 2019 là vinh dự và cũng là thành quả của sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của cả tập thể công ty cùng đoàn kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra. Để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2020, công ty sẽ tập trung vào các giải pháp đó là “Xây dựng kế hoạch vận hành hàng tháng, có chiến lược chào giá hợp lý và phối hợp với Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia khai thác có hiệu quả nguồn nước, để đảm bảo sản lượng điện mùa khô cho cả 2 nhà máy là 853,7 triệu kWh và cả năm cho Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 là 496,1 triệu kWh; Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4 là 893,3 triệu kWh, đảm bảo doanh thu, lợi nhuận đạt được tối ưu nhất. Trên cơ sở đó, các bộ phận phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định trong công tác vận hành thiết bị. Thực hiện nghiêm túc việc tổ chức điều tra, tìm hiểu nguyên nhân sự cố để rút kinh nghiệm và có biện pháp ngăn ngừa sự cố tái diễn, phấn đấu hệ số khả dụng ≥ 89,91%; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực và tổ chức triển khai công tác sửa chữa lớn, bảo dưỡng định kỳ một cách đồng bộ và khoa học, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Đồng thời, tổ chức tốt công tác nghiệm thu, bàn giao và thanh quyết toán 17 công trình sửa chữa lớn; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm chi phí” - ông Cúc cho biết.
KHÁNH PHÚC