Từ việc từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, tại các trường ở huyện Đam Rông, tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm giảm đáng kể, sĩ số lớp luôn được duy trì và cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập.
Từ việc từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, tại các trường ở huyện Đam Rông, tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm giảm đáng kể, sĩ số lớp luôn được duy trì và cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập.
|
Đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học Bằng Lăng luôn cố gắng nâng cao chất lượng dạy và học qua từng năm |
Nâng cao chất lượng dạy và học
Năm học 2019 - 2020, có 34 đơn vị trường trực thuộc tại huyện Đam Rông thuộc quản lý của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện. Trong đó, có 10 trường mầm non, gồm công lập 9 trường, tư thục 1 trường; 14 trường tiểu học và trung học cơ sở 10 trường. Hiện, số học sinh các trường trên địa bàn huyện là 14.276 học sinh/492 nhóm lớp.
Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng được yêu cầu phát triển của huyện, chất lượng đội ngũ nhà giáo được nâng lên về trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Tổng cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác tại địa phương là 1.042 người.
Ông Trần Phú Vinh - Trưởng phòng GDĐT huyện Đam Rông cho biết, Phòng đã chỉ đạo các trường tập trung triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục như: Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; tăng cường dạy ngoại ngữ và tin học cho học sinh theo chương trình mới ở các trường tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS).
So với năm học 2018 - 2019, số học sinh ở các bậc học được tăng lên rõ rệt, cụ thể: Tại bậc học sinh mầm non có 3.518 cháu/104 nhóm lớp, tăng 6 nhóm lớp so với cùng kỳ năm học trước; bậc TH có 6.746 học sinh/253 lớp, tăng 187 học sinh và bậc THCS có 4.012 học sinh/135 lớp, tăng 83 học sinh.
Toàn huyện có 100% học sinh lớp 8 theo học nghề phổ thông do Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức.
Từ đầu năm, Phòng GDĐT huyện Đam Rông đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất các trường học; góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Năm học 2019 - 2020, huyện có 22/34 trường đạt chuẩn, chiếm 64,7%. Cùng với công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, công tác kiểm định chất lượng được chỉ đạo xuyên suốt.
Kết thúc năm học qua, 100% các trường hoàn thành tự đánh giá. Trong đó, có 26/33 trường trực thuộc được công nhận đánh giá ngoài mức độ 1 và 2; đồng thời đơn vị tập trung xây dựng trường chuẩn tại Trường TH Chu Văn An, TH Lăng Tô, THCS Võ Nguyên Giáp và THCS Phi Liêng.
Là địa phương có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) với tỷ lệ 60%, Đam Rông đang thực hiện tốt việc tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trong hè cũng như các hoạt động ngoại khóa. Phòng GDĐT khuyến khích các trường có học sinh DTTS tổ chức các trò chơi lồng ghép học tập, sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; thực hiện tốt chính sách đối với học sinh DTTS, nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác ở vùng dân tộc.
Giáo dục mầm non, phổ thông được chú trọng
Tại Đam Rông hiện nay, 9/9 trường mầm non có xây dựng Bộ quy tắc ứng xử; 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non được bồi dưỡng, hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng.
Để đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non, Phòng GDĐT huyện triển khai, duy trì hiệu quả các chuyên đề về giáo dục như: ngôn ngữ; thực hiện các chế độ, chính sách dành cho trẻ khuyết tật; công tác truyền thông tới gia đình và cộng đồng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…
Giáo dục phổ thông cũng có nhiều chuyển biến tích cực hằng năm. Tổng số học sinh được đánh giá tại TH là 6.719 em/253 lớp và được xét dựa theo những tiêu chí: Kiến thức, năng lực và phẩm chất.
Đối với giáo dục THCS, các trường luôn duy trì sĩ số đạt tỷ lệ 99,2%. Tổng số học sinh hiện có là 4.045 em/135 lớp, trong đó học sinh giỏi chiếm tỷ lệ 8,5%, khá 25,8%. Năm học vừa qua, kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện đã chọn 47/91 học sinh đạt kết quả cao.
“Để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tổ chức các chuyên đề về vận dụng chuẩn kiến thức, kỹ năng với đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá ở các môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh cho giáo viên. Bên cạnh đó, các trường tích cực chỉ đạo việc đổi mới phương pháp, tăng cường sử dụng thiết bị dạy học và phòng học bộ môn; đồng thời từng bước đưa công tác giáo dục nghề phổ thông dần đi vào nề nếp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học. Do đặc thù của địa phương chủ yếu là học sinh DTTS, chính vì vậy, đơn vị luôn chú trọng ưu tiên và có những phương pháp, cách dạy phù hợp” - ông Vinh cho hay.
THÂN THU HIỀN