Giáo dục Lâm Hà thành quả một nhiệm kỳ

05:07, 20/07/2020

Trường lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh ổn định về số lượng; chất lượng và hiệu quả giáo dục các cấp học chuyển biến tiến bộ từng năm học. Đó là khái quát nhất khi tôi được Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Hà, thầy Nguyễn Duy Trinh chia sẻ.

Trường lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh ổn định về số lượng; chất lượng và hiệu quả giáo dục các cấp học chuyển biến tiến bộ từng năm học. Đó là khái quát nhất khi tôi được Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Hà, thầy Nguyễn Duy Trinh chia sẻ.
 
Trường Tiểu học Cillcus, vùng đồng bào DTTS đã được kiên cố hóa
Trường Tiểu học Cillcus, vùng đồng bào DTTS đã được kiên cố hóa
 
Xã nông thôn mới đạt tiêu chí giáo dục trước năm 2020
 
Năm học 2019-2020 này, toàn huyện Lâm Hà có 78 trường thuộc Phòng quản lý, gồm 24 trường mầm non (MN), 32 trường tiểu học (TH), 20 trường THCS và 2 trường TH&THCS với tổng số học sinh là 32.377 em. Lâm Hà đã duy trì phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục TH mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2. Mạng lưới trường lớp không chỉ phủ kín mọi xã, thị trấn mà cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ nhờ đầu tư theo hướng kiên cố và tập trung xây dựng các trường theo tiêu chí xã nông thôn mới và trường đạt chuẩn quốc gia. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thêm 29 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số lên 63/83 trường học đạt chuẩn bao gồm các cấp học. Với tỷ lệ 75,9% trường đạt chuẩn quốc gia, Lâm Hà đã vượt kế hoạch, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII đề ra 5,9%. Càng vui hơn, trong số này đã có trên 90% số phòng học kiên cố. Đối với đội ngũ người làm giáo dục, trong tổng số 1.985 nhà giáo và cán bộ quản lý thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo Lâm Hà, đến nay đã có 99,89% đạt chuẩn trình độ đào tạo. Trong đó, trên chuẩn đạt 87,51% và đảng viên chiếm 43,56%. Ở bậc THPT, địa bàn huyện Lâm Hà hiện có 5 trường với khoảng 300 cán bộ, giáo viên và tỷ lệ đạt chuẩn đào tạo cũng xấp xỉ 100%.
 
Nhiều bài học quý về chất lượng giáo dục dân tộc 
 
Tôi đặt vấn đề với thầy giáo Nguyễn Duy Trinh: “Nói về Lâm Hà, tôi nhớ nhiều đến khó khăn của nhiệm vụ nâng chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số. Anh có thể cho tôi biết một vài kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm là gì?”. Trưởng phòng vui vẻ cho biết, năm học 2015-2016, có 6.727 học sinh huy động ra lớp và kết quả ở TH là 98,45% hoàn thành chương trình lớp học; ở THCS 93,97% hạnh kiểm khá, tốt và 85,45% học lực trung bình trở lên. Năm học 2018-2019, huy động ra lớp 7.457 học sinh; kết quả: TH có 98,67% hoàn thành chương trình lớp học; THCS có 94,29% hạnh kiểm khá, tốt và 89,41% học lực trung bình trở lên. Thành tích đáng khích lệ này có được từ nhiều giải pháp của ngành Giáo dục Lâm Hà. Tôi có thể nêu gọn mấy bài học kinh nghiệm mà Lâm Hà đã đúc kết được là: quy hoạch mạng lưới trường và lớp tốt; đảm bảo tỷ lệ học sinh trên mỗi lớp đúng quy định và duy trì sĩ số; thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục trong đó dạy học theo chuẩn kiến thức và kỹ năng, tích cực đổi mới phương pháp phù hợp với đối tượng. Một ví dụ cụ thể hơn để tăng cường các hoạt động nhằm phát triển tư duy và giao tiếp tiếng Việt, thầy Trinh chia sẻ: “Phòng chỉ đạo các trường TH vận dụng linh hoạt trong điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo vừa sức với học sinh; tổ chức tăng cường dạy tiếng Việt; trong đó tập trung rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở tất cả các môn học, trong tất cả các buổi học. Đối với học sinh dân tộc thiểu số nói chung, tiếng Việt cần lồng ghép ở mọi lúc, mọi nơi, ở các hoạt động của các em”. Đó còn là chú trọng tăng thời lượng, tăng cường phụ đạo học sinh, nhất là đối với khối lớp đầu cấp; tích cực tổ chức các hoạt động trong và ngoài giờ lên lớp phong phú, thiết thực; tập trung giáo dục kỹ năng sống để giúp các em tự tin, mạnh dạn trong các hoạt động tập thể… Để thực hiện, dĩ nhiên chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên được đặc biệt quan tâm đúng mức. Cùng đó là có phương pháp bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ để phát huy giáo viên người dân tộc thiểu số. Thực hiện đúng, đủ và kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng là một khâu cốt yếu... 
 
Nâng tầm giáo dục của huyện nông thôn mới  
 
Những thành tựu của giáo dục đã đưa huyện Lâm Hà đạt chuẩn nông thôn mới ở 14/14 xã về tiêu chí này trong năm 2018 và 2019. Đây là nền tảng để Đảng bộ huyện Lâm Hà tin tưởng với những chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đó là, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp; đến năm 2025, tối thiểu 30% học sinh học nghề sau THCS; huy động trên 25% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và trên 90% trẻ trong độ tuổi MN ra lớp, riêng trẻ 4, 5 tuổi đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ 98% học sinh học đúng độ tuổi ở TH và 95% ở THCS. Từ 10-15% cán bộ quản lý và 25% giáo viên có trình độ chuyên môn đạt trên chuẩn. Trên 95% phòng học kiên cố và trên 85% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Để thực hiện được những kết quả trên, huyện Lâm Hà cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục những tồn tại của thời gian qua. Trong đó, có hai hạn chế lớn khi so sánh với mặt bằng chung của tỉnh, đó là tỷ lệ bỏ học ở bậc THCS còn cao hơn và ngược lại, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp lại thấp hơn. Và đó còn là việc công nhận lại một số trường đạt chuẩn quốc gia gặp khó khăn về cơ sở vật chất do thiếu khối phòng làm việc, thiếu các phòng chức năng, công trình vệ sinh riêng cho giáo viên và học sinh... nên khó có khả năng được công nhận đạt chuẩn…
 
Một nhiệm kỳ mới đã bắt đầu, vững tin và hi vọng nhiều những mùa bội thu hơn đối với giáo dục và đào tạo của huyện Lâm Hà. 
 
MINH ĐẠO