Hội nghị liên ngành phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm

06:07, 24/07/2020

(LĐ online) - Ngày 24/7/2020, tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng, Ban quản lý Dự án an ninh y tế khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị liên ngành sơ kết công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm 6 tháng đầu năm 2020, triển khai hoạt động 6 tháng cuối năm 2020. 

 

(LĐ online) - Ngày 24/7/2020, tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng, Ban quản lý Dự án an ninh y tế khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị liên ngành sơ kết công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm 6 tháng đầu năm 2020, triển khai hoạt động 6 tháng cuối năm 2020. 
 
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu tại vùng nguy cơ cao ở Đam Rông
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu tại vùng nguy cơ cao ở Đam Rông
 
Chủ trì hội nghị có BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng và BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng. Tham dự hội nghị có đại biểu của MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh; Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo; Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng; Trung tâm Y tế của 6 huyện thụ hưởng dự án.
 
Hội nghị nhằm trao đổi, cung cấp các thông tin về tình hình bệnh truyền nhiễm và đánh giá kết quả công tác phối hợp liên ngành trong phòng chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị có các tham luận về: Công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, công tác phối hợp giữa các ban ngành trên địa bàn huyện Cát Tiên; nhóm dễ bị tổn thương, phương pháp tiếp cận và hoạt động phòng chống dịch; hướng dẫn lồng ghép giới và lồng ghép giới vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh; công tác phối hợp giữa các ban ngành trong phòng chống dịch Covid-19; kiến thức và thực hành cơ bản trong phòng chống dịch Covid-19.
 
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng, 6 tháng đầu năm 2020, ghi nhận 8/12 huyện, thành phố trong tỉnh có tình hình sốt rét giảm. Toàn tỉnh có 17 xã thuộc 6 huyện có ca mắc sốt rét, không có ca mắc sốt rét ác tính, không có ca tử vong do sốt rét và không có dịch sốt rét xảy ra. 
 
Toàn tỉnh có 210 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 120 ca so với cùng kỳ, ngành y tế đã xử lý 74 ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ. Tại huyện Bảo Lâm, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh và tập trung chủ yếu ở xã Lộc Nam, thị trấn Lộc Thắng, chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng, dự báo nguy cơ gia tăng ca bệnh cao. Tại Đạ Tẻh, hoạt động giám sát ca bệnh thực hiệt tốt, tuy nhiên hiệu quả xử lý ổ dịch chưa triệt để, số ca mắc tập trung nhiều tại thị trấn Đạ Tẻh, nguy cơ bùng phát dịch tại thị trấn nếu không can thiệp kịp thời. 
 
Bệnh tay chân miệng toàn tỉnh ghi nhận có 57 ca, không có trường hợp nặng và tử vong do bệnh tay chân miệng. Các bệnh như: Cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) không ghi nhận ca bệnh trên người. Hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ triển khai các hoạt động, điều tra giám sát các trường hợp cách ly y tế; duy trì hệ thống thường trực phòng chống dịch Covid-19 hàng ngày, sàng lọc phản hồi thông tin hàng ngày, tổng hợp báo cáo, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ tiếp xúc gần với ca bệnh, kết quả đã thực hiện xét nghiệm 67 trường hợp đều âm tính.
 
Lâm Đồng hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu có nguy cơ lây lan từ các huyện giáp ranh giữa Lâm Đồng với Đắk Lắk và Đắk Nông, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng phối hợp với huyện Bảo Lâm và Đam Rông tổ chức giám sát tình hình dịch, đánh giá các nguy cơ lây lan dịch bạch hầu, khám sàng lọc cho 2.537 học sinh. Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho đối tượng nguy cơ cao và triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, duy trì các hoạt động giám sát.
 
Dự án tiếp tục triển khai các hoạt động liên ngành phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm 6 tháng cuối năm 2020 với mục tiêu bảo đảm an ninh sức khỏe nhân dân trong tỉnh. Tăng cường kiểm soát bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa khả năng xâm nhập của các dịch bệnh mới nổi vào địa phương; giảm tỷ lệ chết, tỷ lệ mắc và hạn chế sự lây lan các dịch bệnh nguy hiểm ra cộng đồng, góp phần ổn định kinh tế, xã hội và bảo vệ nâng cao sức khỏe người dân. 
 
AN NHIÊN