Chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2020 là "Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại".
Chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2020 là “Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại”.
|
Hoạt động truyền thông cộng đồng thuộc Dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc SKSS cho phụ nữ và thanh niên DTTS” tại Lâm Hà |
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Lâm Đồng có 9.599 trẻ được sinh ra, giảm 467 trẻ so với cùng kỳ năm 2019; có 1.360 trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên, giảm 494 trẻ so với cùng kỳ. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên 14,1%. Tỷ số giới tính khi sinh là 105,1 trẻ nam/100 trẻ nữ.
Chú trọng KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số
Cũng trong thời gian này có 10 đơn vị y tế phối hợp thực hiện dịch vụ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Ước sàng lọc trước sinh cho 5.548 trường hợp trên tổng số 14.123 bà mẹ mang thai (đạt 39,2%); sàng lọc sơ sinh cho 4.853 trường hợp trên 9.599 trẻ sinh ra (đạt 50,55%), trong đó phát hiện 55 trường hợp thiếu men G6PD, chiếm tỉ lệ 1,1%.
Toàn tỉnh có 385.467 phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49 tuổi, trong đó có 207.539 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Theo đó, 158.145 cặp vợ chồng đang sử dụng các biện pháp tránh thai (đạt 76,2%), tăng 2,4% so với cùng kỳ 2019. Vận động được 72.079 đối tượng mới thực hiện các biện pháp tránh thai, giảm 6.704 người so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đặt vòng 3.300 ca, triệt sản 89 ca, thuốc uống 27.331 trường hợp, thuốc cấy 53 trường hợp, thuốc tiêm tránh thai 8.312 trường hợp, bao cao su 33.072 trường hợp.
Tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số về thể chất thông qua đẩy mạnh hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh nhất là bệnh, tật và tử vong có liên quan đến các yếu tố di truyền, nâng cao chất lượng dân số. Hoạt động này được triển khai tại 12 huyện, thành phố với 142 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, tư vấn được 420 buổi cho 16.740 lượt người, truyền thanh 882 buổi với 4.410 phút.
Đề án tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân triển khai tại 12 huyện, thành phố với 142 xã, phường, thị trấn nhằm giảm tình trạng vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn. Duy trì và nhân rộng 60 câu lạc bộ với 2.918 thành viên tham gia; tuyên truyền, tư vấn 119 buổi sinh hoạt; tuyên truyền, tư vấn trực tiếp 170 buổi cho 8.210 lượt người; truyền thanh 867 buổi với 4.335 phút.
Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh triển khai tại 12 huyện, thành phố với 142 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Truyền thanh 867 buổi với 4.335 phút về chủ đề này; xây dựng và duy trì câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với 53 CLB có 1.789 thành viên tham gia, đã tổ chức 250 buổi sinh hoạt.
Phụ nữ quên khám sức khỏe định kỳ
Theo nghiên cứu tình hình mắc các bệnh phụ khoa của phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ của Dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên DTTS” do Liên minh châu Âu và tổ chức ActionAid Việt Nam tài trợ từ năm 2017 -2021 hướng đến 95.320 đối tượng hưởng lợi trong đó có huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Thu thập thông tin từ nhóm phụ nữ trong cộng đồng cho thấy trong 6 tháng qua, có 26,6% phụ nữ ở Lâm Hà nói rằng họ có đi khám phụ khoa, làm thủ thuật KHHGĐ hay khám vì vấn đề sức khỏe sinh sản. Chị em đi khám phụ khoa chủ yếu là do các triệu chứng như ngứa, khí hư, tiểu buốt và tình trạng kinh nguyệt bị rối loạn. Số liệu từ Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà còn cho biết, tỉ lệ phụ nữ điều trị phụ khoa trong 6 tháng và hàng năm chỉ chiếm gần 20% -38,1% trong tổng số lượt khám phụ khoa.
Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) nhấn mạnh nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội trong vòng 6 tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Hệ quả sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới. |
Từ góc nhìn của nhân viên y tế, các bác sỹ phòng khám cho biết những viêm nhiễm đường sinh sản thường gặp là viêm cổ tử cung, viêm âm đạo và nhiễm trùng đường tiểu. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp là Trichomonas Vaginalis, Candida Albicans và trực khuẩn Gram (+). Cơ cấu bệnh trong số đến khám và điều trị những bệnh hay gặp ở nhóm phụ nữ trong cộng đồng theo thứ tự giảm dần là: Viêm cổ tử cung; viêm âm đạo, âm hộ; đau bụng và đau vùng chậu; nhiễm trùng đường tiểu, rối loạn kinh nguyệt; viêm vòi trứng, buồng trứng; đau, viêm vú; u nang buồng trứng, u xơ tử cung và u vú.
Về xu hướng bệnh trong thời gian tới, nhóm nhân viên y tế và phụ nữ trong cộng đồng có nhận định giống nhau về các xu hướng sau đây: Các trường hợp bệnh không do viêm nhiễm, ví dụ như u xơ tử cung, u nang buồng trứng… sẽ được phát hiện nhiều hơn. Điều này không có nghĩa là tỉ lệ mắc bệnh gia tăng, mà việc cung cấp và sử dụng dịch vụ y tế tốt hơn đã giúp phát hiện bệnh được sớm hơn. Trong thời gian tới, các vấn đề liên quan đến viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục ở trẻ vị thành niên sẽ phức tạp hơn. Các cuộc phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm đưa đến nhận định rằng tình trạng quan hệ tình dục sớm, tình dục không an toàn, nạo phá thai ở giới trẻ là có. Bởi khi thực hiện nạo phá thai, trẻ vị thành niên thường chọn dịch vụ ngoài địa bàn cư trú, nhằm che giấu danh tính, vì vậy, các vấn đề liên quan đến SKSS vị thành niên đang được hiểu chưa đầy đủ. Và các vấn đề này sẽ gia tăng theo thời gian, cùng với xu hướng gia tăng sự tôn trọng quyền tự do cá nhân của giới trẻ.
Kiến thức về cách phòng viêm nhiễm đường sinh sản và bệnh phụ khoa được nhóm phụ nữ tham gia nghiên cứu trả lời ở mức cơ bản. Các biện pháp phòng bệnh được nhắc đến nhiều nhất liên quan tới việc thực hành vệ sinh và quan hệ tình dục an toàn. Điều đáng lo ngại là chỉ hơn 50% đề cập đến biện pháp phòng bệnh quan trọng là khám phụ khoa định kỳ và sử dụng xà phòng, dung dịch vệ sinh. Hầu hết nhóm phụ nữ sử dụng nguồn nước giếng đào, giếng khoan cho tắm rửa và vệ sinh cá nhân với tỉ lệ 96,1% ở huyện Lâm Hà, nguồn nước này được đánh giá là phù hợp cho nhu cầu vệ sinh. Nghiên cứu cũng cho thấy ở Lâm Hà, tỉ lệ sử dụng xà phòng 86,4% và dung dịch vệ sinh phụ nữ thường xuyên 64,3%.
Công tác dự phòng bệnh phụ khoa chủ yếu là truyền thông. Hoạt động này có liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau. Các ngành chuyên môn là Y tế, Dân số KHHGĐ, Nước sạch vệ sinh môi trường và đoàn thể phối hợp chủ yếu là Hội Phụ nữ. Các hoạt động khám bệnh cộng đồng, khám phụ khoa, tầm soát các bệnh ung thư đường sinh sản cho phụ nữ rất hiệu quả thiết thực nhưng chưa được tổ chức thường xuyên và phổ biến. Khảo sát có 76,2% phụ nữ ở Lâm Hà cho biết đã được tiếp cận thông tin, truyền thông liên quan đến chăm sóc SKSS-KHHGĐ qua sinh hoạt tổ, nhóm, CLB. Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận, nhóm phụ nữ này chỉ nhớ chung chung các nội dung truyền thông như các lợi ích của KHHGĐ, cách sử dụng thuốc ngừa thai… Hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không tuân thủ việc khám phụ khoa định kỳ (1 năm 2 lần) do thói quen có bệnh mới đi khám.
Định hướng đến cuối năm 2020 của ngành y tế địa phương, liên quan đến việc khám điều trị bệnh phụ khoa, là thực hiện Chiến lược Dân số - SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trong đó có mục tiêu giảm nhiễm khuẩn đường sinh sản, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm ung thư đường sinh sản, chú trọng sàng lọc ung thư đường sinh sản ở phụ nữ trong độ tuổi 30 - 54. Với các chỉ tiêu đề ra: Giảm 30% số trường hợp nhiễm khuẩn đường sinh sản vào năm 2020; giảm 20% số trường hợp nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục vào năm 2020; tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi 30 - 54 được sàng lọc ung thư cổ tử cung đạt 50% vào năm 2020; tỷ lệ phụ nữ trên 40 tuổi được sàng lọc ung thư vú đạt 50% vào năm 2020.
AN NHIÊN