Quan tâm, chăm sóc người có công

05:07, 27/07/2020

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và của toàn xã hội, công tác chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận...

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và của toàn xã hội, công tác chăm sóc người có công (NCC) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, thể hiện truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người có công.
 
Đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng, thăm thương binh 4/4 Phạm Ngọc Ánh (xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng) nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ
Đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng, thăm thương binh 4/4 Phạm Ngọc Ánh (xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng) nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ
 
Trong dịp  cả nước  kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh... trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã dành kinh phí và vận động các nguồn lực xã hội để triển khai kịp thời các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Qua đó, tạo niềm tin đối với người có công về sự chăm lo, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến, hy sinh của họ vì độc lập, tự do của dân tộc.Trong chuyến thăm mới đây của đồng chí Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đối với các thương binh, bệnh binh cư trú tại các huyện Di Linh, Đức Trọng; thương binh 2/4 Nguyễn Viết Cường (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) xúc động nói: “Tôi thật sự thấy rất ấm lòng, vì không riêng gì trong ngày 27/7, hay những ngày lễ, tết mà bình thường chúng tôi đều nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Chính điều này đã động viên tinh thần của chúng tôi rất lớn”.
 
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Lâm Đồng hiện có hơn 40.000 đối tượng chính sách đang được thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. 
 
Trong đó, chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng gần 10.000 đối tượng. Mỗi năm thực hiện chi trả định suất và các khoản trợ cấp khác cho các gia đình chính sách và người có công trên 238 tỷ đồng. Trong đó, chi trả trợ cấp hàng tháng trên 197 tỷ đồng/năm (bình quân khoảng 16,4 tỷ đồng/tháng). Công tác này được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng. Nhân các ngày lễ, tết trong năm, tỉnh đã tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà, động viên các đối tượng có công với đất nước từ nguồn ngân sách của tỉnh, bình quân khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm (Ngày Thương binh, Liệt sĩ và Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc). 
 
Toàn tỉnh hiện có 22 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các đơn vị, địa phương nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời và hỗ trợ thêm ngoài tiêu chuẩn của Nhà nước từ 1,5 triệu đồng/tháng/mẹ trở lên. Cùng đó, thực hiện hỗ trợ trong giáo dục - đào tạo, mỗi năm bình quân chi trả cho khoảng 2.200 học sinh - sinh viên với số tiền trên 10 tỷ đồng; thực hiện mua bảo hiểm y tế cho hơn 10 ngàn đối tượng, với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng/năm; trang cấp dụng cụ chỉnh hình hàng năm cho trên 200 đối tượng thương binh. Ngoài ra, còn tổ chức điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công tại các trung tâm điều dưỡng trong và ngoài tỉnh bình quân hàng năm cho 4.100 đối tượng, với kinh phí trên 6 tỷ đồng.
 
Thêm một hoạt động nổi bật trong công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đó là hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã trực tiếp giải quyết hoặc tham mưu UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết gần 1.000 hồ sơ các loại, đến nay, không còn hồ sơ tồn đọng tại Sở; đồng thời, các thủ tục hành chính đều thực hiện một cửa liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh và không có hồ sơ trễ hạn. Đó còn là việc vận động nguồn lực từ cộng đồng để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. 
 
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể của tỉnh, với UBND các huyện, thành phố vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” mỗi năm được trên 4 tỷ đồng để xây dựng mới từ 100 - 120 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa trên 100 căn nhà tình nghĩa mỗi năm. 5 năm qua, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động được 18,8 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa 495 căn nhà tình nghĩa và chăm  lo đời sống  người có công.
 
Đặc biệt, trong năm 2019, trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát tổng hợp danh sách các hộ khó khăn về nhà ở; phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1434/QĐ-UBND phê duyệt đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh. Theo đề án này, tổng số nhà ở là 704 căn (xây mới 306 căn và sửa chữa là 398 căn), với tổng kinh phí là 25,4 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện được trích từ ngân sách địa phương, bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2019. Tiến độ thực hiện tính đến tháng 5/2020 đã hoàn thành 536 căn, đạt 76% theo kế hoạch và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 8/2020. Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 3 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 1 nghĩa trang cấp tỉnh và 2 nghĩa trang cấp huyện, với 3.500 mộ liệt sỹ và hạng chục nhà bia ghi tên liệt sĩ ở các xã anh hùng trong toàn tỉnh. Giai đoạn 2016- 2020 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp kinh phí 36,2 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, tôn tạo Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt, Di Linh, Bảo Lộc; Đài tưởng niệm liệt sĩ các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đạ Tẻh.  
 
Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền về công tác đền ơn, đáp nghĩa. Đồng thời, động viên, khuyến khích cả cộng đồng tích cực, chủ động tham gia chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa người có công bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
 
NHẬT MINH