Ngăn chặn bệnh bạch hầu xâm nhập vào địa phương

04:07, 09/07/2020

(LĐ online) - Hiện 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông) đều xuất hiện ca bệnh bạch hầu và gây ra các ổ dịch bạch hầu...

(LĐ online) - Hiện 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông) đều xuất hiện ca bệnh bạch hầu và gây ra các ổ dịch bạch hầu. Riêng Lâm Đồng chưa ghi nhận có ca bệnh bạch hầu, tuy nhiên là tỉnh nguy cơ cao với khả năng bệnh dịch bạch hầu xâm nhập rất lớn. PV Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn các bác sĩ chuyên môn về vấn đề này. 
 
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng làm việc với Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe Nhân dân huyện Đam Rông về triển khai các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu tại vùng nguy cơ cao
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng làm việc với Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe Nhân dân huyện Đam Rông về triển khai các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu tại vùng nguy cơ cao
 
* Thưa BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng! Xin ông cho biết công tác tổ chức giám sát và triển khai các hoạt động phòng chống bệnh bạch hầu tại các địa phương có địa bàn giáp ranh với các huyện thuộc tỉnh Đắk Nông?
 
BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng
BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng
- BSCKII Nguyễn Quốc Minh: Nhận được thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Nông về 1 trường hợp bệnh nhi tử vong do bệnh bạch hầu có tiền sử đến điều trị tại Trung tâm Y tế Đam Rông, ngày 23/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng đã tổ chức đoàn công tác làm việc tại Trung tâm Y tế Đam Rông thống nhất các biện pháp cụ thể để phòng chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện. Đồng thời, tiến hành giám sát tình hình dịch bệnh, đánh giá các nguy cơ lây lan dịch bạch hầu từ xã Quảng Hòa - huyện Đắk G’long (Đắc Nông) sang xã Đạ R’sal (Đam Rông). 
 
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng đã họp Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe Nhân dân huyện Đam Rông, phối hợp với Trung tâm Y tế Đam Rông và Trạm Y tế xã Đạ R’sal tổ chức khám sàng lọc bệnh cho các học sinh từ xã Quảng Hòa (Đắk G’long) đang theo học tại xã Đạ R’sal (Đam Rông). Thống kê có tổng số 2.537 học sinh các Trường THPT Phan Đình Phùng, THCS Lê Hồng Phong, Tiểu học Lương Thế Vinh, Mầm non Đạ R’sal (trong đó có 167 học sinh xã Quảng Hòa), khám sàng lọc cho 219 học sinh (có 164 học sinh xã Quảng Hòa), cấp thuốc điều trị dự phòng cho 17 học sinh và lấy mẫu xét nghiệm 2 trường hợp có tiếp xúc gần ca bệnh. Thực hiện lấy 16 mẫu dịch phết họng đối với các trường hợp nghi ngờ và gởi về Viện Pasteur TP HCM để xét nghiệm, trong đó: 13 học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, 2 học sinh Trường tiểu học Lương Thế Vinh, 1 bệnh nhân nghi mắc đang điều trị tại Trung tâm Y tế Đam Rông. Kết quả xét nghiệm tất cả đều âm tính. 
 
Tổ chức rà soát tiêm Vaccine (vắc xin) Td (bạch hầu) cho trẻ từ 9 -15 tuổi tại xã Đạ R’sal, các tiểu khu Tây Sơn, căn cứ 179, căn cứ 181 và căn cứ Đạ M’Bô thuộc xã Liêng S’rônh (Đam Rông), ngoại trừ trẻ đã tiêm vắc xin có thành phần uốn ván hoặc bạch hầu trong thời gian 1 tháng trước khi triển khai. Tiêm vắc xin Td cho 435 học sinh và giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (xã Đạ R’sal); tiêm vét cho những trẻ từ 2 tháng đến 6 tháng tuổi tiêm thiếu mũi vắc xin chứa thành phần bạch hầu trên địa bàn toàn huyện Đam Rông. Cấp 3.200 liều vắc xin Td tiến hành triển khai tiêm dự phòng cho học sinh và giáo viên trên địa bàn. 
 
Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng đã cung cấp 600 tờ rơi, áp phích tuyên truyền phòng chống dịch bạch hầu trong trường học và cộng đồng. Tổ chức vệ sinh phun khử khuẩn xử lý môi trường cho Trường THPT Phan Đình Phùng. Điều trị dự phòng Erythromycin 500mg trong 7 ngày cho 65 trường hợp có tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ mắc bạch hầu.
 
BSCKII Nguyễn Quốc Minh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng (đứng thứ hai từ phải sang) kiểm tra công tác tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu tại xã Đạ R’sal (Đam Rông)
BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng (đứng thứ hai từ phải sang) kiểm tra công tác tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu tại xã Đạ R’sal (Đam Rông)
 
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng cũng đã họp Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe Nhân dân huyện Bảo Lâm chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bạch hầu trên địa bàn huyện. Triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh truyền nhiễm. Tất cả các trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp được khám và theo dõi các dấu hiệu của bệnh bạch hầu để phát hiện sớm, cách ly và điều trị bệnh kịp thời. In ấn tờ rơi, áp phích phòng chống bệnh bạch hầu cấp cho trường học và cộng đồng, phát thanh loa huyện, xã và phối hợp tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình (đặc biệt tại làng người Mông 40 hộ và vùng lâm trường cao su thuộc xã Lộc Bảo –nơi có cư dân thường xuyên giao lưu gần với dân xã Đắk R’lấp (Đắc Nông) về công tác phòng dịch bạch hầu. Sử dụng đội ngũ tuyên truyền viên biết tiếng Kinh và tiếng đồng bào DTTS (in ấn tờ rơi song ngữ) để tuyên truyền phòng bệnh bạch hầu cho đồng bào DTTS hiểu và thực hành các biện pháp phòng bệnh bạch hầu. Khẩn trương triển khai kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin Td cho tất cả đối tượng từ 2 -7 tuổi trên địa bàn chưa được tiêm đủ 4 mũi vắc xin. Tiếp tục triển khai các biện pháp khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại các cơ sở y tế và các trường học bằng Cloramin B 0,1%, hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng và vệ sinh cá nhân. Tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh bạch hầu cho cán bộ y tế tất cả các tuyến. Đảm bảo thuốc men, vật tư trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí cho công tác vệ sinh, xử lý môi trường.
 
* Thưa BSCKI Hoàng Thị Dạ Thảo - Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng)! Xin bác sĩ cho biết bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào và hướng dẫn cách phòng bệnh bạch hầu như thế nào cho hiệu quả?
 
BSCKI Hoàng Thị Dạ Thảo -Trưởng khoa Nhi BVĐK Lâm Đồng
BSCKI Hoàng Thị Dạ Thảo -Trưởng khoa Nhi BVĐK Lâm Đồng
- BSCKI Hoàng Thị Dạ Thảo: Bệnh bạch hầu là bệnh lây qua đường hô hấp cho nên đường lây dễ gặp nhất là qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh qua người lành; đường lây thứ hai là lây tiếp xúc gián tiếp khi mà đụng chạm vào đồ chơi, vật dụng có chứa chất bài tiết của người bệnh gây ra bệnh.
 
Sự khác nhau giữa bệnh bạch hầu và các bệnh đường hô hấp cấp khác: Triệu chứng lúc ban đầu khởi phát bệnh bạch hầu cũng sốt nhẹ, ho, sổ mũi, đau họng, khàn tiếng cho nên nó rất giống bệnh cảm cúm thông thường. Nhưng khi đi khám gặp bác sĩ khám họng sẽ phát hiện bạch hầu là những mảng trắng vàng vàng (gọi là giả mạc) dính trong vùng hầu người bệnh, bác sĩ sẽ thấy giả mạc tìm cách lấy ra, giả mạc rất dai, bám dính dễ chảy máu –đó là đặc điểm để phân biệt giữa bệnh bạch hầu và các bệnh viêm hô hấp khác. Ngoài ra, đa số bệnh cảm cúm tự lành nhưng bạch hầu có thể chuyển sang biến chứng: viêm cơ tim, viêm rễ thần kinh ngoại biên, suy hô hấp, thận và gây tử vong. Trong bệnh bach hầu gây chảy nước mũi có chất nhầy vì có giả mạc và có thể có chảy máu, hạch cổ rất to làm cho cổ bành ra, to hơn khi tiến triển nặng sẽ gây liệt vùng hầu họng. Các bệnh hô hấp khác không có nhưng bệnh bạch hầu có gây liệt vùng hầu họng do ảnh hưởng đến dây thần kinh ngoại biên làm bệnh nhân nói khó, nuốt sặc và liệt cơ hô hấp.
 
Phòng bệnh chính đối với các bệnh hô hấp đương nhiên là phải rửa tay đây là biện pháp rất quan trọng, khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang và ưu điểm phòng bệnh bạch hầu là đã có vắc xin tiêm chủng. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã có trong chương trình tiêm chủng mở rộng của nhà nước, trẻ tiêm chủng từ 2,3,4 tháng, lặp lại lúc 18 tháng, sau đó dưới 4 tuổi tiêm nhắc lại; Nhà nước đang có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ dưới 7 tuổi và sau đó cứ 5 -10 năm do tác dụng của vắc xin phòng bệnh đã giảm hiệu lực thì chúng ta tiêm vắc xin lặp lại. Vắc xin phòng bệnh bạch hầu hiện có rất nhiều loại, đa dạng như: 5 trong 1, 6 trong 1, DPT, Td, ngoài ra người lớn và trẻ lớn cũng có vắc xin ngừa bạch hầu. 
 
BSCKI Hoàng Thị Dạ Thảo - Trưởng khoa Nhi -BVĐK Lâm Đồng đang khám bệnh cho bệnh nhi
BSCKI Hoàng Thị Dạ Thảo - Trưởng khoa Nhi -BVĐK Lâm Đồng đang khám bệnh cho bệnh nhi
 
Chúng ta vừa trải qua đợt phòng chống dịch Covid-19 thì thói quen phòng dịch rửa tay của trẻ em và người lớn rất tốt, đó là phương pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả. Ngoài ra, tuân thủ việc đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc người bệnh, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, phòng học thoáng mát, sạch sẽ, đủ ánh sáng, khi có trường hợp nghi ngờ bệnh nên đến khám bác sĩ để sàng lọc bệnh bạch hầu. 
 
Hiện tại địa phương Lâm Đồng chúng ta có phương tiện xét nghiệm, thuốc kháng sinh để phát hiện sớm điều trị kịp thời bệnh bạch hầu. Nhưng riêng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu thì chúng ta không có nên các trường hợp biến chứng phải chuyển viện. Bệnh bạch hầu gây biến chứng bởi hai nguyên nhân: Bản thân vi trùng tạo ra giả mạc dai cứng che bít đường thở làm cho bệnh nhân khó thở, ngoài ra vi trùng tiết ra ngoại độc tố đi vào máu, tới tim gây viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm da, có thể tới thận làm suy thận, gây tử vong do các biến chứng này. 
 
Khi phát hiện ca bệnh bạch hầu, bác sĩ tiến hành điều trị kháng sinh ngay, bố trí phòng điều trị riêng tránh lây nhiễm. Đối với các trường hợp có biến chứng phải chuyển viện lên tuyến trên để bệnh nhân sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu sớm điều trị các biến chứng, hạn chế tử vong. 
 
* PV: Xin cảm ơn các bác sĩ đã dành thời gian cung cấp thông tin kịp thời về phòng chống bệnh bạch hầu đến Nhân dân trong tỉnh!
 
AN NHIÊN (Thực hiện)