Kết quả điều tra xã hội học cho thấy mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về cải cách hành chính của tỉnh Lâm Đồng đã tăng lên trong những năm gần đây.
Kết quả điều tra xã hội học cho thấy mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về cải cách hành chính của tỉnh Lâm Đồng đã tăng lên trong những năm gần đây.
|
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa thành phố Đà Lạt |
Gần 14 nghìn phiếu điều tra xã hội học
Có thể diễn giải cụm từ “điều tra xã hội học” được tiến hành trong đánh giá chỉ số cải cách hành chính (CCHC) hiện nay đó là việc khảo sát ý kiến người dân nhằm tìm hiểu họ có hài lòng hay không, hài lòng đến mức độ nào đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Trong năm 2019 vừa qua, để khảo sát ý kiến người dân và các tổ chức trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng Lâm Đồng đã phát hành gần 14 nghìn tờ phiếu điều tra xã hội học như thế, tất cả đều được chuyển đến tận địa chỉ nhà thông qua hệ thống bưu điện.
Tổng điểm cho việc khảo sát này trước đây là 30 điểm, nhưng từ năm 2016 là 35/100 điểm, đây là số điểm cao nhất trong cột điểm này (nhưng thông thường ít đơn vị, địa phương nào nhận được số điểm cao nhất như vậy). Điểm số này sẽ được cộng với cột điểm tự đánh giá của các đơn vị, địa phương theo các tiêu chí cụ thể với mức cao nhất là 65/100 điểm; điểm tự thẩm định sau đó được tỉnh thẩm tra lại để có tổng số điểm xếp hạng chỉ số CCHC của từng đơn vị sở, ngành, các huyện, thành trong từng năm.
Để khảo sát, một danh sách các cá nhân cùng địa chỉ của người dân, tổ chức được xác định.Với cấp sở, ngành, đó là các cá nhân, tổ chức đã tham gia giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong năm tại bộ phận một cửa của các sở, ngành và cơ quan trực thuộc. Với cấp huyện, bên cạnh gửi phiếu điều tra đến các cá nhân, tổ chức đã tham gia giải quyết TTHC trong năm tại bộ phận một cửa của UBND cấp huyện, mỗi huyện, thành còn chọn ra 3 xã, phường, thị trấn đại diện cho các khu vực có điều kiện tốt, điều kiện trung bình, điều kiện khó khăn để điều tra xã hội học. Tại mỗi xã, phường, thị trấn như thế cũng chọn các cá nhân, tổ chức đã tham gia giải quyết TTHC trong năm tại bộ phận một cửa của UBND cấp xã.
Tuy nhiên, với cấp huyện, thành phố, việc điều tra còn mở rộng sang lĩnh vực giáo dục và y tế. Phiếu điều tra được gửi đến các bậc phụ huynh có con em đang theo học tại các bậc học trên địa bàn để khảo sát ý kiến về dịch vụ giáo dục công. Tương tự người dân từng đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của các huyện, thành phố cũng được nhận phiếu khảo sát ý kiến nhằm đánh giá dịch vụ y tế công của địa phương.
Trong tổng số gần 14 nghìn phiếu điều tra được phát ra trong năm 2019 nêu trên, có trên 3.100 phiếu khảo sát ở cấp sở, ngành; gần 11 nghìn phiếu còn lại dành cho khảo sát ở cấp huyện, thành. Điều đáng nói, tỷ lệ thu về của số phiếu khảo sát này của tỉnh rất cao, cấp sở số phiếu thu về đạt trên 89%; cấp huyện, thành số phiếu thu về đạt đến trên 92,5%; cả ở 2 cấp số phiếu không hợp lệ sau khi thu về rất ít (cấp sở, ngành chỉ có 38 phiếu không hợp lệ, cấp huyện, thành chỉ có 69 phiếu không hợp lệ).
Một điều được các ngành chức năng tỉnh đánh giá rất cao lâu nay chính là tinh thần hợp tác của người dân và các tổ chức trong tỉnh trong điều tra xã hội học. Không chỉ trả lời đầy đủ các câu hỏi trong phiếu khảo sát, người dân, các tổ chức còn đóng góp nhiều ý kiến về công tác CCHC của tỉnh hiện nay, cũng như có các kiến nghị đối với những vấn đề cụ thể.
Tăng mức độ hài lòng
Có một chút ngạc nhiên thú vị trong bảng kết quả về điều tra xã hội học của 20 sở, ban, ngành tỉnh Lâm Đồng trong năm 2019 vừa qua.
Đó là việc Ban Dân tộc - một đơn vị những năm trước đây thường đứng rất thấp trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC của tỉnh, trong năm 2019 vừa qua cũng chỉ xếp hạng ở vị trí thứ 17/20, nhưng lại dẫn đầu 20 cơ quan của tỉnh về mức độ hài lòng của người dân, tổ chức thông qua khảo sát ý kiến.
Qua khảo sát năm 2019, Ban Dân tộc được 32,73 điểm, tỷ lệ mức độ hài lòng đạt 93,51%, tăng hơn 5,5% so với năm 2018.
Sau Ban Dân tộc, có 5 sở, ngành khác của tỉnh cũng có tỷ lệ hài lòng khá cao, trên 90% trong năm 2019, bao gồm Sở Nội vụ, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại vụ.
Còn lại, hầu hết các đơn vị đều có mức độ hài lòng trong tỷ lệ khoảng 80% gồm: Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường. Chỉ duy nhất Thanh tra tỉnh đạt sự hài lòng ở mức 72,49%, thấp nhất bảng.
Với cấp huyện, thành, dẫn đầu về mức độ hài lòng của người dân trong năm 2019 chính là Bảo Lâm. Huyện này đã đạt được 31,99 điểm trong tổng 35 điểm; đạt tỷ lệ hài lòng 91,4%. Năm 2018, Bảo Lâm cũng là địa phương dẫn đầu 12 huyện, thành của tỉnh trong điều tra xã hội học với tỷ lệ hài lòng đạt 90,82%.
Theo sau Bảo Lâm trong năm 2019 vừa rồi là Đà Lạt với tỷ lệ hài lòng đạt 90,34%; Đạ Huoai đạt 87,03%; Đức Trọng đạt 87%; Di Linh đạt 86,97%; Đạ Tẻh đạt 86,91%; Lạc Dương đạt 86,77%; Đơn Dương đạt 86,37%; Lâm Hà đạt 85,14%; Bảo Lộc đạt 85,06%; Đam Rông đạt 84,63%. Đứng cuối trong bảng xếp hạng điều tra xã hội học này là huyện Cát Tiên với tỷ lệ hài lòng chỉ đạt 83,91%.
Như Sở Nội vụ Lâm Đồng đánh giá, hầu hết các sở, ban, ngành và các huyện, thành của tỉnh những năm gần đây đều cố gắng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng và trước hạn, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hướng đến sự hài lòng của tổ chức và người dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nỗ lực nâng điểm chỉ số CCHC nên điểm điều tra xã hội học phản ánh sự hài lòng của người dân đã tăng lên từng năm.
Như trong năm 2019 vừa qua, mức độ hài lòng chung của 20 sở, ban, ngành của tỉnh đạt 88,42%, tăng 1,77% so với năm 2018 trước đó. Còn với khối 12 huyện, thành, điểm số này cũng tăng lên nhanh. Nếu như trong năm 2018 điểm điều tra xã hội học đối với 3 loại hình dịch vụ công của 12 huyện, thành đạt bình quân 84,63% thì đến năm 2019 vừa rồi đã tăng lên 86,80%, tăng 2,17%.
Còn nếu tính từ năm 2013 đến nay, chỉ số đo lường sự hài lòng của tổ chức và người dân với cấp sở, ngành và cấp huyện, thành đều tăng. Chẳng hạn, với cấp sở, ngành, từ 30,54 điểm năm 2016 đã tăng lên 30,95 điểm trong năm 2019; còn cấp huyện, thành từ 29,47 điểm của năm 2016 đã tăng lên 30,37 điểm trong năm 2019.
VIẾT TRỌNG