Triển khai 3 chiến dịch tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

01:07, 23/07/2020

(LĐ online) - Sáng 23/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Lâm Đồng tổ chức hội thảo triển khai chiến dịch tiêm chủng năm 2020...

(LĐ online) - Sáng 23/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Lâm Đồng tổ chức hội thảo triển khai chiến dịch tiêm chủng năm 2020 với sự tham dự của 50 đại biểu là lãnh đạo phòng y tế, trung tâm y tế, phụ trách y tế dự phòng, chuyên trách tiêm chủng mở rộng của 12 huyện, thành phố.
 
Các đại biểu lãnh đạo Phòng y tế, trung tâm y tế, phụ trách y tế dự phòng, chuyên trách tiêm chủng mở rộng toàn tỉnh tham dự hội thảo
Các đại biểu lãnh đạo Phòng y tế, trung tâm y tế, phụ trách y tế dự phòng, chuyên trách tiêm chủng mở rộng toàn tỉnh tham dự hội thảo
Nguy cơ tiềm ẩn các bệnh truyền nhiễm
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc CDC Lâm Đồng cho biết: Trong những năm qua, công tác tiêm chủng tại Lâm Đồng luôn được triển khai thường xuyên và đạt được chỉ tiêu hàng năm trên 95% trẻ em dưới 2 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Tuy nhiên, tại một số vùng khó khăn, vùng sâu, điều kiện đi lại khó khăn, khó tiếp cận với cộng đồng vẫn còn xảy ra các ca bệnh truyền nhiễm dù đã có vắc xin phòng bệnh. Cụ thể: Năm 2017, tại Lâm Đồng ghi nhận có 1 trường hợp uốn ván sơ sinh tại xã Đạ Tông (Đam Rông) và năm 2018 có 1 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Đạ K’Nàng (Đam Rông).
 
Năm 2019, Lâm Đồng đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho học sinh lớp 2 và trẻ em 7 tuổi trong cộng đồng tại 147 xã, phường, thị trấn cho 28.600 trẻ, đạt 96,53%. Việc triển khai tiêm bổ sung vắc xin Td cần tiếp tục được duy trì và mở rộng trong năm 2020, tiến tới tiêm thường xuyên trong chương trình TCMR.
 
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, trong năm 2018 - 2019 tình hình dịch sởi có diễn biến phức tạp. Số ca mắc cao ở hầu hết các tỉnh, thành phố và tập trung ở trẻ từ 1 -5 tuổi là nhóm trẻ được sinh ra sau chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella (MR) năm 2014 - 2015. Hơn nữa, tỉ lệ tiêm sởi mũi 2 chưa đạt chỉ tiêu tại các địa phương có di biến động dân cư lớn, các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa dẫn đến việc tích lũy đối tượng cảm nhiễm qua các năm là điều kiện thuận lợi cho dịch sởi quay trở lại. Do vậy, nhóm đối tượng này cần tiêm bổ sung vắc MR trong các chiến dịch tại các vùng nguy cơ. Năm 2019, Lâm Đồng đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin MR cho trẻ từ 1 -5 tuổi tại huyện Đam Rông đạt 96,54%.
 
Việt Nam ghi nhận ca bệnh bại liệt cuối cùng vào năm 1997 và chính thức được công nhận thanh toán bại liệt vào năm 2000. Tại Lâm Đồng, đã triển khai tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bại liệt (IPV) cho trẻ 5 tháng tuổi sau khi uống 3 liều OPV từ tháng 9/2018 đạt trên 90% trên quy mô cấp huyện. Để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt và bảo vệ môi trường không có vi rút bại liệt hoang dại hay biến chủng thì việc tiêm bổ sung cho trẻ sinh từ ngày 1/3/2016 đến 28/2/2018 là cần thiết.
 
BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo
BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo
 
Chiến dịch tiêm vắc xin bổ sung 
 
Thạc sĩ-BS Võ Kim Hải - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) cho biết: Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2020 tỉ lệ TCMR tại địa phương đạt thấp. Vì vậy, việc triển khai chiến dịch tiêm chủng năm 2020 góp phần đạt chỉ tiêu kế hoạch tiêm chủng của tỉnh, bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và bảo vệ cộng đồng an toàn trước nguy cơ dịch bệnh. 
 
BS Đặng Văn Huyên - Phó Khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm (CDC Lâm Đồng) cho biết đã triển khai chiến dịch tiêm chủng năm 2020 tại Lâm Đồng, bao gồm: Kế hoạch tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi - rubella (MR), bại liệt (IPV), uốn ván - bạch hầu (Td); điều tra lập danh sách đối tượng, cung ứng vắc xin, vật tư cho các chiến dịch tiêm MR, IPV, Td. Đồng thời, triển khai kế hoạch truyền thông chiến dịch tiêm chủng, công tác giám sát, kinh phí chiến dịch tiêm chủng năm 2020.
 
Theo đó, chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ em từ 1 -5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2020 cho 4 huyện, thành phố gồm: Đà Lạt, Lâm Hà, Lạc Dương, Cát Tiên. Mục tiêu cụ thể phấn đấu đạt 95% trẻ em từ 1 -5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin sởi - rubella. Chiến dịch sẽ triển khai trong tháng 8/2020, theo thống kê số trẻ từ 1 - 5 tuổi (sinh từ ngày 1/1/2015 -30/6/2019) trong vùng nguy cơ cao là 34.003 trẻ được tiêm vắc xin sởi - rubella góp phần tăng tỉ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi, rubella trong cộng đồng. 
 
Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (IPV) năm 2020 mục tiêu tăng tỉ lệ miễn dịch phòng bệnh bại liệt trong cộng đồng nhằm chủ động phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt. Phấn đấu đạt tỉ lệ từ 90% trở lên đối tượng được tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin IPV trên quy mô toàn tỉnh. Đối tượng tiêm bổ sung vắc xin IPV là trẻ sinh ra từ ngày 1/3/2016 đến ngày 28/2/2018 chưa được tiêm vắc xin IPV trong tiêm chủng thường xuyên, với 40.864 trẻ theo thống kê. Thời gian triển khai chiến dịch tiêm vắc xin IPV toàn tỉnh từ tháng 9 và tháng 10/2020 triển khai đồng loạt tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh và tổ chức tiêm chủng ngoài trạm đối với các khu căn cứ của huyện Đam Rông.
 
Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) với mục tiêu tăng tỉ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, uốn ván trong cộng đồng nhằm chủ động phòng ngừa dịch bệnh, giảm tỉ lệ tử vong do bạch hầu, uốn ván tại các vùng nguy cơ cao. Phấn đấu đạt tỉ lệ từ 90% trở lên trẻ em 7 tuổi tại cộng đồng và trẻ học lớp 2 trên toàn tỉnh được tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin Td. Thời gian triển khai chiến dịch tiêm Td toàn tỉnh từ ngày 5 - 16/10 tại trường học và từ ngày 19 - 30/10 tại trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Dự kiến có 27.052 trẻ em bao gồm: Tất cả học sinh đang học lớp 2 niên học 2020 -2021 (không kể lứa tuổi) và trẻ không đi học (tại cộng đồng) sinh từ ngày 1/1/2013 -31/12/2013 được tiêm bổ sung 1 liều vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu, uốn ván.
 
Như vậy, từ tháng 8, 9, 10/2020, Lâm Đồng triển khai 3 chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng các bệnh sởi, rubella, bại liệt, bạch hầu, uốn ván cho trẻ em trong độ tuổi quy định trên phạm vi toàn tỉnh và vùng có nguy cơ cao. Theo CDC Lâm Đồng, mỗi buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm không quá 100 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm cho riêng 1 loại vắc xin. Đảm bảo các quy trình tổ chức buổi tiêm chủng theo quy định. Công tác tổ chức tiêm chủng được triển khai đồng loạt tại các trường tiểu học, mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ hoặc trạm y tế… Thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên. Triển khai tại trường học: Tiêm chủng cho đối tượng là trẻ em đang học tiểu học, mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ; triển khai tại trạm y tế: Tiêm chủng cho đối tượng là trẻ không đi học và thực hiện tiêm vét; triển khai tại các điểm tiêm chủng ngoài trạm: đối với các khu căn cứ thuộc huyện Đam Rông.
 
Thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động đưa con em đi tiêm chủng. Thông báo hàng ngày trên loa, đài về đối tượng, thời gian, địa điểm tổ chức buổi tiêm chủng. Truyền thông thực hiện trước và trong thời gian triển khai chiến dịch; khuyến cáo gia đình cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tham gia buổi tiêm chủng.
 
Kinh phí cho 3 đợt chiến dịch tiêm chủng năm 2020 tại Lâm Đồng dự kiến hơn 885 triệu đồng từ nguồn trung ương cấp vắc xin, vật tư TCMR và nguồn kinh phí địa phương cho công tác điều tra lập danh sách đối tượng, tập huấn, giám sát, thực hiện tiêm chủng… Thống kê toàn tỉnh có 101.919 trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng trong 3 chiến dịch với sự chuẩn bị 135.700 liều vắc xin các loại gồm sởi -rubella, bại liệt, uốn ván - bạch hầu và các vật tư tiêm chủng khác (bơm kim tiêm, hộp an toàn).
 
AN NHIÊN