Sau 5 năm thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", chất lượng giáo dục mầm non của nhiều trường trong tỉnh đã thay đổi...
Sau 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, chất lượng giáo dục mầm non của nhiều trường trong tỉnh đã thay đổi. Trong đó, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng; còn trẻ em có những kỹ năng cần thiết phù hợp với lứa tuổi và thúc đẩy đúng tiềm năng của mỗi trẻ, tạo cơ hội cho trẻ phát triển toàn diện.
|
Các trường mầm non xây dựng môi trường học tập trong và ngoài lớp học, giáo dục lấy trẻ làm trung tâm |
Môi trường trong và ngoài lớp học
Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được ngành Giáo dục Lâm Đồng triển khai từ năm học 2016 - 2017” trên tinh thần thực hiện Văn bản số 56/KH-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ GDĐT về triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016 - 2020”.
Trong 5 năm thực hiện chuyên đề, Sở GDĐT đã chỉ đạo các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo địa phương và phối kết hợp với các ban, ngành, các tổ chức và cá nhân đầu tư kinh phí để mua sắm, bổ sung trang thiết bị hỗ trợ cho việc thực hiện chuyên đề. Năm học 2016 - 2017, chỉ có 60% cơ sở GDMN có sân chơi ngoài trời có đủ 5 loại đồ chơi; đến năm học 2019-2020 đã có hơn 80% trường mầm non (MN) có sân chơi với các thiết bị đồ chơi ngoài trời, đáp ứng nhu cầu vui chơi, khám phá cho trẻ.
Các trường mầm non đã tranh thủ được nhiều nguồn lực để xây dựng phòng học, sân chơi, xây dựng môi trường học tập trong và ngoài lớp học như: khu vui chơi vận động cho trẻ, góc thiên nhiên, khu vườn cổ tích, trang trí các mảng tường, làm đồ chơi tự tạo… đáp ứng yêu cầu vui chơi và nhằm phát triển toàn diện các lĩnh vực cho trẻ. Tiêu biểu như: Trường MN 10 - thành phố Đà Lạt; Trường MN Hoa Hồng, trường MN Họa Mi - thành phố Bảo Lộc; Trường MN Ánh Dương - huyện Bảo Lâm; Trường MN Đinh Lạc - huyện Di Linh; Trường MN Đạ Sar - huyện Lạc Dương; Trường MN liên xã Quảng Ngãi - Tư Nghĩa - huyện Cát Tiên; Trường MN Tu Tra - huyện Đơn Dương; Trường MN Phong Lan; Trường MN Vành Khuyên - huyện Đạ Tẻh… Đa số các trường trang trí môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học vừa tầm tay trẻ, đồ dùng, đồ chơi phong phú, đa dạng về chủng loại, màu sắc hấp dẫn, môi trường trong lớp trang trí mang tính mở để trẻ có thể tham gia hoạt động tại các góc chơi. Môi trường bên ngoài được xây dựng bằng các nhà chòi lợp bằng tre, nứa, mái tôn tạo được bóng mát cho trẻ chơi, đồ chơi sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, vừa tầm tay trẻ kích thích được các cháu tham gia chơi, khám phá, trải nghiệm.
Đặc biệt, thông qua phong trào tự làm đồ dùng đồ chơi đã huy động xã hội hóa để tăng cường các điều kiện thực hiện chuyên đề. Nhiều đơn vị thực hiện có hiệu quả việc vận động tuyên truyền cha mẹ trẻ đóng góp nguyên vật liệu, ngày công lao động để hỗ trợ giáo viên làm đồ dùng, đồ chơi, làm các nhà chòi và san lấp mặt bằng xây dựng môi trường giáo dục phục vụ cho chuyên đề.
Đến nay, toàn tỉnh có 232/232 cơ sở GDMN đã xây dựng được môi trường vật chất trong và ngoài lớp đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho tất cả các trẻ được giao tiếp với bạn, trẻ có thể chơi mà học, học như chơi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Lấy trẻ làm trung tâm
Khi thực hiện chuyên đề, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã có sự thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Từ đó có những hoạt động cụ thể, thiết thực trong việc xây dựng môi trường, lựa chọn nội dung, khai thác môi trường hiện có để dạy trẻ cũng như hạn chế dần sự gò bó, máy móc trong tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ.
Đặc biệt, giáo viên đã đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, tạo được nhiều cơ hội cho trẻ chủ động, tích cực tham gia hoạt động.
Đồng thời, chủ động trong việc lập kế hoạch, lựa chọn chủ đề, đề tài, xác định hình thức giáo dục phù hợp với đặc điểm của trẻ, tình hình thực tế địa phương, tổ chức linh hoạt, sáng tạo các hoạt động, trò chơi, vận dụng đổi mới phương pháp vào tổ chức các hoạt động trong môi trường hiện có của nhà trường. Quá trình tổ chức các hoạt động, giáo viên tạo được sự gắn kết, tác động một cách thống nhất đồng bộ đến sự phát triển của trẻ, thường xuyên khuyến khích trẻ tham gia hoạt động giáo dục bằng vận động thân thể và các giác quan dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, giúp trẻ khỏe mạnh, tích cực, hứng thú với các hoạt động trong môi trường phù hợp, mạnh dạn, tự tin, thực hiện các kỹ năng vận động chính xác; được rèn luyện và phát triển các tố chất cần thiết phù hợp lứa tuổi; biết yêu thích hoạt động và biết phối hợp các giác quan trong tham gia tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh, từ đó phát triển nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và các kỹ năng xã hội.
“Kết quả sau 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều trường mầm non, nhất là các trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn trong việc đầu tư, cải tạo khuôn viên, xây dựng môi trường học tập và tăng cường đồ chơi ngoài trời, đồ dùng và môi trường học tập trong các lớp học. Đặc biệt, đã tạo được sự thống nhất và sự phối hợp tốt giữa nhà trường, cộng đồng, gia đình và toàn xã hội để thực hiện tốt việc xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non”, ông Huỳnh Quang Long - Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng cho hay.
VIỆT HÙNG