Lá cờ đầu Đan Phượng

05:08, 05/08/2020

Xã Đan Phượng, Lâm Hà là một trong các cơ quan, đơn vị lọt vào danh sách được UBND tỉnh đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua bởi thành tích đạt được trong 5 năm qua..

Xã Đan Phượng, Lâm Hà là một trong các cơ quan, đơn vị lọt vào danh sách được UBND tỉnh đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua bởi thành tích đạt được trong 5 năm qua. Vì vậy, với kết quả này sẽ tạo động lực mới để xã tiến những bước vững vàng hơn trên con đường “phát triển toàn diện, bền vững”. 
 
Thầy cô Trường Tiểu học Đan Phượng 2 giúp nhau tự học Tiếng Anh. Ảnh Hồng Thắm
Thầy cô Trường Tiểu học Đan Phượng 2 giúp nhau tự học Tiếng Anh. Ảnh Hồng Thắm
 
Trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng Trần Hữu Nhiệm về thành tựu đạt được trong 5 năm qua và được Bí thư cho biết: Đó là hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Trong đó nổi bật là kết quả thực hiện trên 3 lĩnh vực trọng tâm: ổn định hệ thống chính trị, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Do đó, Đan Phượng trở thành địa phương dẫn đầu các xã, thị trấn trực thuộc huyện. 
 
Quả thực, với giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) tăng 8,6%; trong đó, khu vực nông - lâm - thủy tăng 5,25%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,8% và khu vực thương mại - dịch vụ tăng 8,5% cho thấy mức tăng trưởng khá cao trong những năm qua. Từ đó, kéo theo tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2015 - 2019 là 12.114 triệu đồng, đạt 154,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn xã giảm còn 3,74%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 21,5%, cơ bản đạt so với chỉ tiêu nghị quyết.
 
Để có mức tăng trưởng nêu trên, theo báo cáo của Đảng ủy xã, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn mới, trọng tâm là thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất gắn với đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, chuyển dịch theo hướng tăng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đến nay, tổng diện tích cây trồng đạt 3.748 ha; trong đó, diện tích cây lâu năm 3.038 ha, tăng 290,7 ha, còn lại là cây hàng năm 710 ha. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt kết quả tốt nên diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao tăng 130,1 ha. Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, có sự thay đổi về quy mô, hình thức chăn nuôi, từng bước chuyển dịch theo quy mô gia trại, trang trại công nghiệp với tổng đàn gia súc, gia cầm 73.914 con, tăng 6.689 con, đạt 123% kế hoạch.Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển cả về quy mô, giá trị sản xuất, kinh doanh, tăng khá so với đầu nhiệm kỳ. Cụ thể, đến nay trên địa bàn xã có 126 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, tăng 36 cơ sở, hộ gia đình với tổng doanh thu hàng năm đạt 21.428 triệu đồng. 
 
Đáng nói hơn xã đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách, các nguồn hỗ trợ của thành phố Hà Nội, các nguồn lực tại địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình xã hội dân sinh, hạ tầng kinh tế với tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 60 tỷ đồng. Trong đó, xã làm chủ đầu tư 40 tuyến đường bê tông tương ứng với 32.354,8 m, 2 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, 1 công trình nhà làm việc công an xã với tổng mức đầu tư 29.734 triệu đồng; trong đó, vốn Nhà nước 20.266 triệu đồng; vốn Nhân dân đóng góp 9.468 triệu đồng. “Nhìn chung kinh tế xã có mức tăng trưởng khá, quy mô, chất lượng được nâng lên rõ rệt” - Bí thư Trần Hữu Nhiệm đánh giá. 
 
Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực từ trong dân để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cảnh quan môi trường, xây dựng địa phương giàu đẹp. Đặc biệt, Nhân dân đã tự giác, tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức khác nhau, dẫn đến bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc, đường giao thông thuận tiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Do đó năm 2017, Đan Phượng đã đạt 19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới sớm hơn một năm so với kế hoạch. 
 
Công tác xây dựng tổ chức Đảng và đảng viên, trọng tâm là xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, công tác phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên được chỉ đạo đạt kết quả tốt, từ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên được nâng lên, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Tính đến năm 2019, Đan Phượng có 3/14 chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 10/14 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. 
 
Tựu trung, trong nhiệm kỳ qua, Đan Phượng luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hàng năm có 92,8% số tổ chức Đảng hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ so với nghị quyết đề ra là 90%; kết nạp được 33 đảng viên mới so với nghị quyết là 30 đảng viên mới; Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội đạt tiêu chuẩn vững mạnh.
 
KHẢI NHIÊN