Mỗi cá nhân đều quan niệm, trước hết là làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình để không phụ sự tin tưởng của đồng nghiệp và của các cấp ủy giao phó, sau đó là hướng đến xây dựng quê hương Lâm Hà ngày càng đổi mới, phát triển.
Mỗi cá nhân đều quan niệm, trước hết là làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình để không phụ sự tin tưởng của đồng nghiệp và của các cấp ủy giao phó, sau đó là hướng đến xây dựng quê hương Lâm Hà ngày càng đổi mới, phát triển.
Cô Phan Thị Cảnh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Văn 5:
Phải luôn tự đổi mới để giáo dục thêm hiệu quả
|
Cô Phan Thị Cảnh |
Tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Tiểu học tại Trường CĐSP Đà Lạt năm 1994, cô giáo trẻ Phan Thị Cảnh khi ấy được tăng cường về dạy ở xã vùng sâu Tân Hà. Thấu hiểu các khó khăn mà các cô cậu học trò của mình phải vượt qua để đến trường, cô Cảnh luôn muốn dành tất cả những gì tốt nhất cho các em. Năm 2000, khi Trường Tiểu học Đinh Văn 5 được thành lập, thiếu giáo viên, cô Cảnh lại được tin tưởng lựa chọn. Với năng lực được khẳng định qua nhiều năm công tác nên cô được nhà trường phân công phụ trách giáo dục mũi nhọn, tập trung ôn luyện học sinh giỏi, đưa thành tích cao về cho giáo dục Lâm Hà.
Giữ mãi tinh thần đó, hằng năm cô Cảnh đều có các đề tài, giải pháp cụ thể, các cách làm sáng tạo, phù hợp, đáp ứng những yêu cầu đổi mới trong dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Ví dụ như năm học 2016-2017, với Đề tài “Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ” đã phát huy hiệu quả trong và ngoài nhà trường; năm học 2017-2018 là Đề tài “Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở Trường Tiểu học Đinh Văn 5” để rồi sau đó được Hội đồng Sáng kiến khoa học - Giải pháp hữu ích tỉnh công nhận vào cuối năm 2019.
Một trong những khó khăn hiện nay mà giáo dục tiểu học đang gặp phải đó là sự đổi mới liên tục buộc người giáo viên phải cập nhật, tiếp nhận những phương pháp mới, ứng dụng công nghệ trong quá trình giảng dạy. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía các thầy cô, đặc biệt là những thầy cô đã lớn tuổi”, cô Cảnh chia sẻ.
Theo cô Cảnh, giáo dục tiểu học hiện nay cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa, để các em học sinh được “học đi đôi với hành”. Bởi điều đó rất quan trọng trong việc rèn kỹ năng sống cho học sinh, để học sinh cảm thấy thích thú mỗi lần đến trường.
Đến nay, sau 8 năm được công nhận Trường chuẩn Quốc gia mức độ II, Trường Tiểu học Đinh Văn 5 vẫn khẳng định được vị thế dẫn đầu của mình trong giáo dục bậc tiểu học ở Lâm Hà, liên tục nhận được cờ thi đua của ngành và xứng đáng đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vào năm học 2018 - 2019.
Đảng viên Nguyễn Thị Chiều - Bí thư chi bộ Tổ dân phố Đồng Tâm (thị trấn Đinh Văn):
Mềm mỏng để hòa giải cơ sở đạt hiệu quả cao
|
Đảng viên Nguyễn Thị Chiều |
Với cô Nguyễn Thị Chiều (sinh năm 1956), mảnh đất Lâm Hà không chỉ là quê hương thứ hai mà còn có những tình cảm đặc biệt chẳng thể diễn tả hết bằng ngôn ngữ của mình. Gắn bó ngay từ những ngày huyện Lâm Hà mới có quyết định thành lập, do vậy khi về hưu, cô Chiều được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố (TDP) Đồng Tâm.
TDP Đồng Tâm có 33 đảng viên, trong đó đa phần là những người hưu trí, từng là cán bộ có thời gian dài công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Theo cô Chiều, đó chính là một trong những yếu tố tích cực giúp công tác tuyên truyền ở một TDP có hơn 400 hộ như Đồng Tâm đạt hiệu quả cao. Với cô Chiều, hòa giải ở cơ sở là một trong những hoạt động quan trọng giữ gìn tình làng nghĩa xóm, phát huy truyền thống đoàn kết tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình và cộng đồng dân cư, từ đó hạn chế vi phạm pháp luật, ổn định trật tự an toàn xã hội. Thông qua các buổi họp của TDP, sinh hoạt của các chi hội luôn lồng ghép tuyên truyền các văn bản pháp luật, những điểm mới được sửa đổi, bổ sung để không chỉ đảng viên mà Nhân dân cũng kịp thời có thể nắm bắt, thực hiện.
Cô Chiều tâm sự: “Công tác ở địa phương nói dễ thì cũng dễ mà nói khó cũng khó. Khác với các cơ quan, đơn vị, ở TDP đa dạng thành phần dân cư, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Nhưng chính quá trình công tác ở vai trò này giúp mình trở nên khéo léo hơn trong từng lời nói, hành động. Có những vụ việc chỉ là mâu thuẫn nhỏ nhưng người làm công tác mặt trận, công tác hòa giải phải biết vận dụng các phương pháp phù hợp, dùng lý lẽ thuyết phục, trọn tình, vẹn nghĩa để thuyết phục bà con, để họ nhận thấy việc làm, cách cư xử của mình là đúng, sai ở mức độ nào, biết dung hòa lợi ích đôi bên, để từ đó có thể giải quyết mâu thuẫn một cách nhẹ nhàng”.
Những người làm công tác hòa giải ở cơ sở như cô Chiều vô cùng thầm lặng, dù bất kể thời gian nào, dù ngày hay đêm đều có mặt khi có chuyện xảy ra. Chính sự chân thành, đặt mình vào từng hoàn cảnh mà nhà cô Chiều trở thành địa chỉ quen thuộc để người dân trên địa bàn gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình.
HỒNG THẮM