Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) trong thời gian qua là giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) trong thời gian qua là giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù đã đạt được những tín hiệu khả quan, tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, vẫn cần sự thay đổi và nỗ lực của cả chính quyền và người dân nơi đây.
|
Nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo được xã Đạ Sar phân bổ cho từng hộ dân phù hợp và kịp thời |
Đạ Sar là xã nông thôn mới của huyện Lạc Dương, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% dân số . Nếu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 11,7% thì đến đầu năm 2020, toàn xã còn 30 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,2%; phấn đấu đến cuối năm 2020, con số này được giảm còn 15 hộ. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bon Neur Cil Đa Nim, xã Đạ Sar ưu tiên cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững, hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo có nhà, có sinh kế, phương tiện sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn cách làm ăn, giới thiệu việc làm để bà con vươn lên thoát nghèo, không tái nghèo.
Nằm trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm, xã Đạ Sar đều nhận được nhiều nguồn hỗ trợ, từ xây dựng cơ bản như sửa chữa đường giao thông nông thôn, xây dựng Nhà văn hóa thôn, cải tạo sân vận động, đến hỗ trợ sản xuất về cây giống, con giống, phân bón, máy cắt cỏ, đào ao lấy nước tưới,... Riêng trong năm 2020, gần 427 triệu đồng cũng được phân bổ hỗ trợ phân bón, giống nuôi heo, gà, thỏ cho 29 hộ dân có đơn đăng ký thoát nghèo.
Hồ hởi dẫn khách thăm đàn heo trong chuồng, ông Liêng Frang Ha Húi (61 tuổi) khoe, trước đây nhà ông chỉ có 2 con heo. Năm 2019, nhờ xã hỗ trợ 10 triệu đồng mà ông mua thêm được 5 con, còn dư tiền mua thêm cám. Con số không nhiều, nhưng đủ để ông nuôi rồi bán lấy tiền, thay vì chỉ nuôi để ăn như trước đây. Bây giờ, ông cũng không còn giao hết 2,2 ha cà phê cho đất, cho trời, mà đã dám vay tiền ngân hàng để đầu tư phân bón. Hơn 10 năm nằm trong danh sách hộ nghèo của xã, năm 2019, gia đình ông chính thức thoát nghèo. Không còn nhận được nhiều sự hỗ trợ như trước, nhưng ông phấn khởi bảo: “Bao nhiêu năm được Nhà nước chăm lo, tôi cảm ơn nhiều lắm. Nhưng mình làm sao nhờ miết được, vì Nhà nước đâu phải nuôi mỗi mình mình đâu. Giờ mình nuôi heo, trồng cà phê, rảnh rỗi lại đi làm thuê làm mướn, không đói được”. Xóa bỏ sự trông chờ, cũng đồng thời là rũ bỏ sự mặc cảm, con cái của ông Húi được đi học chữ, học nghề, với niềm hy vọng sau này không còn chỉ biết đến ruộng vườn như cha mẹ họ.
Gia đình bà Liêng Jrang K’Srê (53 tuổi, Thôn 3) là một trong những hộ khó khăn được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn giảm nghèo năm 2015. Từ con bê được cấp ban đầu, bây giờ bà đã có 3 con bò lai trong chuồng, hứa hẹn sau một năm nữa sẽ bán được trên 100 triệu đồng. Mảnh đất bên hiên nhà bà được trồng thêm cỏ voi để chủ động thức ăn cho bò. Năm 2016, gia đình bà đã thoát khỏi hộ nghèo. “Nếu không có 10 triệu đồng được hỗ trợ ban đầu thì tôi sẽ không có 3 con bò lớn như bây giờ, đó là nguồn vốn, vừa tạo điều kiện, vừa tạo động lực để chúng tôi làm ăn, thoát nghèo” - con rể của bà chia sẻ. Không còn đói nghèo, trong ngôi nhà khang trang, con cái bà đã sắm thêm máy cày, trồng thêm atisô, kinh tế ngày càng ổn định.
“Chính sách cho vay ưu đãi hộ nghèo để đầu tư cho sản xuất được triển khai nhanh, đúng đối tượng; người nghèo mạnh dạn hơn trong việc vay vốn, ý thức trách nhiệm cũng như kinh nghiệm sử dụng vốn vay được nâng lên. Đây chính là yếu tố quan trọng mang lại kết quả giảm nghèo bền vững trong Nhân dân” - ông Bon Neur Cil Đa Nim khẳng định.
Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể xã Đạ Sar được chia làm 5 tổ, phụ trách các hộ nghèo được giao. Các tổ thường xuyên xuống các hộ dân để nắm tình hình, khảo sát nhu cầu xem họ muốn nuôi con gì, trồng cây gì, từ đó có những hỗ trợ phù hợp và kịp thời.
Bên cạnh đó, chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cũng được xã Đạ Sar chú trọng. Giai đoạn 2015 - 2020, xã đã tổ chức 16 lớp/410 học viên với 2 ngành nghề chủ yếu là trồng và chăm sóc cà phê, trồng và chăm sóc rau, hoa. Các công ty, doanh nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo phân bón, nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Giai đoạn 2015-2020 đã giới thiệu việc làm cho 650 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2019 đạt 43%, dự kiến đến năm 2020 đạt 45%. Bên cạnh áp dụng kiến thức vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đạ Sar làm việc cho các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn huyện Lạc Dương ngày càng tăng.
Ngoài ra, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và lồng ghép các chương trình dự án đã góp phần làm tăng thêm thu nhập cho người dân. Đến nay, trên địa bàn xã Đạ Sar đã giao khoán diện tích 23.002,45ha/865 hộ.
Để giảm nghèo đảm bảo tính bền vững, không gì quan trọng hơn việc làm cho người dân nhận thức được vai trò của chính bản thân họ. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Bon Neur Cil Đa Nim cho biết: Qua các năm, bên cạnh một số hộ dân không thể thoát nghèo do hoàn cảnh như già yếu, bệnh tật, neo đơn, vẫn còn một số ít người dân trông chờ vào Nhà nước. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền về giảm nghèo vẫn được Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Đạ Sar thường xuyên triển khai thực hiện, để người dân thấy được nỗ lực của bản thân, gia đình mình vẫn là yếu tố quyết định. Trên con đường đó, họ luôn có Nhà nước và chính quyền địa phương đồng hành.
VIỆT QUỲNH