Hút thuốc lá là một trong số những nguyên nhân hàng đầu gây hen suyễn. Hút thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc lá thụ động, gây tổn hại tới sức khỏe của tất cả mọi người, đặc biệt là với người mắc hen suyễn.
Hút thuốc lá là một trong số những nguyên nhân hàng đầu gây hen suyễn. Hút thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc lá thụ động, gây tổn hại tới sức khỏe của tất cả mọi người, đặc biệt là với người mắc hen suyễn.
Hen suyễn là tên gọi dân gian của hen phế quản. Đây là bệnh lý hô hấp mạn tính có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh xảy ra do cơ thể phản ứng với các dị ứng nguyên, liên quan đến các yếu tố di truyền và các tác nhân từ môi trường bên ngoài. Hen suyễn ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày và các hoạt động thể lực của người bệnh. Hen suyễn là bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc tuân thủ điều trị giúp ích trong kiểm soát các triệu chứng của bệnh..
Hen suyễn là gì? Hen suyễn là một bệnh mạn tính có ảnh hưởng tới đường dẫn khí của phổi. Trong cơn hen suyễn, phế quản (ống dẫn không khí vào phổi) sưng lên gây khó khăn cho việc thở. Khi thành phế quản bị sưng khiến phế quản hẹp lại, lượng không khí hít vào hay thở ra ở phổi ít hơn. Các tế bào trong đường dẫn khí có thể làm tăng chất nhầy (chất lỏng dính và dầy) nhiều hơn bình thường, nó làm cho việc hô hấp thậm chí khó khăn hơn. Các triệu chứng hen suyễn bao gồm: Ho, khó thở hoặc có vấn đề trong việc thở, thở khò khè, đau thắt hoặc đau ngực… Hen suyễn có thể nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Nguyên nhân hen suyễn: Hiện nay chưa được thực sự hiểu rõ. Nhiều chuyên gia cho rằng tác nhân gây bệnh có sự phối hợp giữa yếu tố môi trường và các yếu tố di truyền. Việc phơi nhiễm với các dị nguyên có thể khởi phát các triệu chứng của bệnh hen suyễn trên lâm sàng. Phản ứng của cơ thể trước các yếu tố khởi phát dẫn đến các bất thường ở đường hô hấp như co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhầy và viêm phế quản. Yếu tố dị nguyên gây hen rất đa dạng và khác nhau tùy theo từng bệnh nhân, bao gồm: Nhiễm khuẩn hô hấp trên do vi khuẩn, virus, không khí lạnh, bụi, khói thuốc lá, hóa chất trong không khí…
Hút thuốc liên quan tới hen suyễn như thế nào? Nếu bạn mắc hen suyễn, cơn hen suyễn xảy ra khi một cái gì đó tấn công đường dẫn khí của bạn và các yếu tố kích thích gây nên cuộc tấn công. Yếu tố kích thích đối với mỗi người là khác nhau. Hút thuốc lá là một trong số những nguyên nhân hàng đầu gây hen suyễn. Hút thuốc lá - bao gồm cả hút thuốc lá thụ động - gây tổn hại tới sức khỏe của tất cả mọi người, đặc biệt là với người mắc hen suyễn. Hút thuốc thụ động là một hỗn hợp khí và các hạt rất mịn bao gồm: Khói từ việc đốt cháy thuốc lá, xì gà hay thuốc lào, khói được nhả ra (thở ra) từ người hút thuốc. Khói thuốc lá được hít một cách thụ động chứa hơn 7.000 loại hóa chất, bao gồm hàng trăm loại chất độc hại, 70 loại trong số đó là nguyên nhân gây ung thư. Nếu bạn bị hen suyễn, điều quan trọng cần làm là tránh khỏi việc hút thuốc thụ động. Trong gia đình có phụ huynh hút thuốc, trẻ dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tai giữa, thậm chí bị viêm phổi. Chỉ cần tiếp xúc với lượng khói của 10 điếu thuốc mỗi ngày có thể khiến con bạn có nguy cơ bị hen suyễn, dù chúng chưa hề bị các vấn đề hô hấp trước đây. Khói thuốc cũng có thể thấm vào bàn ghế, quần áo và thảm chùi chân, để lại những tác nhân gây ung thư (carcinogen) không thể tẩy sạch bằng xà phòng và nước. Con bạn có thể bị những vấn đề hô hấp do loại khói đọng lại trên bề mặt đồ đạc này nếu sờ, ngậm, chơi hoặc thở gần những bề mặt bị ô nhiễm.
Điều trị hen suyễn như thế nào? Không có cách chữa trị cho bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, có thể kiểm soát hen suyễn bằng cách phòng tránh sau: Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh xa mọi yếu tố kích thích có thể khiến cơn hen suyễn tấn công (khói bụi, khói thuốc lá…). Mỗi người mắc hen suyễn không sử dụng thuốc giống như nhau. Một số loại thuốc được sử dụng bằng việc hít vào, một số khác được sử dụng như dạng viên nén. Có hai loại thuốc hen suyễn sau: Điều trị cấp tính (có thể giúp kiểm soát các dấu hiệu của cơn hen suyễn). Điều trị mạn tính (có thể giúp giảm nhẹ hoặc ít xuất hiện các cơn hen suyễn, nhưng không giúp được bạn khi bạn đang mắc hen suyễn).
Làm thế nào để phòng chống hen suyễn? Nếu bạn hoặc gia đình bạn có người mắc hen suyễn, bạn có thể kiểm soát bệnh nhờ sự giúp đỡ từ người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (ví dụ: dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ) và tránh các yếu tố kích thích. Tránh xa khói thuốc lá là một cách quan trọng để tránh những cơn hen suyễn.
Đối với trẻ nhỏ: Bạn nên cố gắng giúp chúng tránh khói thuốc càng nhiều càng tốt. Nếu con bạn bị hen suyễn, hãy thông báo cho bạn bè, người thân và những người chăm sóc sức khỏe biết rằng khói thuốc lá có thể gây khởi phát cơn suyễn. Để bảo vệ chúng khỏi hít phải khói thuốc, bạn cần yêu cầu khách không hút thuốc trong nhà bạn, tránh đưa con đến nhà hàng hoặc bữa tiệc mà cho phép hút thuốc, yêu cầu bạn bè và người thân không được hút thuốc gần con bạn, lựa chọn những bảo mẫu không hút thuốc, nếu có hút thì yêu cầu không được hút ở khu vực có trẻ bị hen suyễn, khuyến khích các thành viên trong gia đình bỏ hút thuốc lá, dạy con không được phép hút thuốc lá.
BSCK II NGUYỄN QUỐC MINH (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng)