Chủ đề hoạt động công đoàn năm 2020 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn là "Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở"...
Chủ đề hoạt động công đoàn năm 2020 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn là “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”. Đây là nội dung phù hợp và hết sức cần thiết đối với Công đoàn Việt Nam (Công đoàn) trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, các tổ chức đại diện tập thể người lao động ở cơ sở khác Công đoàn được pháp luật nước ta thừa nhận. Vậy cần phải làm gì, bắt đầu từ khâu nào... để nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở?
|
Cán bộ công đoàn tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên, người lao động |
Với mô hình tổ chức Công đoàn theo 4 cấp hiện nay và những quy định pháp luật hiện hành, công đoàn cơ sở (CĐCS) là nơi trực tiếp tập hợp, thu hút người lao động gia nhập Công đoàn; nơi cụ thể hóa việc thực hiện các chức năng của Công đoàn; cũng là nơi trực tiếp tham gia giải quyết mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động... Có thể nói CĐCS chính là mắt xích quan trọng nhất để triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Công đoàn.
Từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 6a ngày 6/1/2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X về Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS, đã tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, của cán bộ công đoàn về nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS. Hoạt động của CĐCS ở nhiều nơi đã phát huy hiệu quả thông qua các hoạt động thiết thực như: tổ chức đối thoại giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động; thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể; chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động... Qua đó, đã tập hợp, thu hút được người lao động gia nhập Công đoàn, đồng thời khẳng định được vai trò của Công đoàn trong quan hệ lao động tại cơ sở.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận thực tiễn còn không ít CĐCS, nhất là CĐCS trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động thiếu hiệu quả; một số CĐCS thành lập chỉ mang tính hình thức; cá biệt còn có trường hợp CĐCS trở thành “cánh tay nối dài” của người sử dụng lao động...; vì vậy chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chăm lo cho đoàn viên, người lao động của CĐCS chưa được phát huy.
Để nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, cần nhìn nhận, đánh giá khách quan về các yếu tố tác động, quyết định đến hoạt động CĐCS, từ đó xác định đúng nội dung cần quan tâm chú trọng trong hoạt động của CĐCS.
Xét về quản trị, chất lượng hoạt động của một tổ chức chịu tác động trực tiếp của các yếu tố: thể chế; bộ máy; nhân lực và nguồn lực. Các yếu tố trên biểu hiện và tác động như thế nào đối với chất lượng hoạt động của CĐCS? Thể chế để CĐCS hoạt động đó là Luật Công đoàn; Điều lệ Công đoàn; quy chế của ban chấp hành, ban thường vụ; quy chế của ủy ban kiểm tra; quy chế thực hiện dân chủ tại nơi làm việc; quy chế phối hợp giữa ban chấp hành CĐCS với người sử dụng lao động; thỏa ước lao động tập thể;... Để hoạt động hiệu quả, ngoài Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn, CĐCS cần chủ động trong việc xây dựng và tham gia với người sử dụng lao động xây dựng các văn bản nội bộ điều chỉnh các hoạt động công đoàn và công tác phối hợp với người sử dụng lao động. Trong các văn bản nội bộ trên, quy chế thực hiện dân chủ tại nơi làm việc; quy chế phối hợp giữa ban chấp hành CĐCS với người sử dụng lao động; thỏa ước lao động tập thể là những văn bản giúp CĐCS chủ động trong thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chăm lo cho người lao động trên tinh thần bình đẳng, hợp tác, “vì người lao động, vì sự phát triển bền vững của đơn vị”.
|
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp xe tơ trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. Ảnh: Khánh Phúc |
Bộ máy để CĐCS hoạt động đó là ban chấp hành, ban thường vụ; ủy ban kiểm tra công đoàn; ban nữ công quần chúng; các công đoàn bộ phận; các tổ công đoàn;... Việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy hoạt động của CĐCS được thực hiện theo Điều lệ Công đoàn và hướng dẫn của công đoàn cấp trên; tuy nhiên, để có bộ máy hoạt động hiệu quả cần căn cứ tình hình thực tế của CĐCS (số đoàn viên, người lao động; số đơn vị, bộ phận trực thuộc;...) để xây dựng phù hợp cả về số lượng, cơ cấu và điều kiện, tiêu chuẩn.
Nhân lực để CĐCS hoạt động đó là các cán bộ công đoàn, gồm: ủy viên ban chấp hành; ủy viên ban thường vụ; ủy viên ủy ban kiểm tra; tổ trưởng, tổ phó tổ công đoàn;... Đây là yếu tố quan trọng, có tác động lớn nhất đối với chất lượng hoạt động của CĐCS; có khả năng chi phối đến các yếu tố khác. Để CĐCS hoạt đông hiệu quả, công đoàn cấp trên cần chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS chuẩn bị tốt nhân sự từ khi thành lập hoặc trong các kỳ đại hội; đồng thời làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS; đảm bảo cán bộ CĐCS không chỉ là những người giỏi chuyên môn, am hiểu kiến thức pháp luật và kiến thức xã hội mà còn phải thực sự là “thủ lĩnh” của đoàn viên, người lao động ở cơ sở và có uy tín với người sử dụng lao động.
Nguồn lực để CĐCS hoạt động đó là tài chính công đoàn (gồm kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn); nguồn hỗ trợ của người sử dụng lao động và xã hội;... Ngoài nguồn tài chính công đoàn theo quy định, CĐCS cần tranh thủ tốt sự hỗ trợ của người sử dụng lao động, của xã hội và sự ủng hộ của ngay chính đoàn viên, người lao động tại đơn vị. Muốn vậy, CĐCS cần khẳng định được vai trò, vị trí trong xây dựng quan hệ lao động tại cơ sở; thực sự trở thành “cầu nối” giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS không chỉ hoàn toàn do nội lực của CĐCS mà còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên theo phương châm “công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới”.
ĐỖ ĐỨC THIỆM