Hiệu quả trong công tác vận động phụ nữ

05:08, 17/08/2020

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 6b/NQ-TLĐ ngày 29/1/2011 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về "Công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"...

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 6b/NQ-TLĐ ngày 29/1/2011 của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về “Công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, các cấp công đoàn huyện Đơn Dương đã thực hiện có hiệu quả công tác vận động nữ công nhân, viên chức và lao động (CNVCLĐ), góp phần xây dựng đội ngũ nữ đoàn viên có năng lực, trình độ chuyên môn không những “giỏi việc nước” mà còn “đảm việc nhà”.
 
Ngày càng có nhiều nữ CNVCLĐ được khen thưởng trên nhiều lĩnh vực
Ngày càng có nhiều nữ CNVCLĐ được khen thưởng trên nhiều lĩnh vực
 
Theo LĐLĐ huyện Đơn Dương, xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác chỉ đạo, hàng năm, công đoàn (CĐ) các cấp đều có đánh giá kết quả công tác vận động nữ CNVCLĐ, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xứng đáng trong việc triển khai và tổ chức phong trào. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh và hướng dẫn của Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh, Ban Thường vụ LĐLĐ huyện đã kịp thời cụ thể hóa, xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, trường học để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác vận động nữ CNVCLĐ. 
 
Bên cạnh đó, các cấp CĐ đã tham mưu cho cấp ủy cùng cấp trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ, nhằm khắc phục tư tưởng an phận trong nội bộ cán bộ nữ. Quan tâm công tác tạo nguồn, tuyển chọn cử nữ cán bộ CĐ tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, chú trọng đội ngũ cán bộ trưởng thành từ phong trào quần chúng ở cơ sở, quan tâm phát triển đảng viên nữ. Thông qua các hoạt động của CĐ, nhiều chị đã trưởng thành qua thực tiễn phong trào, được Đảng, Nhân dân tín nhiệm giao trọng trách đề bạt bổ nhiệm vào cương vị lãnh đạo đơn vị, quản lý các cấp ngày một tăng và có xu hướng trẻ hóa. Cụ thể: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015: Cấp huyện chiếm 12%, cấp cơ sở chiếm 42%; nhiệm kỳ 2015-2020, cấp huyện chiếm 12,8%, cấp cơ sở chiếm 48%. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND nhiệm kỳ 2011-2016: Cấp huyện chiếm 28%, cấp xã, thị trấn chiếm 40%; nhiệm kỳ 2016-2021, cấp huyện chiếm 33%, cấp xã, thị trấn chiếm 42%. Tỷ lệ nữ giữ cương vị lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể các cấp: Cấp huyện chiếm 25%, cấp cơ sở chiếm 66%. Tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành CĐ các cấp chiếm 48,5%; trong đó tỷ lệ nữ giữ chức vụ chủ tịch chiếm 60%, phó chủ tịch chiếm 55%.
 
Cùng đó, trong 10 năm qua, công tác phát triển đảng viên nữ luôn được các cấp CĐ quan tâm giới thiệu cho Đảng xem xét trên 700 người và đã kết nạp 520 người.     
 
Mặt khác, công tác củng cố, kiện toàn mạng lưới ban nữ công cũng được các cấp CĐ quan tâm, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ nữ công để nâng cao chất lượng tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành CĐ chỉ đạo phong trào phù hợp với tình hình thực tế của nữ CNVCLĐ.
 
Từ đó, các cấp CĐ đã chủ động tham mưu đề xuất có hiệu quả việc tham gia sửa đổi và tổ chức thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em. Quan tâm và tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện bộ Luật Lao động, Luật BHXH, BHYT, Luật Bình đẳng giới trong các doanh nghiệp sử dụng lao động nữ, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Tập trung hướng dẫn lao động nữ ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và những nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật cho lao động nữ, coi đây là một trong những biện pháp thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của lao động nữ tại doanh nghiệp. 
 
Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ về vấn đề việc làm, hợp đồng lao động, tiền lương, nâng lương, thi tay nghề, nâng bậc, các chế độ quy định riêng đối với lao động nữ... Qua kiểm tra, các cấp CĐ đã kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành chức năng có thẩm quyền phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm minh những đơn vị vi phạm chế độ, chính sách đã được pháp luật quy định đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng.
 
Trong 10 năm qua, các cấp CĐ đã kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh gia đình khó khăn từ các nguồn quỹ của CĐ các cấp. Cụ thể, đã thăm hỏi, trợ cấp cho 3.200 lượt gia đình nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, 50 chị được hỗ trợ để sửa chữa và xây dựng nhà mới bằng nguồn Quỹ “Mái ấm CĐ”, “Mái ấm tình thương” với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Nhờ đó, phần nào khó khăn của gia đình nữ CNVCLĐ được giải quyết, là nguồn động viên để chị em phấn đấu vươn lên. Bên cạnh đó, ban chấp hành CĐ các cấp tín chấp cho nữ CNVCLĐ vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và các nguồn quỹ khác với tổng số tiền 500 triệu đồng cho hơn 30 lượt chị vay để phát triển kinh tế gia đình...
 
NHẬT MINH