Hương vị lạ từ cây trồng quê nhà

05:08, 17/08/2020

Nuôi dưỡng niềm đam mê làm bánh từ nhỏ, cô gái mang tên Phạm Thị Út (xã Hòa Nam, huyện Di Linh) được nhiều người biết đến bởi trong một lần "ngẫu hứng"...

Nuôi dưỡng niềm đam mê làm bánh từ nhỏ, cô gái mang tên Phạm Thị Út (xã Hòa Nam, huyện Di Linh) được nhiều người biết đến bởi trong một lần “ngẫu hứng”, đôi bàn tay ấy đã sáng tạo nên những chiếc bánh nhỏ xinh và ly sữa tươi thơm mát từ hạt mắc ca quê nhà. 
 
Sản phẩm bánh và sữa được làm từ mắc ca của chị Phạm Thị Út
Sản phẩm bánh và sữa được làm từ mắc ca của chị Phạm Thị Út
 
Những ngày giữa tháng 8, chúng tôi về thăm Hòa Ninh và được người dân Thôn 1 bật mí về cô gái trẻ đang sở hữu loại sản phẩm đặc biệt trong vùng. 
 
 “Hầu hết những người đã thử một lần sản phẩm bánh và sữa mắc ca đều rất hài lòng và tỏ ra thích thú, mới lạ, nhất là đối với trẻ nhỏ” - chị Phạm Thị Út (26 tuổi) mở đầu câu chuyện khi nhắc về sản phẩm mới được chị làm ra. Chị Út kể, chị vốn là người có niềm đam mê làm bánh từ nhỏ. Ngày còn đi học, chị luôn chủ động tìm tòi và tự sưu tập những món bánh có hương vị đặc biệt. Và rồi vào một ngày chị quyết định bỏ lại công việc với mức lương ổn định tại Sài Gòn để quay về Di Linh bắt đầu cho những dự định mà mình đã vạch ra trước đó. 
 
Ngay khi trở về để xây dựng sự nghiệp, chị nhận thấy rõ những điều kiện sản xuất rất thuận lợi để bản thân có thể phát triển kinh tế. Nhận thấy mắc ca là loại cây đang được người dân ưa chuộng, chị bắt đầu “công cuộc” tìm kiếm về loại cây này như: cách trồng, công dụng và nguồn thu nhập mang lại… 
 
“Một điều đặc biệt mà có lẽ trước nay chính bản thân của những nông hộ cũng chỉ biết mắc ca được dùng để sấy khô nhưng không biết rằng, ngoài điều đó thì loại hạt này còn có thể dùng để làm bánh, làm sữa” - chị Út tâm sự.
 
Mời chúng tôi thưởng thức món bánh kèm sữa mới lạ, chị Út cho biết thêm, bản chất của mắc ca là loại sản phẩm có chứa nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, tôi tự nhận thấy rằng, khi một thứ nào đó được người tiêu dùng sử dụng quá nhiều sẽ khiến cho con người ta có cảm giác chán. Vì vậy, tôi bắt đầu tìm cách đa dạng nhiều mặt hàng làm ra từ hạt mắc ca, nhằm thu hút khách và tạo ra sản phẩm mới nhưng vẫn giữ nguyên vẹn hương vị mắc ca truyền thống.
 
Lấy nguồn cảm hứng từ đó, chị Út bắt tay vào thực hiện các sản phẩm của riêng mình. “Trong quá trình xay hạt mắc ca, chính bản thân tôi cũng cảm nhận được mắc ca là thứ sản phẩm có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Tận dụng hết mọi thứ của mắc ca, tôi bắt tay vào làm ra sản phẩm. Trước hết, nguyên liệu làm hoàn toàn từ bột mắc ca, khi xay nhuyễn, tôi bắt đầu chắt lọc nó thành dạng sữa và lấy tên là sữa mắc ca. Còn chất bã được lọc ra, tôi bắt đầu “tự chế” thành một loại bánh bằng cách kết hợp với bí đỏ để làm dày thêm vỏ bánh, nhằm tạo độ giòn và thơm” - chị Út nói.
 
Theo như nhận xét của người dân trong vùng, sản phẩm sữa và bánh của chị Út là món ăn lạ trước nay chưa ai biết đến cách làm này. “Sản phẩm này tôi cũng đã tiến hành làm các thủ tục đảm bảo chất lượng. Thời gian tiếp theo tôi sẽ tìm thị trường và như tôi được biết thì trên thị trường hiện này loại bánh và sữa được làm hoàn toàn từ mắc ca là rất hiếm” - chị Út giãi bày. 
 
Ngoài làm bánh và sữa mắc ca, hiện chị Út đang là chủ nhân của cơ sở mắc ca tại xã Hòa Nam. Được thành lập từ 4 năm nay, thương hiệu Dilin mắc ca của chị được nhiều người tìm đến, bởi đây là nơi thu mua sản phẩm mắc ca cho bà con nông dân vùng Di Linh.
 
Chị Út còn cho hay: “Hiện, tôi có khoảng 6 ha mắc ca tại Đắk Nông, tuy nhiên để đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu cho cơ sở thì tôi chủ động liên kết với nông dân ở các huyện trong tỉnh. Đa số, nông dân trong vùng đang theo xu hướng xen canh nên tôi vẫn luôn đảm bảo cho họ về giá cả. Bên cạnh lấy nguồn nguyên liệu từ nông hộ, tôi cũng đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu ở trang trại tại Đắk Nông, nhằm đảm bảo ổn định lâu dài để cung cấp cho thị trường khi cần. Hiện tại gia đình liên kết với các nông dân ở các huyện lân cận như: Bảo Lâm, Lâm Hà. Tính trung bình hằng năm, gia đình tôi thu mua gần 30 tấn mắc ca với giá hiện tại là 65.000/kg”.
 
HÀ ANH