Tôi biết đến nỗi đau quằn quại của những con người không may mắc bệnh phong qua những áng thơ của nhà thơ Hàn Mặc Tử với tập thơ "Đau thương"...
Tôi biết đến nỗi đau quằn quại của những con người không may mắc bệnh phong qua những áng thơ của nhà thơ Hàn Mặc Tử với tập thơ “Đau thương”. Hôm nay, những nỗi đau giằng xé cả thể xác lẫn tâm hồn của những con người không may mắn ở Trại phong Di Linh (Lâm Đồng) lại được sưởi ấm bằng những trái tim mềm trên ngọn đồi đầy hy vọng.
|
Bà Ka A Than hạnh phúc bên cháu ngoại Ka Kim Liên ở Trại phong Di Linh |
Trại phong Di Linh nằm trên một ngọn đồi nhỏ ở xã Bảo Thuận, mặc dù có tên là Trung tâm Điều trị phong Di Linh, nhưng người dân quanh đây vẫn gọi vắn tắt là Trại phong Di Linh, được thành lập vào năm 1929 bởi Giám mục người Pháp Cassaigne (1895-1973).
Tôi bắt xe ôm từ thị trấn vào Trại phong, may mắn được gặp sơ Thùy là người phụ trách ở đây. Sơ là người ít nói nhưng rất chân tình, sẵn sàng hỗ trợ về những thông tin từ khi thành lập Trại phong cho đến bây giờ. Nhưng để gặp được những người khoác “blouse trắng” thì chỉ có thể tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi trong giờ nghỉ trưa. Trong đội ngũ 24 y, bác sĩ, nhân viên của Trại phong thì có 3 bác sĩ, 4 điều dưỡng, 4 hộ lý, 2 tài xế, 2 bảo vệ là con em của những người mắc bệnh phong. Nghĩa là gia đình họ ở đây, họ được sinh ra ở đây, gắn bó với ngọn đồi này và cống hiến bằng chính trái tim mình cho những người là gia đình, là anh em, là hàng xóm, là máu thịt.
Lượng thời gian của các y, bác sĩ ở đây đặc biệt hơn ở các trung tâm điều trị khác vì bệnh nhân của họ là những con người không may mắn, không được hoàn hảo, đầy đủ về cơ thể. Cho nên các công việc như tắm gội, thay băng, thuốc men…; các y, bác sĩ đều phải chủ động thực hiện.
Trong thời gian chờ đợi để được gặp những người con khoác áo “blouse trắng” của Trại phong, tôi được sơ Thùy giới thiệu với sơ Mai là người phụ trách hành chính ở đây. Sơ Mai sinh năm 1987, đã nhiều năm gắn bó với Trại phong. Sơ Mai bảo: “Làng hiện có 82 hộ gia đình, có nhiều gia đình 3 thế hệ, con cháu khỏe mạnh, chăm ngoan học tập”.
Trên ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, bà Ka A Than gốc ở huyện Chư Păh (Gia Lai) đang bồng trên tay niềm hạnh phúc của gia đình là cháu ngoại Ka Kim Liên được 9 tháng tuổi. Cháu gái khỏe mạnh, nhanh nhẹn là niềm vui khôn tả của cả gia đình. Bà tâm sự: Thấy con cháu khỏe mạnh là niềm động viên để mình có nghị lực chống chọi với bệnh tật. Giấc mơ của mình ư, mình chỉ muốn cháu gái chóng lớn, chăm ngoan học giỏi, trở thành một bác sĩ như những bác sĩ ở đây chăm lo sức khỏe cho mình vậy.
Một hộ gia đình khác là ông Đinh Văn Cung (1939), ông có 3 người con đều thành danh, thành tài; họ đều là những y, bác sĩ tài năng. Tranh thủ ngày nghỉ, cô con gái của ông là Đinh Thị Minh Trúc (1982) hiện đang công tác tại Viện Pasteur Đà Lạt về thăm gia đình, cô đưa bố mình dạo quanh ngôi làng trên ngọn đồi, thăm hỏi bà con, chơi đùa với con trẻ.
Bước trên những thềm đá rêu phong của ngôi làng, một cảm giác yên bình, thanh lặng hòa vào đó là thanh âm vi vu của cây cối, hoa lá mà bao thế hệ đã tưới tắm, vun trồng. Tôi có cơ hội được gặp người con của ngôi làng - bác sĩ K’Brình (1976) là bác sĩ CK I Da Liễu lúc mặt trời đã đứng bóng. Bác sĩ K’Brình có bố là người Lâm Hà, mẹ là người Bảo Lâm; bố mẹ của anh gặp nhau ở Trại phong và được tổ chức kết hôn trong một đám cưới tập thể gồm 3 cặp đôi tại nơi này.
Anh được sinh ra và lớn lên trong sự đùm bọc, quan tâm, chăm sóc của đại gia đình ở Trại phong này. Vì theo bác sĩ K’Brình thì mọi người ở đây đều xem nhau như là người thân, ruột thịt. Tuổi thơ chứng kiến sự đau đớn của những bệnh nhân và tấm lòng của những y, bác sĩ nên K’Brình chỉ có một ước mơ tột đỉnh đó là được theo học ngành y để có cơ hội giúp người bệnh, trong đó có cả bố mẹ mình. Để rồi bước chân của anh sẽ đi đến từng nhà, sẽ giúp đỡ từng người vượt qua bệnh tật.
Giấc mơ của bác sĩ K’Brình thật đơn giản, chỉ là học thêm, học nữa để nâng cao chuyên môn, trau dồi đạo đức vì còn nhiều người ở đây cần sự giúp đỡ lắm. Tôi hỏi về chuyện gia đình, bác sĩ K’Brình cười hiền khô: Mình có gia đình, có cả đại gia đình mình đây chứ. Còn chuyện gia đình nhỏ của mình, thì đến nay vẫn đơn chiếc.
Chập tối, những gia đình nhỏ lại quây quần bên bữa cơm. Tiếng kêu gọi con trẻ, tiếng nô đùa, cười nói vui vẻ xua đi ánh tà dương. Và có lẽ, nó cũng xua đi những thành kiến về căn bệnh này trong quá khứ để hướng đến một tương lai tốt đẹp là sự phát triển trong việc điều trị, sự quan tâm của xã hội đối với những số phận thiếu đi một phần may mắn.
ĐỨC TÚ