Bản tin lúc 18h ngày 17/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 12 ca mắc mới COVID-19, trong đó 11 ca tại cộng đồng gồm Đà Nẵng có 6 ca, Hải Dương có 4 ca, Hà Nội có 1 ca và 1 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Việt Nam có 976 bệnh nhân COVID-19
Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 18h ngày 17/8: Việt Nam có tổng cộng 639 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước.
- Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: ghi nhận 499 ca
- Tính từ 6h đến 18h ngày 17/8: 12 ca mắc mới, trong đó có 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
CA BỆNH 956-968 VÀ 974-975 (BN965-968 và BN974-975) tại Đà Nẵng: có độ tuổi từ 33-59 tuổi, gồm: 3 ca là người nhà bệnh nhân, 1 ca là nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng, 1ca là bảo vệ tại Bệnh viện Đà Nẵng, 1 ca tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng (tiếp tục điều tra).
CA BỆNH 969 (BN969) tại Hà Nội: Bệnh nhân nữ, 25 tuổi, có địa chỉ tại Phường Trương Định, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là F1 của BN962. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 (Đông Anh)
CA BỆNH 970-973(BN970-973) tại Hải Dương: có độ tuổi từ 13-41 tuổi, liên quan đến ổ dịch đường Ngô Quyền, Hải Dương (trước đó đã ghi nhận 5 ca tại ổ dịch này). Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương.
CA BỆNH 976 (BN976) được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Hà Nội: Bệnh nhân nam, 42 tuổi, có địa chỉ tại Thạch Sơn, Thạch Thành, Thanh Hóa.
Ngày 29/7/2020, bệnh nhân từ Guinea Xích Đạo về Sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN6 và được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 (Đông Anh).
Sau xét nghiệm lần 3 đã có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 107.642, trong đó:
Cách ly tập trung tại bệnh viện: 4.015
Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.948
Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 78.679
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: có 11 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh:
+ 6 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng: BN435, BN455, BN571, BN610, BN611, BN712
+ 3 bệnh nhân tại Trung tâm y tế Hòa Vang: BN492, BN555, BN819
+ 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Lao Và Bệnh phổi Trà Vinh: BN559, BN560
Như vậy, đến thời điểm này có 467 bệnh nhân/976 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.
Tính đến chiều ngày 17/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 47 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 23 ca, số ca âm tính lần 3 là 48 ca.
Số ca tử vong là 24. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...
Để tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho tỉnh Hải Dương trong việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, Bộ Y tế đã có Công điện số 1291/CĐ-BYT gửi UBND tỉnh Hải Dương về việc khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Theo đó, Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai cử các đội công tác hỗ trợ, phối hợp với tỉnh Hải Dương và các đơn vị liên quan trong việc điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, dập dịch và thu dung, điều trị, phòng chống nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế nhằm sớm ngăn chặn, kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia (BCĐQG) phòng chống dịch COVID-19 đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Khẩn trương, tăng tốc thực hiện việc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành ngay việc cách ly y tế tập trung, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát tình hình sức khỏe. Đẩy mạnh việc tăng cường năng lực, thực hiện xét nghiệm trên diện rộng; thực hiện việc thanh toán bảo hiểm y tế cho xét nghiệm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đảm bảo cung ứng đầy đủ công cụ, phương tiện, vật tư để thực hiện xét nghiệm trên diện rộng đồng thời tiếp tục triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp có các biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp để phát hiện sớm và kịp thời.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh; triển khai áp dụng các quy trình, phân luồng, phân tuyến tránh lây lan trong các cơ sở y tế, thực hiện điều trị hiệu quả và tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn kỹ thuật giữa các tuyến trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19.
(Theo suckhoedoisong.vn)