Xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ban, ngành ở Lâm Đồng

06:08, 14/08/2020

DDCI (Department and District Competitiveness Index) - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ban, ngành là bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương...

DDCI (Department and District Competitiveness Index) - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ban, ngành là bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc một tỉnh, nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị và sở, ban, ngành, trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã... đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, để nghiên cứu giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm; đồng thời, mở rộng và đẩy mạnh cải cách về quản trị kinh tế cấp huyện và cấp tỉnh...
 
DDCI sẽ là công cụ đánh giá năng lực hoạt động của cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, địa phương
DDCI sẽ là công cụ đánh giá năng lực hoạt động của cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, địa phương
 
Tổng quan về DDCI ở Việt Nam
 
DDCI lần đầu tiên được triển khai xây dựng tại Việt Nam vào năm 2013 bởi Economica Vietnam và UBND tỉnh Lào Cai. Lần đầu tiên, bộ khung chỉ số về đánh giá các lĩnh vực quản lý và điều hành kinh tế ở cấp địa phương được hình thành và xây dựng. Tại Lào Cai, DDCI được thực hiện liên tục trong những năm qua và đã trở thành một công cụ quan trọng cho công tác điều hành tại tỉnh, hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh tại tỉnh, và góp phần để Lào Cai liên tục duy trì được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm qua.
 
DDCI tiếp đó đã được nhiều tỉnh thành lựa chọn triển khai, như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Thừa Thiên - Huế, Sơn La, Quảng Nam, Đắk Nông, Đồng Tháp, Gia Lai…; khẳng định là một công cụ hiệu quả, cải thiện năng lực quản lý, điều hành kinh tế tại các tỉnh, góp phần cải thiện thứ hạng và củng cố vị trí xếp hạng cao của nhiều tỉnh trong bảng xếp hạng PCI. Đặc biệt, DDCI đã trở thành một trong những nội dung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành của nhiều tỉnh, nhằm thực hiện Nghị quyết số 19 - 2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. 
 
Sau 6 năm thực hiện, và trên cơ sở kinh nghiệm triển khai của nhiều tỉnh, DDCI tiếp tục được Economica Vietnam cải tiến về phương pháp luận cũng như cách thức thực hiện. Một phiên bản hoàn toàn mới của DDCI đã được xây dựng và trải qua quá trình kiểm nghiệm, thẩm định khắt khe của các tỉnh tham gia và các chuyên gia hàng đầu về điều hành và quản lý kinh tế địa phương. Phương pháp luận DDCI hoàn toàn mới và phương thức triển khai sáng tạo, tiên tiến, hiện đại hiện đang được triển khai đồng loạt tại một số tỉnh, bắt đầu từ DDCI năm 2019.
 
DDCI Lâm Đồng
 
Những năm qua, tuy môi trường kinh doanh của tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những tiến bộ, nhưng vẫn còn những hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, nhất là những vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan cấp sở, ban, ngành, huyện. Một bộ phận cán bộ, công chức chính quyền các cấp còn tư duy quản lý xã hội theo mô hình chính quyền mệnh lệnh một chiều từ trên xuống dưới, xem cơ quan hành chính là công cụ quản lý xã hội chứ không phải để phục vụ xã hội, phục vụ người dân, thiếu sự tham vấn và phản hồi từ phía cộng đồng doanh nghiệp và dân cư…
 
Qua 14 năm tổ chức thực hiện, PCI đã làm thay đổi tư duy điều hành và nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền, tạo được động lực phát triển ở khu vực doanh nghiệp tư nhân và thu hút đầu tư. Nhưng, nếu không có DDCI sẽ không có cơ sở để đánh giá những tồn tại, hạn chế ở sở, ban, ngành nào, địa phương nào, nên khó tìm ra giải pháp khắc phục. DDCI ở Lâm Đồng vẫn còn xa lạ. Tuy nhiên, mục tiêu của DDCI đã được lãnh đạo tỉnh lĩnh hội trong nhiều năm qua. Đó là thúc đẩy cải thiện chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, huyện, thị, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp tại tỉnh, nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch tại địa phương, với mục đích mang lại lợi ích tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư; từ đó, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phát triển kinh tế và lợi ích cho người dân địa phương.
 
Mấy năm nay, đồng thời với việc thực hiện có hiệu quả cam kết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Lâm Đồng cũng quyết tâm xây dựng bộ tiêu chí nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ban, ngành. Hiện nay, Đề án xây dựng bộ tiêu chí DDCI của Lâm Đồng đang được hoàn thiện, sẽ sớm được công bố và triển khai thực hiện. DDCI ra đời có ý nghĩa quan trọng, là công cụ đánh giá kết quả hoạt động của các sở, ban, ngành và cấp huyện qua trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa; đồng thời, là thông điệp về sự năng động, cầu thị, thân thiện của chính quyền tỉnh với người dân và doanh nghiệp. Triển khai đề án DDCI được coi là một giải pháp mạnh mẽ có tính đột phá, sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác điều hành kinh tế của tỉnh, nâng cao tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
 
LÊ HOA