Bác sĩ K'Đỉu - ''trái tim ấm'' của làng phong Di Linh

05:09, 14/09/2020

Trong phong trào thi đua là yêu nước của tỉnh, ngành Y tế Lâm Đồng vinh dự góp mặt tấm gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Nhân dân - bác sĩ K'Đỉu, Phó Khu Điều trị phong Di Linh thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng...

Trong phong trào thi đua là yêu nước của tỉnh, ngành Y tế Lâm Đồng vinh dự góp mặt tấm gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Nhân dân - bác sĩ K’Đỉu, Phó Khu Điều trị phong Di Linh thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng. Với sự tận tâm của mình, bác sĩ K’Đỉu đang trở thành điểm tựa cho nhiều bệnh nhân phong trong công tác điều trị và hòa nhập cộng đồng. Ông cũng chính là một trong những điển hình tiêu biểu được tuyên dương trong Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI năm 2020. 
 
Bác sĩ K'Đỉu đang hướng dẫn bệnh nhân tập phục hồi chức năng chống tàn phế do di chứng của bệnh phong
Bác sĩ K'Đỉu đang hướng dẫn bệnh nhân tập phục hồi chức năng chống tàn phế do di chứng của bệnh phong
 
Trưởng thành từ ngôi nhà bác ái
 
Bác sĩ K’Đỉu cho biết: “Nói đến nội dung chăm sóc sức khỏe Nhân dân là vấn đề lớn và có nhiều lĩnh vực. Ở đây tôi muốn đề cập đến lĩnh vực tôi đang công tác suốt thời gian qua là được phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân phong tại Trại phong Di Linh và bệnh nhân phong toàn tỉnh Lâm Đồng. Tôi muốn mọi người biết đến sự hình thành của Khu Điều trị phong Di Linh”. 
 
Khu Điều trị phong vốn được gọi là “Làng cùi”, thành lập năm 1927 đến năm 1929 bắt đầu được đưa vào hoạt động chính thức do Linh mục người Pháp Jean Cassaigne và mời Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn cộng tác, chăm sóc sức khỏe, tinh thần, cũng như đời sống cho một cộng đồng nhiều thế hệ: ông, bà, cha mẹ và con cháu của họ.
 
Tuy thời điểm này khoa học về bệnh phong chưa tiến bộ, thuốc men còn thiếu thốn, trình độ nhận thức bệnh nhân phong còn rất kém, đời sống còn hoang sơ… nhưng Linh mục người Pháp Jean Cassaigne đã đi tìm những người bệnh nhân phong ngoài rừng đem về qui tụ lại một chỗ và mời các Sơ Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn cộng tác, phục vụ bệnh nhân phong bằng trái tim yêu thương vì những người bệnh phong xấu số, bị xã hội kỳ thị, xa lánh, bỏ rơi và từ đó làng cùi Di Linh được hình thành. 
 
Từ năm 1975 - 1980, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lúc bấy giờ khoa học về bệnh phong chưa phát triển, nơi đây chủ yếu thực hiện việc khám, phát hiện, điều trị bệnh phong, chăm sóc lở loét, phòng ngừa tàn tật là chính. Dù đời sống vật chất còn rất nhiều thiếu thốn nhưng những con người phục vụ bằng trái tim, bằng sự yêu thương đã tận tình, sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào, kể cả đêm hôm khi người bệnh có nhu cầu, để họ có được một đêm ngủ ngon. 
 
Giai đoạn từ năm 1980 đến nay, với sự tiến bộ vượt trội của khoa học về bệnh phong và được sự quan tâm của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng, đội ngũ nhân viên y tế tại Khu Điều trị phong Di Linh ngày càng trưởng thành về chuyên môn. Các y, bác sĩ, điều dưỡng tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các ngành nghề khác, kèm với máy móc trang thiết bị đầy đủ hơn, cơ sở hạ tầng khang trang hơn, được sự hỗ trợ về kỹ thuật chuyên môn của Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, công tác khám, phát hiện, điều trị, phục hồi chức năng, phòng ngừa bệnh tật cho bệnh nhân phong ngày càng tốt hơn. Các lở loét lỗ đáo, những di chứng tàn tật được phục hồi, cuộc sống lao động, học tập, sinh hoạt và tái hòa nhập với cộng đồng của bệnh nhân phong dễ dàng hơn. 
 
Con cháu bệnh nhân phong yên tâm được đến trường giống như các em học sinh, sinh viên khác, có những ngành nghề khác nhau, kể cả du học nước ngoài, tự giải quyết đời sống vật chất và đóng góp công sức xây dựng xã hội. Trong đó, một số con em bệnh nhân phong sau khi tốt nghiệp đã về quê hương tiếp tục con đường của cha Jean Cassaigne và các Nữ tu Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn phục vụ cho bệnh nhân phong. Khu Điều trị phong Di Linh hiện có đội ngũ cán bộ y tế được bổ sung chủ yếu là con em bệnh nhân phong đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng tình nguyện trở về phục vụ. Hiện đã có 4 BSCK I và các trình độ Cử nhân điều dưỡng, Kỹ thuật viên X quang… Công tác khám, phát hiện, điều trị, chăm sóc và phòng ngừa tàn tật cho bệnh nhân phong ngày càng hiệu quả.
 
Hiện nay, bệnh phong không còn là bệnh nan y, giảm bớt những thành kiến, kỳ thị, xa lánh, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, cho gia đình, con cháu của họ, bệnh nhân dễ dàng tái hòa nhập với cộng đồng. Cũng từ nơi đây là cái nôi sản sinh gương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - Seour Mai Thị Mậu, một đời cống hiến phục sự vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bệnh nhân phong.
 
Thấu hiểu nỗi đau của bệnh nhân, K’Đỉu quyết tâm trở thành bác sĩ 
 
Khu Điều trị phong Di Linh cách Quốc lộ 20 khoảng 3 km, nằm trên địa bàn xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Bác sĩ K’Đỉu, Phó Khu Điều trị luôn được bệnh nhân yêu mến bởi sự gần gũi, tận tâm và ấm áp. Trong suốt những năm qua, dù là một cán bộ lãnh đạo nhưng công việc mỗi ngày của bác sĩ vẫn gắn liền với người bệnh, từ thăm khám, đến những công việc trực tiếp mổ, băng bó vết thương. Hơn 30 bệnh nhân phong ở khu bệnh xá được bác sĩ nhớ mặt, đọc tên, và với họ, bác sĩ K’Đỉu như người thân trong gia đình để họ chia sẻ nỗi đau bệnh tật và cả những tổn thương về tinh thần do di chứng bệnh phong để lại. 
 
Ông Mao Văn Chức, bệnh nhân Khu Điều trị phong Di Linh chia sẻ: “Tôi bị phong đã nhiều năm nay, được đưa vào khu bệnh xá này để điều trị. Ở đây, các bác sĩ tận tâm lắm, yêu thương người bệnh như người nhà. Hàng ngày bác sĩ K’Đỉu đến từng phòng thăm khám bệnh, sau đó hướng dẫn người bệnh các khâu tự chăm sóc. Bác sĩ gần gũi bệnh nhân và bệnh nhân cũng coi bác như người nhà. Ở đây ai cũng yêu mến bác sĩ K’Đỉu vì sự tận tâm ấy”.
 
Từng chứng kiến người thân bị xa lánh, kỳ thị khi mắc bệnh phong, K’Đỉu quyết tâm trở thành bác sĩ và đến với Khu Điều trị phong để giúp đỡ bệnh nhân. Qua 27 năm gắn bó với nghề, bác sĩ K’Đỉu trải qua không ít những khó khăn, bởi bệnh nhân phong không chỉ bị tàn tật, biến dạng về thể xác do di chứng phong để lại mà họ còn mang trong mình sự tự ti, mặc cảm với gia đình và xã hội. Vậy nên, suốt những năm tháng gắn bó với Khu Điều trị phong, bác sĩ K’Đỉu đã mang hết kinh nghiệm của người thầy thuốc để giúp họ điều trị bệnh và còn mang cả trái tim đầy nhiệt huyết, yêu thương để xoa dịu nỗi đau về tinh thần, giúp bệnh nhân phong hòa nhập cộng đồng. 
 
Bác sĩ K’Đỉu chia sẻ: “Mình thì nghĩ rằng việc gì khó, mọi người không làm thì mình sẽ làm. Vậy nên mình quyết định đến với Khu Điều trị phong để giúp đỡ các bệnh nhân. Bây giờ công việc đã quá quen thuộc, không còn sợ, không còn ngại gì nữa. Khu Điều trị phong cũng giống như ngôi nhà của mình vậy. Mình cũng chỉ muốn mang hết tâm huyết của mình để cống hiến cho nơi này”.
 
Ở cương vị là một bác sĩ, cũng là Phó Khu Điều trị phong Di Linh, bác sĩ K’Đỉu luôn hoàn thành nhiệm vụ của một bác sĩ tận tâm với nghề. Dù đã có nhiều năm kinh nghiệm nhưng hiện nay bác sĩ K’Đỉu vẫn không ngừng học tập, nghiên cứu trau dồi thêm nhiều kiến thức, để đóng góp và cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của Khu Điều trị phong Di Linh. Đặc biệt, với sự tận tâm, nhiệt huyết và đầy trách nhiệm, bác sĩ K’Đỉu đã trở thành người truyền lửa cho các thế hệ y bác sĩ trẻ ở khu điều trị, giúp họ thêm yêu và nhiệt tâm với công việc đầy gian khó này. 
 
Bác sĩ Lê Thị Kim Thùy, Phụ trách Khu Điều trị phong Di Linh cho biết: “Khu Điều trị phong là nơi rất đặc biệt, các bệnh nhân ở đây vừa mang nỗi đau thân thể và cả tinh thần nữa. Vậy nên, các bác sĩ làm việc với một trái tim yêu thương. Bác sĩ K’Đỉu dù là Phó Khu Điều trị nhưng rất gần gũi với người bệnh. Bác sĩ cũng có nhiều cố gắng và thường xuyên tìm tòi những kiến thức mới để áp dụng vào công việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong. Có thể nói bác sĩ là người rất nhiệt huyết, tận tâm với công việc”.
 
“Việc gì khó, người ta không muốn làm thì mình làm, miễn sao là có ích cho xã hội”, tâm niệm ấy đã dẫn dắt K’Đỉu đến với nghề bác sĩ và giúp ông gắn bó với bệnh nhân phong qua gần 30 năm. Những việc làm và sự tận tâm của ông không chỉ được các bệnh nhân phong yêu mến, quý trọng mà còn được ghi nhận, tôn vinh trong Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI năm 2020. Đó cũng chính là phần thưởng quý giá để bác sĩ K’Đỉu thêm nhiệt tâm với nghề bác sĩ, một nghề gian khó nhưng cao quý mà có lẽ ông sẽ dành trọn cuộc đời mình để dấn thân và cống hiến. 
 
AN NHIÊN