Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia ở Đơn Dương

05:09, 04/09/2020

Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, Đơn Dương trong 5 năm qua đã nỗ lực nâng chất lượng dạy và học...

Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, Đơn Dương trong 5 năm qua đã nỗ lực nâng chất lượng dạy và học, tăng cường công tác kiểm định giáo dục ở các trường học trên địa bàn gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia. 
 
Học sinh của Trường Mầm non Sơn Ca - trường đạt chuẩn quốc gia tại thị trấn Thạnh Mỹ - Đơn Dương
Học sinh của Trường Mầm non Sơn Ca - trường đạt chuẩn quốc gia tại thị trấn Thạnh Mỹ - Đơn Dương
 
Trên 85% trường học đạt chuẩn quốc gia
 
Một trong những điểm sáng của giáo dục Đơn Dương trong những năm gần đây chính là tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được tiến hành rất nhanh trên địa bàn.
 
Để đạt được kết quả tích cực này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, theo ông Nguyễn Văn Kháng - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Đơn Dương, ngành Giáo dục huyện đã đề ra những giải pháp cụ thể, đặc biệt là việc kết hợp các nguồn lực xây dựng trường học trong chương trình xây dựng nông thôn mới lâu nay của huyện. “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học, thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở địa phương” - ông đánh giá.
 
Huyện đã cho sáp nhập các trường đồng cấp trong cùng xã, đồng thời xóa dần các điểm trường lẻ, phân hiệu. Trong 5 năm vừa qua, Đơn Dương đã sáp nhập, giảm được 2 trường học và giảm được 7 điểm trường lẻ. Đến nay toàn huyện có 54 trường học, trong đó có 15 trường mầm non, 21 trường tiểu học, 14 trường trung học cơ sở, 4 trường trung học phổ thông; 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 10 Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, thị trấn. Trong số trường học trên có 50 trường từ mầm non đến trung học cơ sở do Phòng Giáo dục huyện quản lý. 
 
Chỉ tính trong 5 năm gần đây, từ các nguồn vốn, Đơn Dương đã đầu tư khoảng 226 tỷ đồng cho 40 công trình trường học trong huyện, xây dựng 221 phòng học, 45 phòng chức năng, 30 nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh. Cùng đó, các trường học cũng được trang bị trang thiết bị phục vụ dạy và học với tổng kinh phí khoảng 88 tỷ đồng. 
 
“Việc sáp nhập các trường và xóa các điểm lẻ đã góp phần tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện giáo dục mới” - ông Kháng cho biết. 
 
Đến thời điểm này, theo Phòng Giáo dục Đơn Dương, toàn huyện đã có 46/54 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 3 trường đạt chuẩn mức độ 2, đạt tỷ lệ 85,3%, vượt 9,3% so với chỉ tiêu 76% đề ra trước đó và là một trong những huyện đi đầu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của Lâm Đồng.
 
Và như ông Kháng nhận xét, khi đẩy nhanh việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, ngành Giáo dục huyện đã góp phần không nhỏ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương khi các xã trong huyện từ đạt chuẩn nông thôn mới vươn lên nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần cùng toàn huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian đến. 
 
Nâng chất lượng giáo dục
 
Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ngành Giáo dục Đơn Dương cũng không ngừng nỗ lực nâng chất lượng dạy và học của học sinh trên toàn địa bàn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia. Bắt đầu từ năm 2019, theo ông Kháng, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã được huyện gắn với công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
 
Cụ thể, bên cạnh tiêu chí cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy và học, các trường cũng phải hoàn tất các tiêu chí còn lại về công tác tổ chức và quản lý nhà trường; về cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; về quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; về hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Tất cả các tiêu chí này phải đạt theo chuẩn quy định để làm cơ sở công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
 
Phòng đã yêu cầu các trường học trên địa bàn rà soát đánh giá theo bộ tiêu chí trên, bám sát chuẩn, định rõ nội dung để có bước đi phù hợp; phân công người phụ trách, huy động nguồn lực, đặt ra mốc thời gian hoàn thành để có bước đi phù hợp.Trong hoạt động của trường, Phòng yêu cầu các trường cần lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng trong các hoạt động của nhà trường để tiến tới đề nghị công nhận đạt chuẩn quốc gia.
 
Phòng cũng tăng cường rà soát, củng cố đội ngũ ban giám hiệu các trường; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn và trên chuẩn để nâng cao hiệu quả quản lý và dạy học; tăng cường củng cố bộ máy tổ chức trong nhà trường theo điều lệ trường học; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, giữ gìn nền nếp, kỷ cương trong các hoạt động quản lý và giáo dục của nhà trường. 
 
Theo đánh giá của huyện, hiện năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên của ngành Giáo dục Đơn Dương đã được nâng lên một bước đáng kể, trình độ đào tạo đạt chuẩn 100%, trong đó trên chuẩn hơn 76%. 
 
Phòng cũng yêu cầu các trường học duy trì tốt sĩ số, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học; chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, giữ vững và nâng cao tỷ lệ phổ cập giáo dục các cấp học; xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, “Xanh, sạch đẹp”, tăng cường hoạt động ngoại khóa, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống, nâng chất lượng giáo dục toàn diện; vận động phụ huynh học sinh cùng tham gia vào các hoạt động của trường. 
 
Nhờ những giải pháp đồng bộ, chất lượng các mặt giáo dục nói chung tại Đơn Dương những năm gần đây đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như trong năm học 2014 - 2015, tỷ lệ học sinh khá giỏi chỉ chiếm khoảng 55%, yếu kém khoảng 6% thì đến năm học 2019 - 2020 vừa qua tỷ lệ học sinh khá giỏi đã nâng lên 70% và tỷ lệ yếu kém giảm còn 3%. Công tác duy trì sĩ số học sinh cũng tốt hơn rất nhiều, năm học 2014-2015 đạt 98,5% thì đến năm học 2019-2020 đã đạt 99,8%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tăng lên đáng kể, tỷ lệ học sinh giỏi tăng 7,5% so với đầu nhiệm kỳ. Đối với các trường học đạt chuẩn quốc gia , tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh giỏi các cấp đều cao hơn. Toàn huyện 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày; tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày cấp trung học cơ sở cũng đạt trên mức quy định.
 
Mục tiêu trong 5 năm đến Đơn Dương sẽ nỗ lực nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia hiện nay từ 85% lên trên 94,4%.
 
VIẾT TRỌNG