Đôi chân trần với hành trình vạn dặm

05:09, 01/09/2020

Tôi đến Bneur C (thị trấn Lạc Dương) trúng ngày Chủ nhật, mọi người đi lễ nhà thờ, buôn vắng hơn thường ngày. Ngôi nhà nhỏ của gia đình Cil múp Ha K'Riêng nép mình bình dị cuối buôn...

Tôi đến Bneur C (thị trấn Lạc Dương) trúng ngày Chủ nhật, mọi người đi lễ nhà thờ, buôn vắng hơn thường ngày. Ngôi nhà nhỏ của gia đình Cil múp Ha K’Riêng nép mình bình dị cuối buôn. Chị Ka Hai, người vợ tảo tần của K’Riêng ra cửa đón tôi với nụ cười khiêm nhường. Bên giường bệnh của người bưu tá được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, chuyện cũ về anh như ấm dần lên theo những nẻo đường, những chặng thời gian. Trong suốt hành trình 13 năm không nghỉ, đôi chân trần của người đàn ông K’Ho đã làm nên kỳ tích, khi anh từng lội bộ vượt rừng một chặng đường được cộng lại bằng năm vòng chu vi trái đất… 
 
Vợ chồng Cil múp Ha K’Riêng
Vợ chồng Cil múp Ha K’Riêng
 
Đôi chân ấy bây giờ đã dừng bước sau nhiều tháng năm dài chữa trị. Căn bệnh quái ác đã làm cho đôi mắt K’Riêng mù lòa và đôi chân từng làm nên huyền thoại của anh bị liệt. Chị Ka Hai nói đùa: “Cây cỏ trả thù anh ấy đấy, bởi đi bộ nhiều, giẫm đạp lên chúng nó nhiều!”. Giờ đây, người vợ chịu thương chịu khó của người Anh hùng “gánh” thay phần việc cho đôi mắt, đôi chân của anh; việc chăm sóc bữa ăn, viên thuốc đến vệ sinh và cả bế anh lên xe lăn ra đầu buôn ngắm núi cho anh đỡ nhớ… cũng trông cả vào chị. Ka Hai nói, K’Riêng rất giàu nghị lực, dù bệnh tật, ốm yếu nhưng không hề thở than. Anh thường nhắc lại lời dặn của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình như một lời tự động viên mình: “Em hãy cố gắng hơn nữa… Có nhiều người như em thì đất nước sẽ tốt hơn”. Ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của K’Riêng là những bức ảnh mà anh vinh dự được lưu niệm chung với những nhà lãnh đạo đất nước. Anh coi đó là niềm tự hào và cũng là lời nhắc nhở, dù trong hoàn cảnh nào cũng xứng đáng với danh hiệu cao quý…
 
Chúng tôi ngồi bên nhau và lùi về ký ức. K’Riêng ít kể về mình mà nhắc nhiều kỷ niệm về đồng chí, đồng nghiệp. Trong khi anh nói về mọi người thì tôi được dịp ngắm kỹ hơn đôi bàn chân của anh. Đôi bàn chân từng băng rừng, lội suối, từng trụ vững giữa rừng sâu đấu với thú dữ đây ư? Những ngón chân nhỏ bé, thanh thoát, làn da mai mái trắng bật nổi cả những đường gân xanh là chứng tích của những trận sốt rét rừng. Bây giờ thì đôi chân ấy là của một người mang bệnh bại liệt…  
 
* * *
 
Vào làm việc tại Bưu điện huyện Lạc Dương từ năm 1982, Ha K’Riêng được phân công về Tổ vận chuyển. Tổ gồm năm người, đảm trách ba tuyến đường thư từ Lạc Dương đi Đạ Cháy, Băng Tiên và Đầm Ròn. Tuyến ngắn nhất là đến Băng Tiên, nói là ngắn nhưng vừa đi vừa về cũng phải mất 12 giờ đi bộ. Còn tuyến gian khổ, nguy hiểm nhất là Lạc Dương - Đầm Ròn với chiều dài đi tắt băng rừng khoảng 70 cây số và đi bộ cả đi cả về mất 24 tiếng đồng hồ. Nếu theo đường lớn thì độ dài khoảng 200 cây số. 
 
K’Riêng là người bản địa, sức khỏe tốt và thông thạo đường rừng. Để vào Đầm Ròn, các anh lên đường từ lúc năm giờ sáng, sẩm tối mới đến nơi. Đường dài, xuyên rừng, nhiều đèo dốc, cao nhất là dốc Đá và dốc Trời. Dốc Đá khi lên mất 60 phút, xuống 45 phút. Dốc Trời khi lên 90 phút, xuống 50 phút. Dốc dựng đứng, phải bám vào cành, rễ cây mà leo, người đi sau chỉ thấy lờ mờ người đi trước vì sương mù dày đặc. Dưới chân núi là những dòng suối sâu, mùa mưa nước chảy xiết. Nhiều lần qua suối, các anh phải chặt cây làm cầu. Ruồi vàng, muỗi, vắt đeo bám. Mỗi người được trang bị một đôi giày bata. Khổ nỗi, loại giày này thời ấy chất lượng cực thấp, chỉ một vài chuyến đi là đế thủng, bàn chân lại chà xát lên đá giăm đến bật máu, hai gót và mười ngón chui ra khỏi giày. Các bưu tá nghĩ ra cách chế loại dép có đế bằng vỏ xe hơi và quai là sợi mây rừng. Cũng tàm tạm, nhưng chân trần vẫn “bền” và tiện lợi hơn cả vì có thể bấm vào đá rêu trơn.  
 
K’Riêng nói, những năm 1975 đến 1985, địa bàn ba xã Đầm Ròn là trung tâm hoạt động của Fulro. Chúng thường xuyên tổ chức lực lượng phục kích trên các tuyến đường, gây cho lực lượng ta nhiều tổn thất. Trên những tuyến vận chuyển thư báo, những người bưu tá đi trong tâm trạng hết sức căng thẳng, Fulro có thể phục kích và đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào. Để tránh sự chú ý của chúng, họ cải trang như những người lên rẫy. Các anh sắp xếp công văn, tài liệu, thư từ vào đáy gùi, phía trên để các loại vật dụng của người đi rừng. Vào mùa mưa, mỗi người được phát hai tấm ni lông, một cho người và một để bọc tài tiệu, nhưng đường đi thường phải luồn rừng, lội suối nên ni lông rất mau hư hỏng. Vì vậy, nhiều khi họ phải lấy tấm ni lông của mình để bọc tài liệu với suy nghĩ, người có ướt thì rồi cũng sẽ khô, còn nếu công văn, thư từ, báo chí ướt sẽ hư hỏng hết...
 
Ký ức buồn, vào tháng 8 năm 1980, hai đồng nghiệp của K’Riêng là Liêng Jrang Hà Hương và Ndu Hà Rang đã hy sinh trên tuyến đường thư. Người Anh hùng kể lại: Hôm đó hai anh Hà Hương và Hà Rang lên đường từ lúc 5 giờ sáng, được trang bị một khẩu súng AR15 để tự vệ. Giữa đường, các anh gặp xe của cơ quan y tế và xin đi nhờ. Vào đến Cổng Trời, bất ngờ Fulro phục kích. Chúng bắn một trái đạn M72 làm xe nổ tung. Nhiều người chết tại chỗ, số còn lại nhảy ra khỏi xe đánh trả lại địch. Với khẩu AR15 trong tay, Hà Hương đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh. Chuyến xe ấy có 11 người chỉ còn lại 1 người sống sót.
 
Lãnh đạo ngành Bưu điện thăm Anh hùng Cil múp Ha K’Riêng
Lãnh đạo ngành Bưu điện thăm Anh hùng Cil múp Ha K’Riêng
 
Trên hành trình mười mấy năm làm nhân viên bưu tá vùng sâu, gian khổ, nguy hiểm nhiều không kể hết, nhưng có hai chuyến đi làm K’Riêng nhớ mãi. Lần thứ nhất, vào năm 1984, anh đi cùng với một điện báo viên. Trời tháng bảy mưa gió dầm dề, về đến dốc Đá thì anh bị sốt rét quật ngã, người run cầm cập không tài nào đi tiếp được nữa. Người bệnh, bụng đói, cả hai người chỉ có một ổ bánh mì đem theo từ sáng, ngồi lại bên rừng chia nhau. Không có củi khô để sưởi nên hai anh em đành quấn áo mưa nằm một đêm trong rừng, chờ qua cơn sốt. Lần thứ hai là cuối năm 1986, K’Riêng được phân công đi cùng Ha Sú trong chuyến thư Đầm Ròn. Hôm ấy trời cũng mưa, sương mù dày đặc. Kẻ trước người sau luồn rừng mà đi. Bỗng một con gấu lao ra tấn công Ha Sú. Nhìn thấy đồng nghiệp hai tay giữ chặt miệng con gấu đang lồng lộn hung dữ, K’Riêng tìm cây xà gạc nhưng nó đã rơi mất tự bao giờ. Anh vừa la hét vừa vơ những hòn đá, cành cây lao vào đập, ném tới tấp lên đầu con gấu. Phải một lúc sau con mãnh thú mới chịu buông Ha Sú và chạy thục mạng vào rừng. K’Riêng ôm lấy người đồng nghiệp đã bị móng vuốt con gấu cào xước máu me đầm đìa khắp mặt mũi tay chân… 
 
Gian khổ, vất vả và nguy hiểm như thế, đồng nghiệp của anh có người không chịu nổi đã phải bỏ việc. K’Riêng cũng thú thật, đã từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng rồi lại nghĩ đến đồng đội đã hy sinh, nghĩ đến đơn vị và nhất là đồng bào của mình. Họ thiếu cái ăn, cái mặc, cái chữ và những lần đưa cái thư, cái tin, tờ báo đến cho họ, họ mừng lắm, quý lắm. Thế là anh lại gạt ý nghĩ tiêu cực khỏi đầu, tiếp tục công việc khó khăn, vất vả nhưng vô cùng ý nghĩa của mình. Trong suốt 13 năm liền đi bộ, K’Riêng chưa bỏ một chuyến công tác nào mà còn thay thế anh em khi họ ốm đau, hoặc đi thêm các chuyến công văn hỏa tốc. Bình quân mỗi năm anh đã vượt hơn 10 ngàn cây số đường rừng. Bước chân K’Riêng và những đồng nghiệp của anh ngày đêm không mỏi. Hạnh phúc của những người bưu tá được nhận là những lời cảm ơn, là niềm vui của đồng bào vùng sâu, vùng xa khi những dòng thư của người thân ở nơi xa, của con em đang cầm súng nơi biên giới, hải đảo trở về bên họ. Hạnh phúc của các anh là mang đến cho các cơ quan, đơn vị những tài liệu quan trọng, những trang báo truyền đến những nơi khó khăn ấy những thông tin mới nhất từ mọi miền đất nước và thế giới…
 
* * *
 
Chú bé Cil múp Ha K’Riêng ngày xưa sống trong túp nhà sàn nơi núi rừng hoang dã Đạ Tông. Đôi bàn chân trần từng thoăn thoắt leo lên những ngọn núi tìm măng, hái quả, bẫy con thú, bắt con chim rừng. Một ngày kia, chú bé ấy trở thành Anh hùng. Trí tưởng tượng của người xưa đã sinh ra câu chuyện cổ tích về đôi hia thần một bước vượt qua ngàn dặm. Câu chuyện thần kỳ ấy đã nhân lên trong mỗi chúng ta khát vọng vượt qua những nẻo đường gian nan bằng đôi cánh ước mơ. Cổ tích của thời hiện đại là đây - đôi chân trần của người đàn ông K’Ho đã làm nên kỳ tích. Ha K’Riêng không có phép màu để một bước vượt qua ngàn dặm, nhưng trong tâm hồn người đàn ông với thân hình nhỏ bé ấy là một tinh thần tận tụy và đam mê nghề nghiệp. 
 
Tạm biệt ngôi nhà nhỏ khiêm nhường dưới chân dãy núi Lang Biang huyền thoại, trong tôi vẫn giữ nguyên cảm xúc về câu chuyện của người bưu tá Anh hùng. Ka Hai đẩy xe lăn đưa K’Riêng ra cửa tiễn tôi. Tôi cảm nhận, dù ánh mắt ấy chẳng còn thấy rõ, nhưng trong tâm khảm của anh, ký ức về những tháng ngày đã qua, về những kỷ niệm và hình ảnh những người đồng chí, đồng nghiệp thân thương thì chưa phút giây nào phai nhạt…
 
Ghi chép: UÔNG THÁI BIỂU