Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của địa phương...
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của địa phương, giai đoạn 2010 - 2020, UBND huyện Lâm Hà đã đưa ra các tiêu chí cụ thể về xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) để triển khai thực hiện. Trong đó, mỗi người dân là một chủ thể góp phần xây dựng đời sống văn hóa.
|
Già làng Bong Đưng Ha Chằng (giữa, thôn Đam Pao) là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào “TDĐKXDĐSVH” ở xã Đạ Đờn |
Ngay từ thời điểm bắt đầu triển khai phong trào, công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào “TDĐKXDĐSVH” đã được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Trọng tâm là việc đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, thôn, tổ dân phố (TDP) văn hóa, gia đình văn hóa. Qua đó, cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của phong trào “TDĐKXDĐSVH”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đưa phong trào từng bước đạt kết quả cao.
Đến nay, 14/14 xã của huyện Lâm Hà đã được công nhận xã văn hóa nông thôn mới, 2/2 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (tỷ lệ 100%), 183/188 thôn được công nhận thôn, TDP văn hóa (tỷ lệ 97%).
Từ đó mang đến chuyển biến tích cực trong đời sống người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn…
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, hầu hết thôn, TDP, cơ quan, đơn vị khi xây dựng quy ước, hương ước đều có quy định cụ thể. Nếp sống văn minh trong giao tiếp, ứng xử, văn minh nơi công cộng đã bước đầu hình thành và trở thành nề nếp.Việc tổ chức lễ hội được thực hiện trang trọng, tiết kiệm, an toàn, đúng quy định của pháp luật, đúng nghi lễ, tạo không khí vui tươi, khơi dậy và phát huy được nhiều nét sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc tại địa phương.
Quy chế dân chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được triển khai có hiệu quả. 100% thôn, TDP, cơ quan, đơn vị đều có tổ hòa giải, ban thanh tra nhân dân; trong các quy ước, hương ước đều có những quy định cụ thể về thực hiện quy chế dân chủ và là một trong những tiêu chí để phân loại, bình xét hàng năm. Thông qua đó đã góp phần giúp cho cán bộ, công chức, Nhân dân thực hiện quyền dân chủ và ý thức tự giác chấp hành quy chế dân chủ; nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, công chức, Nhân dân đã được giải quyết trên cơ sở có lý, có tình đúng với quy định của pháp luật.
Đáp ứng nhu cầu văn hóa, thể thao của người dân, UBND huyện Lâm Hà đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Văn hóa thể thao huyện, Nhà thi đấu đa năng, Thư viện huyện, Nhà truyền thống huyện. Hệ thống truyền thanh - truyền hình huyện được đầu tư trên 5 tỷ đồng, 100% xã, thị trấn được đầu tư hệ thống truyền thanh không dây với 508 cụm loa phủ sóng trên 80% thôn, TDP.
Đến nay, toàn huyện có 16/16 xã, thị trấn có nhà văn hóa; 187/188 thôn, TDP đã được quy hoạch và bố trí được quỹ đất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, khu hoạt động thể thao. Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển rộng khắp, toàn huyện có 1 đội thông tin lưu động, 196 đội văn nghệ quần chúng, 188 câu lạc bộ gia đình văn hóa; 4 câu lạc bộ đàn hát dân ca,… thường xuyên duy trì hoạt động, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cấp cụm, xã, thị trấn, thôn, TDP. Từ đó, nét đẹp văn hóa của các vùng miền, các dân tộc, nhất là của đồng bào dân tộc Tây Nguyên được phát hiện, bảo tồn và phát huy mạnh mẽ.
Đối với phong trào xây dựng “Người tốt, việc tốt”, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong các lĩnh vực. Tiêu biểu trong xây dựng gia đình văn hóa có hộ gia đình ông K’Tăm (thôn R’Lơm, xã Đạ Đờn), ông Bạch Văn Tô (thôn Mỹ Hòa, xã Tân Văn)... Trong phong trào nông dân sản xuất giỏi có gia đình ông Bạch Văn Pha (thôn Mỹ Đức, xã Tân Văn), ông Vũ Thành Giang (thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh)... Trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc có ông Nguyễn Hải Phương (xã Đạ Đờn)... Bên cạnh đó, các lĩnh vực về y tế, xã hội, nhân đạo, từ thiện cũng có rất nhiều gương “người tốt, việc tốt”, các điển hình tiên tiến có nhiều thành tích đóng góp cho phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn huyện.
Trong 20 năm qua, toàn huyện Lâm Hà có trên 30 cá nhân, tập thể được tặng huân chương các hạng, cờ thi đua; 100 tập thể, cá nhân được tặng cờ thi đua, bằng khen của Bộ; trên 300 tập thể được Trung ương, tỉnh tặng bằng khen. Đồng thời, UBND huyện đã biểu dương, khen thưởng trên 15.000 lượt tập thể, 10.000 cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu, hộ nông dân giỏi các cấp có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước.
Theo ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, phong trào “TDĐKXDĐSVH” đã và đang trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực, đi vào cuộc sống của mỗi gia đình và của cộng đồng dân cư, từng cơ quan, đơn vị. Phong trào đã góp phần nêu cao truyền thống đoàn kết gắn bó của cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn huyện, tạo sự chuyển biến quan trọng trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân, từng bước cải thiện bộ mặt nông thôn mới.
VIỆT QUỲNH