33 năm là chặng đường Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà hình thành và phát triển...
33 năm là chặng đường Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Lâm Hà hình thành và phát triển, đánh dấu cột mốc khẳng định rằng đến nay cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện, trang thiết bị được đầu tư khang trang, đội ngũ y, bác sỹ tương đối đầy đủ... Theo đó, từng ngày tăng thêm niềm tin của Nhân dân vào chất lượng khám, chữa bệnh (KCB).
|
Người dân khám, chữa bệnh tại TTYT huyện Lâm Hà (ảnh chụp tháng 6/2020) |
Hơn 30 năm gắn bó với TTYT huyện Lâm Hà, hơn ai hết, bác sĩ (BS) Nguyễn Xuân Ban - Phó Giám đốc Trung tâm hiểu rõ nhất những chuyển biến mà TTYT huyện đã làm được trong thời gian qua. Từ khi cả Trung tâm chỉ mới có 5, 6 BS cho đến nay con số này đã là 60 y, BS như bây giờ, từ lúc mọi thứ còn thô sơ, lạc hậu, đến cơ sở vật chất dần được hoàn thiện, phục vụ tốt cho công tác KCB ở hiện tại,... là cả một chặng đường dài với nhiều nỗ lực.
Hiện tại, TTYT huyện Lâm Hà được tổ chức theo mô hình 2 chức năng điều trị và dự phòng - góp phần tiết kiệm chi phí quản lý, điều động nhân lực kịp thời giữa hệ dự phòng - hệ điều trị, giữa tuyến xã và tuyến huyện khi cần thiết. TTYT có 1 khu điều trị trung tâm quy mô 110 giường bệnh với 7 khoa, 2 phòng khám đa khoa khu vực, 16 trạm y tế (TYT) xã/thị trấn, 2 đội và 5 phòng chức năng. Tỷ lệ BS/10.000 dân năm 2019 là 0,42%, ước đến cuối năm 2020 đạt 0,46%. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học trở lên tăng 0,07% với 98 người. TTYT huyện đã có thêm BS có trình độ chuyên khoa Mắt, Răng Hàm Mặt, Sản, Da liễu, Tâm thần và số TYT có BS công tác đạt 100%.
Trung bình mỗi ngày, TTYT huyện Lâm Hà tiếp nhận khoảng 500 lượt bệnh nhân đến KCB. BS Nguyễn Xuân Ban tự hào giới thiệu, TTYT huyện đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác quản lý KCB. Đến nay, phần mềm quản lý KCB đã được triển khai đến tất cả các TYT xã, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bệnh nhân. Bên cạnh việc duy trì tốt công tác KCB, nâng cao khả năng xử lý cấp cứu tại các tuyến, TTYT huyện Lâm Hà đã triển khai thêm các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới vào điều trị, đặc biệt đã triển khai kỹ thuật mổ nội soi vào năm 2018, từng bước khắc phục được tình trạng chuyển viện đối với các trường hợp cấp cứu ngoại, sản.
Xác định công tác dự phòng là một trong hai nhiệm vụ chính, các hoạt động phòng, chống dịch luôn được TTYT huyện Lâm Hà củng cố và duy trì thường xuyên. Kết quả, trong 5 năm, không có dịch hạch, sốt rét xảy ra, số ca mắc sốt rét giảm liên tục qua các năm từ 2015 - 2019. Các dịch bệnh mới nổi như dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, dịch cúm tuýp A/H1N1, cúm A/H5N1, dịch bệnh Tay - chân miệng đều được giám sát chặt chẽ theo quy trình của Bộ Y tế, giúp kịp thời khống chế, thu hẹp phạm vi, không để dịch lây lan trong diện rộng.
6 tháng đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, TTYT Lâm Hà đã triển khai các hoạt động đáp ứng như xây dựng kế hoạch, bố trí khu vực cách ly điều trị bệnh truyền nhiễm, tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo, Đội phản ứng nhanh, số điện thoại đường dây nóng, dự trù và nhận đủ cơ số trang bị phòng chống dịch, nhằm đáp ứng nhanh với tình hình dịch bệnh tại địa phương. Đồng thời phân luồng người bệnh ngay từ khi đến đăng ký khám bệnh, kịp thời cách ly, khoanh vùng, xử lý.
Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác dân số đặc biệt được chú trọng. Đến nay, việc quản lý bà mẹ mang thai đã được tăng cường ở tất cả các TYT xã/thị trấn và đạt tỷ lệ trên 90%, tỷ lệ phụ nữ sinh tại các cơ sở y tế đạt trên 98%, giảm được tai biến sản khoa. Công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em cũng được duy trì thường xuyên hàng tháng bằng các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các kỹ năng nuôi con tại TYT xã, thị trấn và cộng đồng.
Dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở huyện Lâm Hà còn dưới 11%.
Đến hết năm 2017, huyện Lâm Hà có 16/16 xã/thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Tất cả các TYT xã đều đã có bác sĩ, có phương tiện để chẩn đoán siêu âm, xét nghiệm,... Với các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn rộng như Tân Thanh, Phú Sơn, Mê Linh,... các phân trạm bên cạnh TYT chính càng đóng vai trò quan trọng. Phân trạm Hang Hớt tại xã Mê Linh được xây dựng từ năm 2002, phục vụ công tác khám bệnh cho Nhân dân 3 thôn Hang Hớt, Cổng Trời, Buôn Chuối. Hiện, phân trạm có 1 y sĩ, 1 nữ hộ sinh và 1 điều dưỡng.
Y sĩ Dơng Gur Ha Bích là một người con của thôn Cổng Trời. Thế hệ của anh, để theo được con chữ phải hết sức nhọc nhằn. Năm đó, Ha Bích là người duy nhất trong thôn học xong lớp 12. Năm 2001, anh công tác ở TYT xã Mê Linh, rồi gắn bó với Phân trạm Hang Hớt từ năm 2002 - khi phân trạm vẫn chưa có điện, có nước, con đường dẫn đến trạm vẫn còn lầy lội.
“Bây giờ thì bà con đau ốm không còn phải lội bùn lầy mới tới được trạm để khám, lấy thuốc. Đường sá thuận tiện, trời mưa hay nắng thì bà con cũng dễ dàng đến khám bệnh, tiêm phòng. Những ca cấp cứu đã được kịp thời đưa lên tuyến trên để không còn xảy ra những trường hợp đáng tiếc vì chậm trễ. Sức khỏe của người dân nhờ thế cũng được ổn định, đảm bảo hơn” - Y sĩ Dơng Gur Ha Bích chia sẻ.
“Nhìn chung, công tác KCB của TTYT huyện Lâm Hà thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, thực hiện được nhiệm vụ được giao theo phân tuyến điều trị. Các khoa, phòng, TYT đã chủ động triển khai công việc. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử trong cán bộ, viên chức, nâng cao hơn nữa chất lượng KCB và sự tin tưởng của Nhân dân địa phương” - BS Nguyễn Xuân Ban khẳng định.
VIỆT QUỲNH