COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công phổi. Hút thuốc lá làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại virus SARS-CoV-2 và các bệnh khác...
COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công phổi. Hút thuốc lá làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại virus SARS-CoV-2 và các bệnh khác. Hút thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và tiểu đường, khiến những người mắc các bệnh này có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm COVID-19. Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc khi mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn.
|
Xe loa cổ động tuyên truyền thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại TP Đà Lạt |
Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Các sản phẩm thuốc lá mới hiện được các công ty thuốc lá giới thiệu là một sản phẩm ít hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường, tuy nhiên, đây chỉ là các quảng cáo nhằm gây nhầm lẫn. Các bằng chứng đến thời điểm hiện tại cho thấy cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có chứa các thành phần độc hại, khi sử dụng đều có sự đốt cháy và có khói, hơi tỏa ra môi trường gây hại cho người xung quanh. Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật, tử vong. Đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ.
Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai: Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển, nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu.
Đối với thanh thiếu niên: Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn, vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai. Trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có: glycerin, propylene glycol và hương liệu (có trên 15.500 các loại hương liệu); Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi; Glycerin / Glycerin gốc thực vật khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein gây kích ứng đường hô hấp trên. Các chất độc hại trong thuốc lá điện tử còn liên quan đến nhồi máu cơ tim, gây tổn thương phổi. Thời gian gần đây, số liệu từ các quốc gia cho thấy sử dụng thuốc lá điện tử gây các ca viêm phổi cấp nguy kịch; động kinh, các bệnh về răng miệng, ngộ độc; gây tai nạn thương tích (các vụ nổ, bỏng, chấn thương, gãy xương, tử vong)...
Thuốc lá điện tử tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml, điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính. Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ đang rất phức tạp và một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Khói thuốc lá nung ngoài gây hại cho người hút thì còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động. Thuốc lá làm nóng chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh, có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Phơi nhiễm chất nitrosamines liên quan tới ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung. Phơi nhiễm chất aldehydes như formaldehyde có thể gây ung thư phổi và mũi, ngoài việc khiến cho phổi dễ bị nhạy cảm trước các nhiễm khuẩn. Phơi nhiễm carbon monoxide làm giảm việc cung cấp oxy tới tim làm tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim và đột quỵ. Phơi nhiễm acrolein góp phần làm tăng mảng bám trong mạch máu cũng như tạo huyết khối, tăng nguy cơ tim mạch và đột quỵ. Phơi nhiễm cũng gây tổn hại khả năng chống viêm của phổi...
Hút thuốc lá làm tăng 7 lần nguy cơ mắc COVID-19
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc COVID-19 cao gấp 5 lần. Những người trẻ tuổi vừa hút thuốc lá điện tử vừa hút thuốc lá thông thường có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn gấp 7 lần. Những người dùng thuốc lá điện tử và hút thuốc lá thường có nguy cơ có các triệu chứng COVID-19, bao gồm: ho, sốt, mệt mỏi và khó thở cao gấp 5 lần so với những người không bao giờ hút thuốc. Những người trẻ tuổi sử dụng cả thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu có nguy cơ được xét nghiệm COVID-19 cao hơn 9 lần so với những người không sử dụng và những người mới đây có sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ cần xét nghiệm COVID-19 cao hơn gần 3 lần.
Có một số lý do sinh học thuyết phục mà người hút thuốc có thể dễ bị nhiễm COVID-19 hơn đó là: thuốc lá điện tử có thể ảnh hưởng đến phổi và hệ miễn dịch. Thêm vào đó, có một con đường mà SARS-CoV-2 dựa vào để xâm nhập các tế bào và thuốc lá điện tử có thể làm cho con đường này trở nên khả dụng hơn. Bên cạnh đó, khả năng thanh thiếu niên dùng chung thuốc lá điện tử sẽ cao hơn, nếu một người bị nhiễm bệnh, người tiếp theo sử dụng thiết bị có thể hít phải các hạt virus vào sâu trong phổi của họ. Hơi thở ra cũng có thể chứa virus và có khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh.
Thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động. Hút thuốc lá đã được biết đến là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Theo đánh giá của WHO, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Các sản phẩm thuốc lá có thể làm tăng tỷ lệ nhiễm bệnh bằng cách làm tổn thương biểu mô hô hấp (niêm mạc phổi). Những người trẻ tuổi sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ nhiễm COVID-19 thể nặng và gặp biến chứng rất cao.
Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích thanh niên ngừng hút thuốc lá thông thường và cả thuốc lá điện tử. Đối với những người trẻ đã nghiện, không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được sự trợ giúp từ việc cai nghiện. WHO cũng khuyến cáo người hút thuốc nên bắt đầu thực hiện ngay các bước để bỏ thuốc bằng cách sử dụng các phương pháp đã được chứng minh như: tư vấn bỏ thuốc qua số điện thoại miễn phí, chương trình nhắn tin giúp bỏ thuốc qua điện thoại di động và các liệu pháp thay thế nicotine (như kẹo cao su và miếng dán được thiết kế để giúp người hút thuốc bỏ thuốc lá…).
AN NHIÊN