Giữ tiếng chiêng ở N'Thol Hạ

05:09, 15/09/2020

Xã N'Thol Hạ (huyện Đức Trọng) có gần 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, thế nhưng, không còn dễ được nghe tiếng chiêng ngân trong cuộc sống hàng ngày...

Xã N’Thol Hạ (huyện Đức Trọng) có gần 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, thế nhưng, không còn dễ được nghe tiếng chiêng ngân trong cuộc sống hàng ngày. Việc giữ gìn văn hóa cồng chiêng - vì vậy mà vẫn là nỗi trăn trở của những người tâm huyết ở nơi đây.
 
Già Kơ Să Ha July (thôn Yang Ly) được UBND tỉnh công nhận là Nghệ nhân cồng chiêng Tây Nguyên
Già Kơ Să Ha July (thôn Yang Ly) được UBND tỉnh công nhận là Nghệ nhân cồng chiêng Tây Nguyên
 
Tình yêu của người già
 
Cả xã N’Thol Hạ bây giờ chỉ còn 7 người già thường xuyên tham gia vào đội cồng chiêng mỗi lần có dịp đi giao lưu hay thi thố. Trong đó, già Ha Oh (thôn Bon Rơm) có lẽ là người lớn tuổi nhất khi đã qua 86 mùa nương rẫy, ông gắn bó với cồng chiêng từ những ngày niên thiếu cho đến bây giờ. Không chỉ đánh cồng chiêng, già Ha Oh còn biết chơi đàn T’rưng, biết thổi kèn bầu. Từ những ngày tuổi thanh niên tham gia nhiệt tình vào các mùa lễ hội, nay già lại từng bước dẫn dắt đội cồng chiêng trẻ của xã nhà.
 
Từ một năm trở lại đây, sức khỏe già Ha Oh đi xuống thấy rõ. Dáng đi đã không còn nhanh nhẹn, đôi mắt không còn tinh anh, đôi tai không còn nghe rõ và lời nói cũng không còn rõ ràng. Thế nhưng, chỉ cần nhìn cách ông âu yếm và mân mê chiếc chiêng, đủ hiểu tình cảm mà cả cuộc đời ông đặt vào trong đó. Câu chuyện về sự gắn bó giữa già Ha Oh với cồng chiêng, chúng tôi được nghe kể bởi con gái già - chị  K’Long K’Xuân. Trong ký ức tuổi thơ của chị K’Xuân, vẫn in rõ những ngày cùng cha mình tham gia lễ hội, hòa trong sự rộn ràng của dân làng là những âm thanh vang vọng cả núi rừng. 
 
K’Xuân trước đây là Bí thư Đoàn xã N’Thol Hạ, và đến bây giờ, khi đã là bà mẹ 2 con, chị vẫn là đội trưởng nhiệt tình của đội múa xoan. Cứ như vậy bao nhiêu năm qua, trong mỗi lần biểu diễn, hai cha con già Ha Oh đều cùng nhau đứng trên sân khấu. Cha đánh cồng chiêng, con múa xoan, chị K’Xuân bảo rằng may mắn vì vẫn giữ được đội chiêng, đội múa để tham gia giao lưu, chỉ tiếc rằng không có nhiều hoạt động để giao lưu thường xuyên hơn.
 
Ở N’Thol Hạ, già Kơ Să Ha July (thôn Yang Ly) được biết đến là người vinh dự được UBND tỉnh công nhận là Nghệ nhân cồng chiêng Tây Nguyên vào năm 2014. Năm nay 68 tuổi, ông vẫn giữ được nét khỏe mạnh, rắn chắc của một người con núi rừng, cũng vô cùng lãng mạn khi ôm đàn ghi ta hát tặng khách, dù chỉ trước đó ít phút, mồ hôi vẫn còn nhễ nhại trên khuôn mặt người nông dân vì đi cắt cỏ cho bò. Già July bảo rằng, từ nhỏ, ông đã có niềm yêu thích đặc biệt với những bộ chiêng 3, chiêng 6. Cứ vậy rồi nhìn người lớn đánh để học đánh theo.
 
Bây giờ, những người mà ông học đã lần lượt “về với Chúa” - như cách ông nói. Thế nên, bản thân ông tự cảm thấy mình có trách nhiệm phải giữ gìn văn hóa này. Ông có 5 người con và 10 người cháu, nhưng chẳng ai chịu theo ông học đánh cồng chiêng. “Tụi trẻ chỉ chăm chú vào ti vi, điện thoại, máy tính. Không dễ gì tìm được người hứng thú với văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày đám cưới, đám giỗ, lễ, tết hay giáng sinh cũng không còn được nghe âm thanh vừa rộn ràng, vừa quen thuộc ấy. Lắm lúc cũng buồn” - già chia sẻ. 
 
Thế nhưng, khi hỏi rằng già có lo lắng mai này, văn hóa cồng chiêng sẽ dần mai một và mất đi ngay trong chính cộng đồng dân tộc K’Ho, già July khẳng định rằng: “Cái gì cũng vậy, phải có “máu” trong người thì mới làm tốt được. Mình không thể bắt ép mấy đứa nhỏ bây giờ học đánh cồng chiêng, mà phải đợi người nào thật sự có năng khiếu, có đam mê. Đó sẽ là những người kế thừa khi những người già như chúng tôi về với Chúa”.
 
Sự kế thừa của người trẻ
 
Sự lạc quan và niềm tin của già July là có cơ sở. Bởi dù hiếm hoi, nhưng ở N’Thol Hạ vẫn đang có những người trẻ thật sự tâm huyết với văn hóa cồng chiêng, mà Phó Chủ tịch UBND xã N’Thol Hạ, anh Lê Bá Dương là một ví dụ. Anh sinh ra, lớn lên, trưởng thành và cống hiến ở ngay vùng đất này, nên phần nào hiểu rõ và trân trọng giá trị truyền thống của tiếng cồng, tiếng chiêng. Anh nói rành rọt tiếng K’Ho, nên dùng chính thứ tiếng nói của bà con để thuyết phục, vận động người dân giữ gìn nét văn hóa này. 
 
Ngay từ khi còn là Bí thư Đoàn xã N’Thol Hạ, anh Dương đã huy động thanh niên trong xã tham gia lớp học đánh cồng chiêng, mời các già làng trong xã đến trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy. “Chúng ta không thể quy đồng mọi thứ, giữa những sự len lỏi của nếp sống hiện đại, vẫn còn nhiều người con K’Ho muốn học đánh cồng chiêng nhưng không có điều kiện. Điều cần làm là phải giúp các bạn nhận ra tình yêu và niềm đam mê đó trong con người của mình” - Phó Chủ tịch UBND xã N’Thol Hạ  chia sẻ.
 
Trong số 24 học viên ngày đó, bây giờ có 11 người biết đánh thuần thục. Và anh Dương là người Kinh duy nhất trong số đó.
 
Trong đội cồng chiêng của xã N’Thol Hạ, K’Đoan (thôn Srê Đăng) là một trong những thành viên say mê và nhiệt tình nhất. Năm nay 30 tuổi, anh kể rằng mình tham gia đội cồng chiêng của xã từ năm anh 21 tuổi. Trước đó, trong nhà không có ai biết đánh cồng chiêng nên anh phải học từ đầu, từng chút một. K’Đoan tâm sự: “Mọi thứ với mình bắt đầu từ con số không nên cảm thấy khó lắm. Nhưng mình chỉ nghĩ, mình là người K’Ho thì phải biết đánh cồng chiêng, phải làm một điều gì đó để giữ lại bản sắc của dân tộc mình”. K’Đoan nghĩ vậy, rồi miệt mài học tập, miệt mài rèn luyện. Sau 5 tháng anh bắt đầu biết đánh, và sau 9 năm, đến giờ K’Đoan vẫn chưa dám nhận là mình đã đánh cồng chiêng thuần thục.
 
Hiện tại, N’Thol Hạ  vẫn duy trì được đội cồng chiêng để tham gia vào các sự kiện, lễ hội. Tuy nhiên, trên địa bàn xã chỉ còn giữ được 2 bộ chiêng 6 và một bộ chiêng 3. Mỗi lần học hay biểu diễn, đội phải đi mượn và số lượng bị hạn chế. “Một điểm khó nữa là kinh phí hoạt động hạn chế, hầu như chỉ sử dụng kinh phí từ nguồn văn hóa văn nghệ ít ỏi của xã, trang phục do các thành viên tự túc. Do không có cơ hội đi biểu diễn nên chúng tôi hầu như không có kinh phí từ nguồn xã hội hóa” - anh Lê Bá Dương cho hay.
 
Người trẻ nhất trong đội cồng chiêng xã N’Thol Hạ sinh năm 2004. Và những người như anh Dương, K’Đoan hay K’Xuân - sẽ là thế hệ tiếp nối mà già July đặt trọn niềm tin vào việc giữ gìn văn hóa truyền thống quý giá của người K’Ho. Để vượt qua những khó khăn hiện tại, tiếng chiêng sẽ còn ngân mãi trong cộng đồng người K’Ho ở N’Thol Hạ.
 
VIỆT QUỲNH