Niềm vui của thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường là thấy sinh viên của mình khi tốt nghiệp ra trường đều tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề và chuyên môn mình học.
Niềm vui của thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường là thấy sinh viên của mình khi tốt nghiệp ra trường đều tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề và chuyên môn mình học.
|
Thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường (giữa) cùng sinh viên trong giờ thực hành |
Quê Ninh Bình, sinh năm 1978, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 2002, thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường về công tác tại Cao đẳng Nghề Đà Lạt và hiện là Trưởng khoa Khoa Điện - Điện tử tại đây.
Cao đẳng Nghề Đà Lạt là 1 trong 45 trường nghề trong nước được đầu tư thành trường chất lượng cao. Cùng với Khoa Điện - Điện tử, trường còn đào tạo rất nhiều nghề như Công nghệ sinh học, Kỹ thuật rau - hoa công nghệ cao, bảo vệ thực vật, Quản trị khách sạn nhà hàng, Kỹ thuật chế biến món ăn, Công nghệ thông tin, quản trị mạng, Kế toán doanh nghiệp..., đặc biệt là những nghề kỹ thuật khá chuyên sâu như Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Thương mại điện tử, Thiết kế trang mạng điện tử... Sinh viên nơi đây không chỉ sống ở địa phương Lâm Đồng mà còn đến từ nhiều tỉnh, thành trong nước.
Trong công việc, để đảm bảo và đáp ứng cho việc đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao của nhà trường, thầy Cường cho biết luôn nỗ lực học hỏi để nâng cao trình độ, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiên cứu khoa học, kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm.
Là trường nghề nên việc giảng dạy nơi đây rất chú trọng lý thuyết kết hợp thực hành, trong đó thực hành lên đến 70%. Dù gần đây, chương trình đào tạo các trường cao đẳng trong nước khá thống nhất và tương đối giống nhau nhưng Cao đẳng Nghề Đà Lạt vẫn nghiêng nhiều về thực hành. “Mục tiêu là đào tạo cho sinh viên khi tốt nghiệp ra trường có tay nghề, có thể làm được việc ngay” - thầy cho biết.
Là người trực tiếp đứng lớp, thầy Cường cho biết luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao, đảm bảo số lượng và chất lượng giờ giảng, luôn cải tiến phương pháp giảng dạy, giúp học sinh - sinh viên tiếp thu hiệu quả kiến thức, kỹ năng tay nghề. “Trong xây dựng đề cương, giáo trình, giáo án, chúng tôi luôn chú trọng đến việc hướng dẫn thực hành, thực tập; xây dựng các mô hình đào tạo có tính ứng dụng cao, nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng tay nghề cho học sinh, sinh viên của trường” - thầy cho biết.
Trong công tác chủ nhiệm, thầy luôn chú ý giữ gìn nề nếp học sinh - sinh viên, thực hiện theo đúng quy định của nhà trường, luôn động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia tích cực vào các hoạt động chung của trường và Đoàn trường.
Thầy cũng là một trong những người đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học của Cao đẳng Nghề Đà Lạt nhiều năm nay, nhất là việc nghiên cứu và xây dựng các mô hình nghiên cứu khoa học và thiết bị đào tạo tự làm, thầy cũng là người rất có duyên trong các cuộc thi từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia.
Trong năm học 2013 - 2014, thầy đã tham gia xây dựng Đề tài “Mô hình đào tạo ảo giảng dạy môn học Vi điều khiển và Programmable Logic Controlle”. Đề tài này khi tham dự Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc đã đoạt giải Nhì cấp quốc gia.
Trong năm học 2014 - 2015, thầy chính là chủ nhiệm của Đề tài xây dựng “Mô hình chiết nước vào chai” giảng dạy các môn Cảm biến, Vi điều khiển, Trang bị điện, Progrmmable Logic Controller. Khi tham gia Hội thi Thiết bị dạy học, dạy nghề tự làm các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đề tài này đã đoạt giải Nhất cấp tỉnh.
Năm học 2015 - 2016, khi thầy làm chủ nhiệm Đề tài xây dựng mô hình “Nhà kính thông minh” phục vụ giảng dạy tại 2 khoa là Khoa Nông nghiệp - Công nghệ Sinh học ứng dụng và Khoa Điện - Điện tử để ứng dụng trong sản xuất rau hoa công nghệ cao, mô hình này khi tham gia Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V, năm 2016 đã đoạt giải Nhì cấp quốc gia.
Năm học 2017 - 2018, thầy tiếp tục nghiên cứu nâng cấp mô hình “Nhà kính thông minh sử dụng năng lượng mặt trời” với hệ thống điều khiển và giám sát từ xa qua máy tính và điện thoại thông minh. Mô hình này được áp dụng giảng dạy tại trường và áp dụng vào nhiều nhà kính trồng hoa tại Lâm Đồng. Thầy cũng trực tiếp tham gia đào tạo và huấn luyện sinh viên trong trường tham dự các kỳ thi tay nghề và đoạt giải cao tại các kỳ thi trong nước. Trong kỳ thi tay nghề cấp quốc gia năm 2016, sinh viên của trường do thầy huấn luyện đã đoạt giải Nhì cấp quốc gia nghề Tự động hóa công nghiệp. Tương tự, trong kỳ thi tay nghề cấp quốc gia năm 2018, sinh viên Cao đẳng Nghề Đà Lạt do thầy huấn luyện cũng đoạt giải Khuyến khích cấp quốc gia nghề Tự động hóa công nghiệp.
Trong nhiều năm nay, thầy giáo Nguyễn Mạnh Cường là giáo viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh và quốc gia, bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, 2 lần nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về công tác xây dựng thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc.
Nhưng niềm vui lớn nhất với thầy, với tư cách là một thầy giáo công tác tại trường nghề, mà thầy chia sẻ với chúng tôi chính là việc thầy đã góp phần cùng tập thể cán bộ, giáo viên nơi đây đào tạo ra những sinh viên có tay nghề cao, khi tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm, có đóng góp cho xã hội. “Không chỉ có việc làm mà trên 80% sinh viên Khoa Điện - Điện tử chúng tôi khi tốt nghiệp ra trường đều tìm đúng việc chuyên môn đã được đào tạo của mình, đó là hạnh phúc của người thầy”- thầy nói.
GIA KHÁNH