(LĐ online) - Ngày 15/9, Đoàn công tác của Hội LHPN Việt Nam tỉnh Lâm Đồng do bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Đức Trọng về tình hình thực hiện công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em theo Điều 14, 25, 26 và 35 Luật Trẻ em năm 2016.
(LĐ online) - Ngày 15/9, Đoàn công tác của Hội LHPN Việt Nam tỉnh Lâm Đồng do bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Đức Trọng về tình hình thực hiện công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em theo Điều 14, 25, 26 và 35 Luật Trẻ em năm 2016.
Bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh, phát biểu tại buổi làm việc |
Sau khi làm việc với xã Phú Hội, chiều cùng ngày, đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Đức Trọng.
Theo báo cáo của huyện Đức Trọng, huyện hiện có 63.948 trẻ em; trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 2.340 trẻ em. Những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em theo Điều 14, 25, 26 và 35 Luật Trẻ em năm 2016 luôn được các ngành, các cấp trong huyện quan tâm, tích cực triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng.
Toàn huyện có 20.424 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT theo quy định, đạt tỷ lệ 100%. Các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em được duy trì ở 15/15 xã, thị trấn. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 10,3%; có 98% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Nội dung tuyên truyền Luật Trẻ em, các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em; giáo dục giới tính, chống xâm hại trẻ em; phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình... được quan tâm thực hiện thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, như: Hoạt động sinh hoạt hè, tháng hành động vì trẻ em, tết trung thu...
Qua công tác tuyên truyền, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, hành động của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, như: Việc mở rộng các sân chơi cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng nông thôn; hỗ trợ, đầu tư xây dựng các hồ bơi cũng như các lớp dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn; tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục, cải tạo trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tái hòa nhập cộng đồng; công tác giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính ở trẻ em...
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, đã ghi nhận những nỗ lực của huyện Đức Trọng trong công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016. Đồng thời, đề nghị huyện Đức Trọng trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường đổi mới công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, gia đình, cá nhân về bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo Luật Trẻ em 2016; tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Song song đó, phối hợp xây dựng môi trường giáo dục kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, góp phần hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần...
N.MINH