Người làm đẹp phố phường

06:09, 03/09/2020

Với tinh thần làm việc chăm chỉ, trách nhiệm cao, chị Trần Thị Hồng Thương là một trong những gương điển hình tiên tiến được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VI của Lâm Đồng sắp đến.

 

Với tinh thần làm việc chăm chỉ, trách nhiệm cao, chị Trần Thị Hồng Thương là một trong những gương điển hình tiên tiến được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VI của Lâm Đồng sắp đến.
 
Hơn 15 năm chị Thương gắn bó với công việc dọn vệ sinh môi trường
Hơn 15 năm chị Thương gắn bó với công việc dọn vệ sinh môi trường
 
4 giờ sáng, khi mọi người vẫn đang say giấc, chị Thương đã ra khỏi nhà và bắt đầu công việc như thường lệ của mình. Đường đêm vắng người, chỉ có bóng người quét rác với bộ quần áo bảo hộ cùng tiếng chổi xào xạc trong đêm vắng lặng...
 
Chị Trần Thị Hồng Thương là Tổ trưởng Tổ 1, Đội môi trường đô thị, thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt. Ở độ tuổi 37, chị Thương đã dành hơn 15 năm gắn bó với nghề dọn vệ sinh môi trường. Cái nghề mà chị xem đó là phao mưu sinh, nghề làm đẹp cho đời và ở đó còn có những người đồng nghiệp luôn thương yêu, sẵn sàng sẻ chia những câu chuyện vui, buồn có nhau.
 
Chị Thương kể, chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Thái Bình. Vì cuộc sống mưu sinh, năm 2002, chị vào TP Hồ Chí Minh làm thợ may. Đến năm 2005, qua lời giới thiệu của người quen, chị chuyển lên Đà Lạt và làm công nhân vệ sinh môi trường cho đến nay. 
 
Nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề, chị tâm sự, thời điểm đó, mọi người xung quanh đã giúp đỡ chị rất nhiều, lượng rác cũng ít hơn bây giờ, nên chị sớm làm quen với công việc. Hỏi về chuyện việc mới có vất vả nhiều đối với chị hay không? Chị chỉ cười rồi trả lời: “Vốn đã quen với công việc đồng áng vất vả nơi quê nhà, nên những việc này có khó khăn, cực khổ mấy tôi cũng có thể làm được”.
 
Quả thật, hơn 15 năm làm việc, chị Thương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Bất kể những ngày hè nắng nóng hay những đêm mưa bão trở trời, chị cùng các đồng nghiệp vẫn chăm chỉ làm việc.
 
Tổ của chị có 26 người, công việc của mọi người là đảm nhận thu gom rác, thu giá dịch vụ tại các tuyến đường ở Phường 1, một phần Phường 2, Phường 4 và Phường 5. Mọi người cũng trực tiếp thu gom rác trên các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Ba Tháng Hai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Khu Hòa Bình. Chị Thương bộc bạch, mệt nhất là thời điểm hè, lễ, tết, dịp này lượng khách du lịch đông, hàng quán nhiều, lượng rác phát sinh nhiều gấp mấy lần ngày thường. Người đi lại đông khiến việc di chuyển dọn rác, kèm thêm dụng cụ, đẩy xe rác cũng khó khăn hơn. Kẹt xe khiến xe thu gom rác đến muộn hơn, công việc cũng bị gián đoạn, có khi làm từ 16 giờ đến hơn 1 giờ sáng mới xong.
 
Những ngày tết hầu như công nhân vệ sinh môi trường phải làm liên tục. Thời khắc giao thừa, mọi người cùng sum vầy bên gia đình, nhưng đối với những công nhân môi trường, họ hầu như không thể cảm nhận được điều đó. “15 năm nay tôi không biết giao thừa là gì, chồng con cũng hiểu và san sẻ vất vả của mình. Nhưng điều mà tôi buồn nhất vẫn là chưa năm nào giao thừa tôi được về quê thăm bố mẹ”, nói đến đây, chị Thương nghẹn ngào.
 
Chị tâm sự, tuy không được về bên gia đình đón giao thừa, nhưng ở thời khắc giao thoa giữa năm cũ với năm mới, bên cạnh chị còn có rất nhiều anh, chị em trong tổ cùng chung cảnh ngộ. Mọi người cùng nhau đón năm mới với bữa cơm tất niên ấm áp. Bữa cơm tất niên này lại đặc biệt vì ăn ngoài đường, những món ăn đều do mọi người tự chuẩn bị rồi mang tới. Khi đó, mọi người sum vầy bên nhau, cùng chúc tụng nhau, năm mới làm việc tốt.
 
Nói thêm về những vất vả trong nghề, chị Thương chia sẻ, làm công nhân vệ sinh môi trường, có khi làm việc tới đêm muộn, cũng phát sinh nhiều rủi ro. Chị kể, nhiều chị làm ca đêm đến 24 giờ đêm, những đoạn đường vắng phải nhờ chồng đi theo cho an toàn. Nhiều lúc chập choạng, phải chú ý không lại dễ bị tai nạn. Một số người cũng không tôn trọng những công nhân dọn vệ sinh, đôi lúc chị cũng buồn.
 
Là tổ trưởng, chị Thương thường đi sớm, về trễ, 4 giờ 30 sáng làm thì 4 giờ chị tranh thủ đi kiểm tra các tuyến đường, lượng rác như thế nào để phân công mọi người làm việc cho hiệu quả. Những dịp cao điểm, chị linh động sắp xếp công việc cho các thành viên trong tổ đảm bảo công tác thu gom, chủ động cùng mọi người tuyên truyền các hộ dân bỏ rác sớm từ 9 giờ đến 12 giờ thay vì theo giờ quy định (từ 17 giờ đến 19 giờ), tránh việc tồn đọng rác, đảm bảo đường phố luôn sạch, đẹp. 
 
Chị cho rằng, để làm tốt công việc, bản thân phải thực sự yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao. Chị cũng tạo nền nếp, ý thức, trách nhiệm chung cho mọi người. Luôn khích lệ tinh thần, tạo tinh thần đoàn kết, thương yêu để mọi người hoàn thành tốt công việc được giao. 
 
 “Việc tuy có lúc vất vả nhưng vẫn vui vì luôn có mọi người đồng hành với nhau, việc khó khăn thì cùng nhau sẻ chia, vui buồn thì cùng nhau tâm sự, giãi bày. Tôi xem đây là niềm vui trong công việc của mình. Có khi được nghỉ phép, tôi lại thèm đi làm vì nhớ các anh, chị trong tổ”, chị Hồng Thương cười. 
 
Không chỉ hoàn thành tốt công việc ở công ty, những hoạt động công đoàn chị Thương luôn tích cực tham gia, việc gia đình cũng được chị chu toàn. Từ năm 2015 đến nay, chị Trần Thị Hồng Thương đều đạt danh hiệu “Phụ nữ hai giỏi” cùng rất nhiều bằng khen được thành phố, tỉnh trao tặng. 
 
Chị vẫn luôn quan niệm: Công việc nào cũng đáng quý nếu mang lại hạnh phúc cho đời. Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, chị lại tiếp tục công việc của mình. Từng ngày, từng ngày nối tiếp nhau như thế, chị Hồng Thương cũng như những công nhân vệ sinh môi trường khác vẫn luôn cần mẫn làm công việc thầm lặng nhưng đáng quý của mình.
 
NHẬT QUỲNH