Theo giới thiệu của Phòng Dân tộc huyện Đạ Huoai, tôi tìm về "xã thoát nghèo ngoạn mục" Phước Lộc gặp chị Ka Hiên...
Theo giới thiệu của Phòng Dân tộc huyện Đạ Huoai, tôi tìm về “xã thoát nghèo ngoạn mục” Phước Lộc gặp chị Ka Hiên. Người phụ nữ Mạ ấy được rất nhiều người mến mộ ở nhiều cương vị: Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Khuyến học xã, Bí thư Chi bộ thôn và chủ một gia đình làm kinh tế giỏi... Năm 2019, chị Ka Hiên được Lâm Đồng chọn tham dự và phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về người dân tộc thiểu số uy tín tiêu biểu.
|
Vợ chồng Ka Hiên trong vườn sầu riêng của mình |
Hình ảnh đẹp trong lòng đồng nghiệp
Chị Ka Hiên và chồng là K’Nôm cùng sinh năm 1962, cùng là cựu chiến binh và đảng viên. Vợ làm Bí thư Chi bộ thôn Phước Dũng, chồng là Trưởng thôn. Tuy mới học hết lớp 7 nhưng tố chất thông minh, dám nghĩ dám làm, khi thành lập xã Phước Lộc, Ka Hiên được bầu làm Phó Chủ tịch xã khóa đầu tiên, năm 2013-2016. Thôi chức danh này, đến nay chị làm Chủ tịch Hội Khuyến học của xã, Bí thư Chi bộ thôn Phước Dũng. Thôn có 130 hộ, 527 người, chỉ còn 2 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo do hoàn cảnh già cả và bệnh tật kéo dài. Ka Phượng 28 tuổi cảm động nói: “Gia đình cháu được cô Hiên đào tạo công ăn việc làm, cho vay vốn. Cô dạy dễ hiểu, thoải mái, nhiệt tình, vui vẻ. Chồng cháu cũng được cô tìm việc làm đóng hàng sầu riêng cho chủ vựa nên giờ gia đình cháu có cuộc sống đỡ rất nhiều rồi”.
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, anh K’Vĩnh nhận xét về chị Ka Hiên với tôi, đây là một con người có quá trình công tác rất năng nổ, nhiệt tình và đặc biệt hiệu quả trong công tác xã hội, công tác kinh tế vườn hộ. Anh nói: “Chị Ka Hiên có phẩm chất năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tạo đột phá. Những ưu điểm của chị đã lan tỏa trong đồng bào dân tộc thiểu số, tác động tới nhận thức và bà con học hỏi Ka Hiên để sản xuất. Nhiều hộ đã có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Phong trào làm giàu được nhân rộng, xuất hiện các điển hình khác trong địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số của Phước Lộc nay chỉ còn 3%”. Tôi cũng trao đổi thêm với Chủ tịch Hội Phụ nữ của xã, chị Ka Rép nhận xét: “Chị Ka Hiên là một cán bộ tham gia rất tích cực các hoạt động xã hội tại địa phương và là người vợ rất đảm đang trong gia đình. Chị yêu thương các đồng chí trong cơ quan, giúp đỡ nhau, đoàn kết và thường xuyên giúp đỡ chị em xây dựng cuộc sống hạnh phúc gia đình. Ấn tượng nhất của tôi về chị là nhiệt tình, nhiệt huyết trong công việc của tập thể và cả gia đình...”.
Gương sáng về làm kinh tế
Tôi tìm gặp chị Ka Hiên ngay trong vườn sầu riêng của gia đình, rộng 4 hecta. Mồ hôi nhễ nhãi trên khuôn mặt rắn rỏi của người phụ nữ đậm chắc. Ngồi trên tảng đá, tôi được nghe nhiều chuyện của người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ka Hiên và K’Nôm lấy nhau, xây dựng cuộc sống từ bàn tay trắng để nuôi 3 người con. Nhà tranh vách tre dựng tạm, chí thú làm ăn, đến năm 2001 mới có căn nhà xây cấp 4. Giờ thì vợ chồng đã làm cho 2 người con gái Ka Noel và Ka Huấn 2 nhà xây cấp 4 cùng nhiều trang thiết bị đắt tiền như xe máy 40, 50 triệu đồng mỗi chiếc, các vật dụng giá trị khác. Con trai tốt nghiệp cao đẳng làm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vợ chồng chị Hiên đang hoàn thiện căn nhà rất đẹp, tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng. Một chiếc ô tô “mới cóng” có giá 900 triệu đồng…
Để được cơ ngơi như vậy, vợ chồng Ka Hiên - K’Nôm nhận thức rất sớm rằng, chỉ có tích cực dựa vào khí hậu, thổ nhưỡng của vùng Phước Lộc nơi mình định cư này mới cải thiện được cuộc sống. Năm 2000, chị tiên phong chuyển đổi cà phê sang điều và sau đó trồng xen cây sầu riêng. Năm 2018, anh chị cưa hết toàn bộ điều để lộ ra 6 hecta cây sầu riêng với khoảng 700 gốc lực lưỡng, trong đó hơn 500 gốc ghép giống MonThong, lấy từ cây bố tại vườn nhà và gia đình tự ghép. Cho gia đình 2 con gái 2 hecta, anh chị canh tác 4 hecta. Trong đó, 2 hecta thu hoạch hàng chục tấn mỗi vụ. Dưới tán điều là cây chè, mỗi năm thu khoảng 4 tấn lá... Cách làm của vợ chồng Ka Hiên và K’Nôm là tích cực học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn: bà con người Kinh ở miền Tây lên cư trú trong xã; dự tập huấn của huyện; qua truyền hình và internet… Mặt khác, anh chị vay tiền ngân hàng mạnh dạn đầu tư dần vào nông nghiệp. Đó là hệ thống tưới hơn 150 triệu đồng, bao gồm kéo đường dẫn từ núi Lu Mu cả 3 km về vườn và nhà; đào hồ trữ nước mùa hạn nặng; lắp hệ thống tưới phun tự động đến từng gốc sầu riêng… Đó là tìm hiểu kỹ lưỡng về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trực tiếp chăm sóc kỹ thuật, còn làm cỏ thuê các lao động với mức chi trả mỗi ngày 300 ngàn đồng/người cùng ba bữa ăn.
Hiệu quả kinh tế từ vườn sầu riêng của gia đình chị Hiên tăng dần. Năm 2016, thu 350 triệu đồng với hơn 1 hecta; năm 2017 thu 420 triệu đồng với 1,5 hecta. Năm 2018 thu gần 1 tỷ đồng gồm sầu siêng cùng các loại cây trồng chôm chôm, chè, mít... Năm 2019 là mùa thu sầu riêng đạt cao nhất, gần 20 tấn, giá 50-52.000 đồng/kg. Cây sai nhất gần 3 tạ quả, chủ yếu giống MonThong, còn giống Ri rất ít vì giá thấp nhất. Sầu riêng thu về 1 tỷ đồng; các loại chè, chôm chôm, mít… thu 100 triệu đồng. Sau thu hoạch, ngoài mua ô tô, anh chị trả ngay 400 triệu đồng cho ngân hàng. Năm 2020, tiếp tục vay ngân hàng 500 triệu đồng để làm nhà và sẽ trả hết trong năm. Với hình thức vay - trả này không tạo áp lực và có động lực phấn đấu tiếp.
|
Ngôi nhà mới sắp hoàn thành |
Việc thật, bà con tin theo
“Không nói dài dòng, phải làm cho bà con theo. Sống với những việc thật thì bà con tin và làm theo. Mình hướng dẫn bà con cùng phát triển, cùng làm giàu, đưa đất nước phát triển, xóm làng hạnh phúc chớ”, chị Ka Hiên nói. Cách thức của chị Hiên là giúp cụ thể, từ tuyên truyền, động viên đến hướng dẫn kỹ thuật; từ cho vay tiền trừ dần theo công làm cho gia đình đến tìm đầu ra của nông sản… Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ gia đình chị Hiên, từ năm 2014 bà con dân tộc thiểu số xã Phước Lộc mạnh dạn chuyển đổi từ điều sang sầu riêng. Nhiều người bắt đầu có của ăn của để nhờ học tập chị Hiên. Phó Chủ tịch UBND xã K’Vĩnh xác nhận với tôi các hộ như: ông K’Hùng thôn Bình An, anh K’Rẹ thôn Phước Dũng, ông K’Ghẹm thôn Lạc Hồng... Chị Ka Hiên bày tỏ niềm vui: “Hai năm 2019 và 2020, bà con đã mạnh dạn đầu tư nhiều vào các vườn sầu riêng của mình rồi. Sắp tới, tôi sẽ đưa phân bón về ngôi nhà mới của gia đình mình để tư vấn và cung cấp phân bón, thuốc men giúp bà con”. Chị Hiên cũng cho biết, từ năm 2016 - 2019, gia đình đã vận động các hộ trong thôn chuyển đổi 45 hecta điều năng suất kém sang trồng sầu riêng; vận động các hộ của thôn trồng xen chè dưới tán điều đạt hơn 86 hecta, chiếm 48% diện tích chè toàn xã.
Đồng hành với chị Ka Hiên là người chồng, anh K’Nôm. Anh cũng rất năng nổ, từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca cao của xã, Tổ trưởng Tổ vay vốn, Tổ trưởng quản lý bảo vệ rừng, Chi hội trưởng Cựu chiến binh... Giờ thì vợ đảm nhận Chi hội Cựu chiến binh, con rể làm Tổ trưởng quản lý bảo vệ rừng. Gia đình là nguồn động viên lớn để chị Ka Hiên đạt những thành tích trân trọng: Lao động tiên tiến cấp huyện từ năm 2010-2016; vinh danh là người uy tín tiêu biểu năm 2018 cùng các bằng khen và giấy khen.
MINH ĐẠO