Khởi nghiệp, phát triển kinh doanh được xem là một trong những giải pháp tạo việc làm cho phụ nữ, giúp chị em tham gia phát triển kinh tế và khẳng định vị trí của mình trong xã hội ở thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập...
Khởi nghiệp, phát triển kinh doanh được xem là một trong những giải pháp tạo việc làm cho phụ nữ, giúp chị em tham gia phát triển kinh tế và khẳng định vị trí của mình trong xã hội ở thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập. Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp triển khai với nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả, giúp cho nhiều chị em xóa bỏ rào cản về giới, mang lại một cơ hội lớn cho chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn có điều kiện để khởi nghiệp.
|
Hội LHPN huyện Bảo Lâm trao sinh kế, hỗ trợ vay vốn cho 3 PN khó khăn khởi nghiệp |
Bước đầu triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, các cấp Hội Phụ nữ (HPN) còn bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng với quyết tâm cao và sự phối hợp đồng bộ cùng các ngành có liên quan, Câu lạc bộ nữ doanh nhân, Tổ hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh; các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Điểm nhấn quan trọng nhất là các cấp HPN đã đồng hành xuyên suốt cùng hội viên, phụ nữ trong việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực tổ chức quản lý sản xuất - kinh doanh; cung cấp các kiến thức về hội nhập kinh tế, hỗ trợ việc lập đề án, hỗ trợ hội viên trong hoạt động đăng ký kinh doanh, đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn mác bao bì cho sản phẩm. Đồng thời phối hợp với ngành Công thương tổ chức hoạt động hỗ trợ các hộ kinh doanh kết nối tiêu thụ sản phẩm, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng bằng hình thức tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, trao đổi thông tin mua bán qua mạng xã hội, hỗ trợ vay vốn bằng nguồn lực do chính chị em phụ nữ đóng góp.
Năm 2020, lan tỏa từ các ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh, nhiều hoạt động được các cấp hội triển khai phù hợp với thực tế của từng địa phương, đơn vị như: tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm với các nội dung như Đề án nêu trên và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; vai trò, vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế. Đồng thời các cơ sở hội tuyên truyền nội dung của Đề án đến hội viên phụ nữ thông qua sinh hoạt các chi tổ hội, tổ tín dụng - tiết kiệm, trong các mô hình phụ nữ làm kinh tế tập thể. Đặc biệt, các cấp hội đã quan tâm đến phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng khó khăn và phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) như thành lập trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết... Trang bị kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và khởi nghiệp; tập huấn nâng cao trình độ, trang bị các kỹ năng cần thiết, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh mới. Thông qua đó, khơi dậy tinh thần, sức mạnh nội lực của hội viên phụ nữ giúp chị em mạnh dạn phát triển ý tưởng, kế hoạch kinh doanh sáng tạo để khởi nghiệp, nhất là các đối tượng phụ nữ yếu thế, phụ nữ vùng sâu, vùng xa. Điển hình như Hội LHPN huyện Bảo Lâm tổ chức Ngày hội phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, tổ chức 15 gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đồng thời trao sinh kế, vay vốn cho 3 chị em phụ nữ khó khăn từ nguồn lực do chính chị em PN đóng góp. Trước đó, Hội LHPN huyện phối hợp Hội LHPN xã Lộc An tổ chức Ngày hội trưng bày sản phẩm khởi nghiệp và ra mắt mô hình “Phụ nữ khởi nghiệp” tại xã Lộc An với 8 thành viên tham gia. Hội LHPN huyện Đơn Dương tổ chức Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2020”; Hội LHPN huyện Di Linh với “Phiên chợ vùng cao”...
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, Hội LHPN thành phố Đà Lạt, huyện Đạ Huoai, Cát Tiên tiếp tục duy trì Quỹ tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cho 34 hội viên, phụ nữ vay không lấy lãi bắt đầu khởi nghiệp, nhằm tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, góp phần cùng địa phương hoàn thành các chỉ tiêu về nông thôn mới. Ngoài ra, HPN các cấp tổ chức trao tặng phương tiện sinh kế cho hội viên, phụ nữ nghèo như: Cụm thi đua Bắc Sông của Hội LHPN huyện Đơn Dương tặng 1 bình bơm thuốc sâu cho 1 hội viên phụ nữ cận nghèo thuộc thôn Lạc Thạnh - xã Lạc Lâm. Hội LHPN huyện Đạ Tẻh trao tặng 100 cây xoài Thái cho phụ nữ DTTS trị giá 4.500.000 đồng; Hội LHPN xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà trao phương tiện sinh kế cho 13 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 12.580.000 đồng…
Ngoài ra, năm 2020 Hội LHPN tỉnh đã rà soát và chọn 9/59 ý tưởng tham gia cuộc thi khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp - Kết nối thành công” cấp Trung ương, đã có 1 ý tưởng của Hợp tác xã Trùn quế Đơn Dương được Trung ương chọn và hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị liên kết với kinh phí trên 200 triệu đồng.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục chú trọng hoạt động đổi mới, sáng tạo, nhằm không ngừng học tập, nâng cao trình độ, khoa học - kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; đồng thời, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự tin, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để phong trào khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ càng phát triển mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
PHƯƠNG THẢO (Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng)