Người Tày, Nùng ơn Đảng

05:09, 02/09/2020

Về Thôn 2, xã An Nhơn (Đạ Tẻh) bây giờ, ít ai ngờ tới rằng một vùng đất trước đây ken dày bùn lầy giờ trở thành một vùng nếp Quýt có tên trên "bản đồ" lúa gạo của Việt Nam...

Về Thôn 2, xã An Nhơn (Đạ Tẻh) bây giờ, ít ai ngờ tới rằng một vùng đất trước đây ken dày bùn lầy giờ trở thành một vùng nếp Quýt có tên trên “bản đồ” lúa gạo của Việt Nam. Có được cơ ngơi ngày hôm nay, đồng bào Tày, Nùng luôn cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm, hướng dẫn bà con cách thức làm ăn, để những con dân đất Việt không còn phiêu bạt khắp núi rừng, ăn sương, ngủ gió.
 
Niềm vui khôn xiết của người dân Thôn 2 trên cánh đồng nếp Quýt với những vụ mùa bội thu
Niềm vui khôn xiết của người dân Thôn 2 trên cánh đồng nếp Quýt với những vụ mùa bội thu
 
Thôn 2 là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Tày, Nùng với 115 hộ, 515 nhân khẩu, đời sống bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đây là nơi những cư dân miền núi phía Bắc nước ta vào Đạ Tẻh lập nghiệp, lập làng từ những năm 1992 - 1993.
 
Nhìn về đồng nếp Quýt đang reo ca cùng gió mới Đạ Tẻh, ông Tô Đức Viện lần giở những ký ức mà mình không thể nào quên được, những ký ức của tháng ngày nghèo khó đeo bám. Ông Viện nhớ lại: Gia đình tôi vào đất này từ tháng 3 năm 1993, lúc đó nghèo lắm, bán nhà bán đất ở quê, vào đây tìm mạch sống mới. Tháng ngày đầu thật là gian nan, ngay ông anh rể của tôi vào trước tôi một năm, ngày tết mà phải bán cái đèn pin cầm tay để mua gạo ăn. Muối mà phải tiết kiệm từng hạt, quý lắm; như vậy là biết mức độ gian khó khi mới vào rồi đó. 
 
Nhưng đất không phụ người, có hạt mồ hôi đổ xuống cánh đồng thì có hạt lúa, hạt nếp chín “cúi đầu” nặng hạt. Đến nay, Thôn 2 có hơn 100 ha canh tác nếp Quýt. Ông Viện dẫn chúng tôi ra cánh đồng trước mặt nhà mình, ông cười hiền khô: Làm nếp đây sướng lắm, bữa nay có máy cày làm đất, máy gieo hạt tra giống, máy gặt đập liên hợp đóng thành bao luôn. Còn mua bán thì đơn giản, đến ngày mùa chỉ cần ra đồng chỉ tay đâu là ruộng của mình, máy gặt nó chạy một nhoáng là đóng bao, thương lái đến lấy, thế là có tiền, nói chung hết cái cảnh “con trâu đi trước cái cày đi sau rồi”. 
 
Thôn 2 được các cấp, địa phương đánh giá là một thôn tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đường làng ngõ xóm hoa nở khoe sắc 4 mùa, nhà cửa khang trang, máy móc phục vụ nông nghiệp đầy đủ, đa phần người dân khá giả, cả thôn hiện chỉ còn 2 hộ nghèo (thuộc đối tượng bảo trợ xã hội); con em ăn học tử tế, luôn một lòng hướng về quê hương, đất nước.
 
Dạo một vòng quanh Thôn 2, cuộc sống thanh bình, êm ả của một vùng quê thuần nông ví như vùng Trung Trung Bộ thu nhỏ của nước ta, vì phóng tầm mắt ra khỏi cánh đồng là những triền đồi bao bọc, khe suối chảy róc rách. Ông Trịnh Xuân Đình là một người dân của thôn phấn khởi vì bao năm lao động, chắt chiu từng hạt nếp, từng ngọn măng, đến nay ông đã xây dựng một căn nhà kiên cố và thuộc dạng “hoành tráng” ở thôn. Còn ông Hoàng Văn Lù thì rơm rớm nước mắt vì đã qua rồi cái thời tối nằm nghe bụng sôi rào rào, có làm mà không có ăn. 
 
Anh Trần Trung Kiên hiện giờ là Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn, trước đây anh là cán bộ văn hóa nên anh hiểu rõ lắm về người dân Thôn 2, nhất là trong lối sống, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Anh bảo rằng người dân Thôn 2 luôn cố gắng giữ gìn bản sắc, sắc màu của dân tộc mình. Họ ăn tết, Rằm tháng Bảy và thức quà họ dâng lên tổ tiên, ông bà, đất rừng Đạ Tẻh chính là nhiều món bánh ngon từ chính hạt nếp Quýt trên cánh đồng An Nhơn. Đến nay, thôn còn có một tổ của chị em phụ nữ chuyên làm các loại bánh truyền thống để kinh doanh và điều tất yếu là để con cháu không quên nguồn cội. Ngoài ra, với Lễ hội Lồng Tồng, bà con đã thể hiện được tinh thần đoàn kết dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết, con dân Việt Nam là một nhà.
 
Điều đáng trân trọng nhất của bà con Tày, Nùng ở Thôn 2, xã An Nhơn chính là khi bước vào ngôi nhà, hình ảnh đầu tiên chính là hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Đại tướng Võ Nguyên Giáp huyền thoại được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà. Đối với bà con trong thôn thì có được cuộc sống ấm no, thoát khỏi cảnh giặc ngoại xâm chính là nhờ công lao của các bậc tiền nhân đã bao đời dựng nước và giữ nước. Người dân luôn một lòng ơn Đảng, ơn Bác; quyết tâm lao động, sản xuất, xây đắp quê hương mới của mình ngày thêm trù phú, lớn mạnh.
 
Trước đây, đồng bào Tày, Nùng như những cánh chim không mỏi miệt mài bay đi tìm vùng đất mới; cho đến khi “đất lành chim đậu”. Đạ Tẻh thơm mùi nếp mới đã cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an cư lạc nghiệp.
 
ĐỨC TÚ