Sau 10 năm thành lập (1/10/2010 - 1/10/2020), Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu của cả nước trong ngành khai thác bauxite, sản xuất ra sản phẩm alumina để tiến tới điện phân nhôm kim loại.
Sau 10 năm thành lập (1/10/2010 - 1/10/2020), Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu của cả nước trong ngành khai thác bauxite, sản xuất ra sản phẩm alumina để tiến tới điện phân nhôm kim loại.
Ông Vũ Minh Thành - Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng (giữa) họp cùng các bộ phận về việc quy hoạch tổng thể mặt bằng Nhà máy Alumina Tân Rai |
Vượt khó vươn lên
Chặng đường 10 năm là khoảng thời gian không dài, nhưng với Nhôm Lâm Đồng đó là một chặng đường đầy chông gai với những điều phi thường. 10 năm trước, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV (LDA) được thành lập với sứ mệnh chuẩn bị bộ máy, tiếp nhận chuyển giao công nghệ để chạy thử, hoàn thành giai đoạn đầu tư và tiếp quản vận hành Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng giai đoạn sản xuất thương mại.
Nhớ những ngày đầu tiếp quản vận hành thương mại Nhà máy Alumina Tân Rai, ông Vũ Minh Thành - Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng, chia sẻ: Buổi đầu tiếp quản tổ hợp công nghiệp phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro về an toàn môi trường. Trong khi đó, tiến độ hoàn thành đầu tư, đưa nhà máy vào vận hành chậm so với dự kiến ban đầu. Khi tiếp nhận bàn giao Tổ hợp sang giai đoạn sản xuất, Nhà thầu không thực hiện trách nhiệm hỗ trợ vận hành. Những áp lực làm chủ công nghệ, duy trì nhà máy hoạt động ổn định, kiểm soát gắt gao các chỉ số an toàn sản xuất lẫn an toàn môi trường; sức ép, thử thách về thị trường, giá bán và hiệu quả kinh tế khiến cả bộ máy của Công ty phải khó khăn vật lộn.
Theo thời gian, LDA đã từng bước khắc phục những khó khăn và không ngừng trưởng thành vươn lên. Đến nay, Công ty đã làm chủ sâu công nghệ đưa Nhà máy Alumina vận hành với công suất đạt và vượt mức thiết kế. Năm 2020, sản lượng alumina quy đổi dự kiến 700.000 tấn, đạt gần 108% công suất thiết kế. Các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn loại I và tốt hơn so với thiết kế, được thị trường thế giới ưa chuộng. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đều đạt và vượt mức tốt hơn so với thiết kế, có những chỉ tiêu đạt mức tiên tiến hàng đầu trên thế giới. Hiện, Nhà máy đang chuyển qua giai đoạn tăng tốc về sản lượng, chuẩn hóa và tối ưu dây chuyền sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Giá thành sản xuất alumina giảm dần, đến năm 2019, chỉ còn 4,13 triệu đồng/tấn, giảm 26,6% so với năm 2013 là 5,23 triệu đồng/tấn. Công ty luôn đảm bảo an toàn sản xuất, an toàn lao động và an toàn môi trường ở mức độ tin cậy và bền vững. Đây chính là biểu hiện sinh động cho một nhà máy sản xuất kỷ cương, xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường với mô hình “Nhà máy - công viên”.
Công ty đã điều hành hoạt động Tổ hợp Bauxite có hiệu quả kinh tế ở mức sớm hơn, tốt hơn so với tính toán và giá thành sản xuất cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nhờ đó, giải quyết tốt công ăn việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân, lao động, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và sự phát triển lớn mạnh của Tập đoàn. |
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Trong 10 năm, Công ty đã có 313 sáng kiến cải tiến kỹ thuật và 230 ý tưởng tối ưu hóa đã được áp dụng vào sản xuất nhằm cải tiến, tối ưu công nghệ, ứng dụng vật liệu mới, cải thiện điều kiện làm việc. Những sáng kiến này đã làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho Công ty.
Bên cạnh đó, Công ty còn chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 giám sát tập trung thông số vận hành các khu vực sản xuất trong dây chuyền hiện có. Đặc biệt, Công ty Nhôm Lâm Đồng còn là đơn vị đi đầu của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trong việc chuyển đổi số doanh nghiệp. Cuối năm 2019, Công ty chính thức đưa vào sử dụng phần mềm điều hành tác nghiệp V-Office tích hợp sử dụng chữ ký số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành. Ngoài ra, Công ty đã chủ động xây dựng, lập trình cơ sở dữ liệu thống kê, quản lý chất lượng, thẻ kho điện tử dùng chung cập nhật liên tục 24/24 giờ tại các máy chủ của các đơn vị sản xuất, phần mềm sát hạch bổ nhiệm cán bộ, phần mềm xây dựng kế hoạch kỹ thuật công nghệ, sản xuất kinh doanh hàng năm. Bước đầu mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả quản trị doanh nghiệp.
Từ năm 2010 đến hết năm 2020, toàn Dự án dự kiến đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước số tiền 3.603 tỷ đồng. Tổng kinh phí chi cho các hoạt động an sinh xã hội tại Lâm Đồng từ khi bắt đầu Dự án đến nay là gần 280 tỷ đồng. |
Một trong những thành công quan trọng đánh dấu 10 năm trưởng thành của LDA là đã đào tạo, xây dựng đội ngũ đầy bản lĩnh, đoàn kết, sáng tạo, biết vượt mọi khó khăn bằng trí tuệ tập thể. Hiện, Công ty đang thu hút sử dụng 1.230 lao động tại Lâm Đồng với mức thu nhập bình quân đạt khoảng 11 triệu đồng/người/tháng. Định hướng xuyên suốt mà Công ty đang tiếp tục triển khai là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Với những kết quả đã đạt được, Nhôm Lâm Đồng được các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương ghi nhận, đánh giá cao những thành tích đạt được và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Cờ thi đua, bằng khen của Bộ Công thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Công an và tỉnh Lâm Đồng…Các tổ chức đoàn thể cũng nhận được nhiều danh hiệu cao quý. Riêng ông Vũ Minh Thành - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty vinh dự là 1 trong 100 doanh nhân trong toàn quốc nhận danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu - Cúp Thánh Gióng năm 2019.
Ông Lê Minh Chuẩn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: “Tập đoàn tin tưởng với những thành quả đạt được, Công ty Nhôm Lâm Đồng sẽ đưa Dự án tổ hợp Bauxite Nhôm Lâm Đồng phát triển lên một tầm cao mới, từng bước hoàn thành mục tiêu chế biến nhôm tại Dự án”.
HỮU SANG - KHÁNH PHÚC