(LĐ online) - Đó là khẳng định của các sở, ngành về công tác chuẩn bị đón những người dân Lâm Đồng đi du lịch hoặc nghỉ dưỡng, thăm thân nhân bị mắc kẹt hơn một tháng qua do dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát tại Đà Nẵng.
(LĐ online) - Đó là khẳng định của các sở, ngành về công tác chuẩn bị đón những người dân Lâm Đồng đi du lịch hoặc nghỉ dưỡng, thăm thân nhân bị mắc kẹt hơn một tháng qua do dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát tại Đà Nẵng.
|
Đà Nẵng được mệnh danh là “thành phố đáng sống” đang phải chịu hậu quả nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 bùng phát hơn 1 tháng qua |
Theo ông Nguyễn Đức Thuận – Giám đốc Sở Y tế, Lâm Đồng là một trong 22/63 tỉnh thành chưa có dịch Covid-19. Ngành y tế kiểm soát 2.972 trường hợp cách ly tại các cơ sở y tế, 282 trường hợp cách ly tập trung, 2.592 trường hợp cách ly tại nhà; triển khai đồng bộ văn bản của các cấp, các ngành; chuẩn bị kế hoạch đón tiếp những trường hợp trở đang mắc kẹt ở Đà Nẵng trở về đúng quy trình bằng xe ô tô; sắp xếp tại địa điểm cách ly theo giới, độ tuổi, địa chỉ, tập trung tại 3 cơ sở trên địa bàn huyện Đơn Dương, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc. Ngay khi về đến địa điểm cách ly, các trường hợp này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm sau thời gian cách ly được 11 ngày, cho kết quả âm tính mới trở về cộng đồng.
Còn theo bà Lê Thị Thêu – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay, 7 tỉnh đã có kế hoạch đưa người dân từ Đà Nẵng trở về; trong đó, có Lâm Đồng. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã đưa những người mắc kẹt trở về an toàn; Đắc Nông đã bắt đầu thực hiện từ ngày 31/8; Phú Yên cũng thực hiện từ 1/9. Những tỉnh có số lượng người mắc kẹt ở Đà Nẵng đông là Đắk Lắk (1.600 người), Bình Định (709 người), Gia Lai (952 người), Kon Tum (357 người); Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị đều trên 1.000 người. Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã liên hệ với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng và đã phân công cán bộ gọi điện thoại đến tất cả những người dân Lâm Đồng đang ở Đà Nẵng để thông báo phương tiện di chuyển là ô tô cùng với tổ công tác; đồng thời, xác định tên, tuổi, giới tính, quan hệ gia đình, địa chỉ tại Lâm Đồng và sẽ tập hợp xong danh sách trước ngày đi đón.
Ông Trương Hữu Hiệp – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải đã tiến hành chuẩn bị phương tiện đón đoàn đầu tiên bằng 5 xe ô tô với số lượng 159 người theo danh sách của Ban Chỉ đạo và sẵn sàng lên đường ngay khi có quyết định của tỉnh.
Ông Lê Vinh Quy – Giám đốc Công an tỉnh, xác định: Chuẩn bị đón người dân từ vùng dịch trở về, Công an tỉnh phố hợp với các sở, phân công lực lượng nắm kỹ số lượng sẽ trở về, nhân thân, nơi cư trú tuổi, giới, quan hệ gia đình để tạo thuận lợi cho người dân; đồng thời, tổ chức lực lượng phối hợp với cơ quan công an các tỉnh trên tuyến đường trở về để đảm bảo an ninh trật tự trên suốt chuyến đi từ vùng dịch về đến Lâm Đồng.
Ông Đoàn Văn Việt – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu: Công tác tổ chức đón tiếp người dân từ Đà Nẵng trở về phải đảm bảo chu đáo, thực hiện cách ly theo quy định. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các ngành và địa phương phối hợp tốt để thực hiện cách ly an toàn, chế độ sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tế. Động viên, chia sẻ, quan tâm để người dân an tâm cách ly đúng thời gian để sớm trở về với cộng đồng, tránh trường hợp đáng tiếc như bỏ trốn hay tìm cách di chuyển bằng phương tiện khác. Đội ngũ phục vụ trong đoàn công tác đón người dân từ Đà Nẵng trở về phải là những người thiện chí, trách nhiệm và cũng phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối.
LÊ HOA