Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục tập trung quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm theo các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh năm 2020...
Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục tập trung quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm theo các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh năm 2020, đây cũng là năm cuối hoàn thành toàn diện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng đã đạt những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực.
|
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 |
Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu
Lâm Đồng là tỉnh nằm trên vùng Tây Nguyên với điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng giáo dục luôn được quan tâm phát triển. Quy mô trường lớp tiếp tục được điều chỉnh, mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân. Toàn ngành hiện có 712 đơn vị trường học, trong đó: Mầm non, phổ thông 697 trường; Trung tâm GDTX-GDNN 12; có 2 trường dành cho học sinh khuyết tật và Trường CĐSP Đà Lạt. Tổng số học sinh, sinh viên hơn 331 ngàn, hơn 22 ngàn CBQL, GV, NV, hầu hết đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao (mầm non đạt chuẩn 95,3%, trên chuẩn 39,7%; tiểu học đạt chuẩn 99,8%, trên chuẩn 31,6%; THCS đạt chuẩn 99,8%, trên chuẩn 78%; THPT đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 30%; TCCN đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 5,2%; cao đẳng đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 40%. Toàn ngành có 8.665 đảng viên, đạt tỷ lệ 38,25%.
Một trong những nỗ lực của ngành Giáo dục Lâm Đồng là công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia năm học 2019 - 2020 đạt 80,57%, vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra từ 75-80%.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được tăng cường, trường lớp ngày càng khang trang, từng bước hiện đại, tỷ lệ phòng học kiên cố hàng năm tăng đáng kể. Đặc biệt, giáo dục vùng dân tộc và địa bàn khó khăn được quan tâm đầu tư, hệ thống trường phổ thông DTNT và phổ thông dân tộc bán trú phát triển ổn định. Toàn tỉnh có 9 trường phổ thông DTNT, trong đó có 3 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 33,33%). Công bằng xã hội trong giáo dục được quan tâm, bảo đảm tốt hơn, nhất là đối với con em dân tộc thiểu số, hộ nghèo và các đối tượng bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục được các cấp, các ngành và đông đảo Nhân dân quan tâm thực hiện, huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đóng góp kinh phí cho giáo dục.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục
Phát huy truyền thống thi đua Dạy tốt - Học tốt của ngành, ngành Giáo dục Lâm Đồng tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp dạy học, coi chất lượng đào tạo là vấn đề then chốt để củng cố, nâng cao niềm tin của xã hội đối với giáo dục địa phương. Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được gắn kết chặt chẽ, đan xen, tích hợp, lồng ghép trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ dạy và học tại các cơ sở giáo dục.
Chất lượng, hiệu quả giáo dục ở các bậc học, cấp học ổn định. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở các độ tuổi mầm non tăng so với cùng kỳ năm học trước; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao, 100% trường có tổ chức bán trú. Đối với giáo dục phổ thông, ý thức học tập, chất lượng giáo dục thực chất của học sinh đã chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh lên lớp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT ổn định ở mức cao; công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp được quan tâm, học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT ổn định về số lượng, chất lượng giải. Đặc biệt, trong năm học vừa qua, cấp tiểu học nhiều tiêu chí đạt kết quả cao như: tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia 85,6%; PCGDTH đạt mức độ 3 là mức cao nhất; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; kết quả xét Hoàn thành chương trình lớp học 99,9%; xét hoàn thành chương trình tiểu học 99,99% (có 49 học sinh khuyết tật học hòa nhập không đánh giá); các loại hình dạy học Tin học, tiếng Anh, dạy học 2 buổi/ngày đều đạt tỷ lệ cao trong Cụm thi đua…
Sở GDĐT đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong tình hình dịch COVID-19. Kết quả, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 99,54% (tăng 2,07% so với năm 2019), cao nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên; điểm thi trung bình xếp thứ 14/60 tỉnh, thành phố (không tính Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk). Đặc biệt, theo kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và điểm các môn ở học bạ lớp 12 do Bộ GDĐT công bố, Lâm Đồng là tỉnh có mức chênh lệch thấp đứng thứ 4 trên cả nước. Điều này phản ánh đúng thực chất chất lượng dạy và học, tính trung thực trong tổ chức kỳ thi ở địa phương.
Đối với việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong đó trọng tâm là áp dụng sách giáo khoa mới ở lớp 1 năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục Lâm Đồng đã có những bước chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ, công tác tập huấn cho giáo viên trực tiếp đứng lớp 1 của năm học 2020 - 2021. Đến nay, toàn ngành đã sẵn sàng triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa trong năm học mới.
“Năm học 2019 - 2020, toàn ngành tập trung chỉ đạo, triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác trọng tâm, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Căn cứ vào 9 nhóm nhiệm vụ, 5 giải pháp đã được Bộ GDĐT chỉ đạo trong năm qua và tình hình thực tiễn GDĐT tại địa phương, Sở GDĐT đề ra những nhiệm vụ, giải pháp công tác dự kiến triển khai thực hiện trong năm học 2020 - 2021. Trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng GDĐT theo các Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đồng thời nỗ lực thực hiện có hiệu quả chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 để tiếp tục triển khai đối với các bậc học khác ở các năm học tiếp theo theo đúng lộ trình của Bộ GDĐT”, bà Phạm Thị Hồng Hải - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng cho hay.
TUẤN HƯƠNG