Trưởng thành từ thực tiễn

09:09, 29/09/2020

Cả 5/7 đội viên trẻ về công tác tại các xã của huyện nghèo Đam Rông theo Đề án 500 nay đều có những đóng góp và trưởng thành, được tuyển dụng thành công chức tại huyện. 

Cả 5/7 đội viên trẻ về công tác tại các xã của huyện nghèo Đam Rông theo Đề án 500 nay đều có những đóng góp và trưởng thành, được tuyển dụng thành công chức tại huyện. 
 
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (thứ ba từ trái qua) cùng các đội viên trong Đề án 500 tại Lâm Đồng
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (thứ ba từ trái qua) cùng các đội viên trong Đề án 500 tại Lâm Đồng
 
Về với xã nghèo
 
Gọi là những đội viên có chút gì đó giống như cách gọi các đội viên học sinh nhỏ tuổi trong nhà trường phổ thông. Nhưng không, đây là những thanh niên - những trí thức trẻ, tất cả đều đã tốt nghiệp đại học với các chuyên ngành như quản lý công, quản lý tài nguyên rừng, luật, quản lý đất đai, nông nghiệp; thậm chí có người còn tốt nghiệp thạc sỹ về quản lý giáo dục. 
 
Họ là những trí thức trẻ tình nguyện của Lâm Đồng thực hiện theo Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án này đưa ra nhằm đưa 500 trí thức trẻ trong nước tình nguyện về công tác ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, nơi các huyện nghèo, còn nhiều khó khăn trong cả nước nên gọi là “Đề án 500”.
 
Tại Lâm Đồng, trong năm 2014, khi triển khai Đề án 500, tỉnh đã nhận được 51 hồ sơ gửi đến. Tất cả các ứng viên này đều đã tốt nghiệp từ bậc đại học trở lên. Sau quá trình tuyển chọn, Lâm Đồng đã chọn được 7 người, gọi là các đội viên, cho tập huấn chương trình và sau đó đưa về công tác tại các xã của huyện nghèo Đam Rông. Trong 7 đội viên này có 4 đội viên là người dân tộc thiểu số. 
 
Theo yêu cầu, tất cả 7 đội viên đã ký kết hợp đồng làm việc với UBND huyện Đam Rông với thời hạn 5 năm; trong đó, có 2 đội viên được phân công công tác tại xã Đạ Long và Đạ Tông đảm nhận chức danh văn phòng - thống kê; 3 đội viên làm việc tại xã Đạ K’Nàng, xã Đạ M’rông và xã Đạ Rsal đảm nhiệm chức danh địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường; 1 đội viên giữ chức danh văn hóa - xã hội tại xã Liêng S’rônh và 1 đội viên đảm nhiệm tư pháp - hộ tịch tại xã Rô Men. 
 
Đây đều là những xã nghèo trong huyện nghèo Đam Rông, nhiều xã nằm trong vùng sâu, đời sống, giao thông còn nhiều khó khăn, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện làm việc thiếu thốn. 
 
Trưởng thành từ thực tiễn
 
Tại Hội nghị tổng kết Đề án 500 do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức trong tháng 8 vừa qua, sau năm 5 triển khai tại Lâm Đồng, nhiều đại biểu cho biết các trí thức trẻ đã có những đóng góp tích cực tại địa phương.
 
Ông Đinh Huy Thắng - Chủ tịch UBND xã Rô Men, một trong những xã có tiếp nhận đội viên, cho biết: “Anh Nguyễn Bá Kiên - thành viên của Đề án khi về phụ trách mảng tư pháp - hộ tịch của xã đã có nhiều đóng góp với địa phương trong 5 năm làm việc tại đây. Chúng tôi đã chào đón, tạo điều kiện về chỗ ở và công việc, bản thân anh Kiên cũng có nhiều nỗ lực và đóng góp cụ thể. Hàng năm, xã có tổ chức đánh giá những việc làm được và chưa làm được để giúp anh Kiên ngày càng làm tốt hơn”. 
 
Tương tự, ông Thái Viết Phúc - Chủ tịch UBND xã Đạ Rsal cũng đánh giá cao vai trò của đội viên Hoàng Đình Thanh khi về đây. “Xã tổ chức đón tiếp, bố trí nơi ở cho đội viên yên tâm công tác, trang bị máy móc làm việc. Xã cũng cử anh Thanh tham gia đầy đủ các lớp tập huấn bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của huyện và tỉnh hàng năm. Trong quá trình công tác, anh Thanh đã phát huy được vai trò của mình trong mảng địa chính, xây dựng, nông nghiệp và môi trường. Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, vừa qua anh Thanh đã được tuyển chọn thành công chức cấp huyện” - ông Phúc cho biết.
 
Ông Trương Quốc Khánh - Chủ tịch xã Liêng Srônh cũng cho biết: Đội viên Vũ Văn Hưng khi về phụ trách mảng văn hóa - xã hội tại xã đã phát huy năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Xã chúng tôi đa dân tộc, đa tôn giáo, đông dân di cư tự do vào lập nghiệp, khi anh Hưng về công tác đã đề xuất cho chúng tôi thực hiện tốt nhiều phong trào, mở các lớp cồng chiêng, tổ chức các hoạt động giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng. Với kinh nghiệm thực tiễn này, chúng tôi mong anh Hưng tiếp tục phát huy vai trò khi là công chức cấp huyện.
 
Theo ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, là huyện nghèo nên Đam Rông rất cần nguồn lực con người để huyện phát triển như các huyện bạn trong tỉnh. Chính vì vậy, các cấp trong huyện đã tạo điều kiện tốt nhất cho các đội viên của Đề án về công tác, giúp các đội viên phát huy được sở trường và sức trẻ của mình trong các công việc thực tiễn tại cơ sở.
 
Theo đánh giá của Sở Nội vụ Lâm Đồng, tất cả đội viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy được vai trò của mình tại các xã được bố trí. Kết thúc 5 năm làm việc, có 5/7 đội viên đã trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức cấp huyện; trong đó, anh Vy Văn Chí Tài công tác tại xã Đạ Tông đã trúng tuyển công chức tại huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk; 4 đội viên còn lại đều trúng tuyển công chức cấp huyện Đam Rông, gồm anh Trương Văn Bình - công tác tại xã Đạ Long thành công chức Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, anh Vũ Văn Hưng - công tác tại xã Liêng Srônh thành công chức Phòng Giáo dục Đào tạo huyện, chị Dương Thị Hạnh - công tác tại xã Đạ Mrông thành công chức Văn phòng huyện, anh Hoàng Đình Thanh - công tác tại xã Đạ Rsal thành công chức Phòng Tài nguyên - Môi trường. Riêng đội viên Nguyễn Bá Kiên - công tác tại xã Rô Men khi kết thúc Đề án sau 5 năm làm việc đã xin nghỉ về quê vì lý do gia đình và đội viên Kơ Să Ha Brơi công tác tại xã Đạ K’Nàng xin tiếp tục công tác tại xã để bố trí cán bộ không chuyên trách Văn phòng Đảng ủy xã nơi đây.
 
Đánh giá cao việc phối hợp thực hiện Đề án của các sở, ngành và của UBND huyện Đam Rông, của các đội viên trong chương trình trong 5 năm qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa nhấn mạnh: “Yếu tố nguồn nhân lực, con người là rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội Đam Rông”. Chính vì vậy, ông Đa đã đề nghị các cấp, các ngành cần xem xét, hỗ trợ cho huyện nghèo Đam Rông về mọi mặt khi cần; trong đó, có đào tạo nguồn nhân lực cho huyện. Ông cũng đề nghị huyện tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nhân lực thông qua thực tiễn tại địa phương; tạo điều kiện cho các đội viên, tình nguyện viên khi về đây phát huy năng lực, sức trẻ để góp sức đưa Đam Rông đi lên.
 
VIẾT TRỌNG