"Chỉ có học tập tốt thì con người mới có thể thành đạt và quyết định được số phận của mình!" - ông Phan Hữu Anh, một trong những gia đình hiếu học tiêu biểu của huyện Đơn Dương đã nói với chúng tôi như vậy.
“Chỉ có học tập tốt thì con người mới có thể thành đạt và quyết định được số phận của mình!” - ông Phan Hữu Anh, một trong những gia đình hiếu học tiêu biểu của huyện Đơn Dương đã nói với chúng tôi như vậy.
Vợ chồng ông Phan Hữu Anh và bà Nguyễn Thị Nga cùng những tấm bằng khen, giấy khen của 2 con trai |
Khi chúng tôi đến nhà, ông Phan Hữu Anh cùng vợ ông là bà Nguyễn Thị Nga đang làm việc ở chuồng bò sữa trong vườn nhà, bà đang vắt sữa còn ông phụ giúp. Nhà ông bà khá khang trang, rộng rãi. Xong việc, ông bà mới ra tiếp chuyện chúng tôi.
Cũng như mọi người dân trong Thôn 3 và cả xã Đạ Ròn nơi đây nổi tiếng trong huyện Đơn Dương về nuôi bò sữa, nhà ông Anh và bà Nga cũng chăn nuôi đến 10 con bò sữa với hệ thống chuồng trại sạch sẽ, ngăn nắp. Theo ông bà đây là nguồn thu chính của gia đình ông bà trong nhiều năm nay.
Cả hai ông bà đều quê Hương Khê, Hà Tĩnh, ông sinh năm 1968, bà kém ông 5 tuổi, sinh năm 1973, cùng vào lập nghiệp trên quê mới Đơn Dương. Ông kể, ông vào đây những năm 1990, hồi đó khi vào ông làm công nhân cho Nông trường bò sữa tại đây. Năm 1993, ông gặp vợ trên đất Đơn Dương, lập gia đình, ông bà sinh sống tại Đạ Ròn từ bao nhiêu năm nay. Gia đình ông bà có 2 con trai.
Sinh ra trong một vùng quê nghèo nhưng hiếu học, ông Hữu Anh luôn xem trọng việc học hơn bao giờ hết. Ông cho rằng, chỉ có học thật giỏi, thành đạt thì mới thay đổi được số phận, con cháu mới có cơ hội đi ra cổng làng, phát triển được bản thân, làm việc có ích cho gia đình, xã hội.
Ông Hữu Anh chia sẻ, lo cho con ăn học cũng là phần trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ, đó cũng là một phần tâm niệm của bố ông. Bố ông khi xưa xuất thân từ quân ngũ, sau bị thương xuất ngũ về nhà vẫn tiếp tục xin đi học. Tuy sống ở thời kỳ chiến tranh khó khăn, thiếu thốn, cái ăn cái mặc còn không đủ, nhưng bố ông vẫn hoàn thành chương trình đại học tại một trường lớn ở Hà Nội và sau đó về làm việc tại Ngân hàng địa phương. Bố ông luôn được vợ chồng ông Hữu Anh xem là tấm gương học tập để răn dạy con cháu noi theo. “Dù có thế nào cũng phải lo cho con cháu học hành đầy đủ, thành đạt, là mong muốn lớn nhất của ông mà vợ chồng tôi phải có trách nhiệm hoàn thành” - ông Hữu Anh kể.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Nga cũng kể lại rằng nơi làng quê nghèo của bà nhà ai cũng khó khăn, cho con được đi học đã là một nỗ lực rất lớn của bố mẹ. Mọi người ở quê bà thường có câu “7 năm cắp bút theo thầy, đến năm lớp 8 đẽo cày theo trâu”, bố mẹ cố gắng chỉ lo cho con học đến lớp 7, sau đó thì nghỉ học để phụ giúp bố mẹ.
Bà Nga may mắn vì được gia đình cho đi học đến lớp 11, sau phải nghỉ học vì trường giải thể. Bà kể, ngày đó đi học đến lớp 9 vẫn đi chân đất, 1 quyển vở cũ ghi chép chi chít nhiều môn học, chỉ ăn khoai với sắn đi học. Nhưng tiếc vì trường giải thể, nếu được học cao hơn nữa thì nay cũng không phải làm nông. Cả ông Anh cho biết, ông ngày xưa đi học có khi đi bộ hơn 10 cây số để đến trường, nắng gió hay mưa rét đều cắp sách đi học, ông khi đó học đến lớp 10 thì nghỉ học đi làm để phụ giúp bố mẹ.
“Đời bố mẹ cũng vất vả quá rồi, nên giờ có khó khăn bao nhiêu cũng phải lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, cho bằng bạn bằng bè, trước là hoàn thành tâm nguyện của ông nội, sau là có cuộc sống tốt hơn, giúp ích cho gia đình, xã hội”, bà Nga nói.
Những năm 2000, khi đó, bà Nga vừa sinh con thứ hai vừa chăm lo cho đàn bò sữa ở nhà, ông Hữu Anh vẫn làm việc tại nông trường bò sữa. Dù công việc bận rộn, vất vả nhưng ông bà vẫn luôn kèm cặp, chăm lo việc học cho các con, làm chỗ dựa tinh thần cho các con nỗ lực học tập.
Nay, cả hai con trai của vợ chồng ông bà đều học giỏi, vào đại học, con trai đầu là anh Phan Ngọc Sơn, sinh năm 1995, đã tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân, hiện đang công tác tại Công an thành phố Đà Lạt, trong thời gian đi học anh Sơn đều được khen thưởng là học viên xuất sắc của trường. Còn người con thứ hai của ông bà là anh Phan Ngọc Thành, sinh năm 2000, hiện đang là sinh viên năm 3, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Ông bà còn nuôi dạy một người cháu gái tên Phan Thị Khánh Duyên, đang học tại Trường Đại học Sư phạm Vũng Tàu, các con cháu đều tự giác, trách nhiệm và chăm chỉ học tập là niềm tự hào lớn nhất của ông bà.
Nhìn lại những tấm giấy khen là kết quả của nhiều năm nỗ lực không ngừng của hai người con trai, là người làm cha, làm mẹ, vợ chồng ông Anh bà Nga không khỏi tự hào. Bà cho biết, trong thời gian con được nghỉ học, bà cho con đi làm vườn, làm việc nhà, phụ giúp bố mẹ để các con thấy được việc lao động chân tay vất vả, phần cũng để con hiểu được bố mẹ vất vả như thế nào để chăm lo cho các con ăn học, từ đó mà cố gắng chuyên tâm học tập nên người.
Thôn 3, xã Đạ Ròn hiện có 100 hộ dân, đa phần là người đến từ các tỉnh phía bắc như Hà Tĩnh, Nghệ An, Phú Thọ, cả thôn đều có tinh thần học tập cao, chú trọng đến việc học của con cái. Hiện ông Anh đang là Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Thôn 3, xã Đạ Ròn; còn bà Nga là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Thôn 3, là gia đình không chỉ gương mẫu, là tấm gương hiếu học để các gia đình trong thôn noi theo mà còn là một gia đình luôn có tinh thần vì những công việc chung của cộng đồng.
VIẾT TRỌNG - NHẬT QUỲNH